Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
7961

Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khai không vụ lợi

Ông Nguyễn Quốc Anh nói không vụ lợi, luôn canh cánh giúp bệnh nhân và sinh lợi cho bệnh viện, việc nhận quà biếu của doanh nghiệp là “theo truyền thống ngày Tết”.

Là người đầu tiên trả lời xét hỏi trong phiên toà sáng nay, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh thừa nhận có sai phạm như cáo buộc, với tư cách đứng đầu bệnh viện. Tuy nhiên, việc này do ông “hiểu biết không cụ thể”, hơn nữa “quy định rất chung chung”.

Ông Quốc Anh khẳng định không quen bị cáo Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty BMS, trước khi bên này đặt vấn đề bán robort phẫu thuật. Khi được báo giá 2 robot là 39 và 44 tỷ đồng, do thấy ngoài tầm chi của bệnh viện, ông từ chối.

“Tôi nghe anh em trong viện kể bản thân từng sang Singapore để chữa trị ung thư, chi phí hơn một tỷ đồng chưa kể tiền ăn ở. Nhưng nếu mang được 2 robot này về, mỗi bệnh nhân sẽ chỉ phải bỏ ra 150 triệu đồng, không phải sang nước ngoài”, cựu giám đốc Bạch Mai khai về nguyên nhân đề nghị BMS liên kết, sau khi từ chối mua máy.

Cựu giám đốc bệnh viện Bạch Mai, Nguyễn Quốc Anh, tại phiên xét xử ngày 20/1. Ảnh: Danh Lam

Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh (bên trái), tại phiên xét xử ngày 20/1. Ảnh: Danh Lam

Trước cáo buộc không thảo luận bàn bạc công khai, mà tự ý chủ trì cuộc họp thông qua đề án liên kết đặt máy, làm trái Thông tư 15 của Bộ Y tế, ông Quốc Anh cho rằng cuộc họp có phạm vi còn “lớn hơn cả quy định của Thông tư 15”, do có các giáo sư, bác sĩ đầu ngành.

“Thông tư 15 rất chung chung, tôi không hiểu cụ thể”, ông nói và khẳng định trong cuộc họp đã thông báo về giá và đơn vị liên danh là BMS.

Ông nói năm 2015 giá hai robot nằm trong danh mục thiết bị y tế được Bộ Y tế sẽ mua cho hai bệnh viện đầu ngành là Bạch Mai và Việt Đức, “cũng với giá 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng”. Khi quyết định hợp tác với BMS, ông không chỉ mời công ty độc lập thẩm định giá, còn cử 2 cấp dưới sang Pháp khảo sát giá nên “rất yên tâm”.

“Ngoài mục đích giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân, có động cơ gì khác không?”, chủ tọa hỏi. Ông Quốc Anh hai lần khẳng định: “Tôi cùng anh em chỉ mong muốn giúp người bệnh không phải ra nước ngoài chữa bệnh và làm lợi cho bệnh viện. Động cơ vụ lợi hoàn toàn không có”.

Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phân trần, theo quy định thông thường, khi liên kết các dự án tương tự, doanh nghiệp hưởng 70% lợi nhuận, bệnh viện 30%. “Nhưng riêng lần này, chúng tôi thoả thuận được với BMS để Bạch Mai được hưởng tới 50%. Sau 7 năm máy sẽ hoàn toàn là của bệnh viện, không phải chịu khấu hao nữa nên giá điều trị sẽ rất rẻ. Chúng tôi rất mừng”.

Trước câu trả lời này, chủ toạ Chử Phương Ngọc chất vấn về 100 triệu đồng và 10.000 USD ông Quốc Anh nhận của BMS. Bị cáo thừa nhận có cầm số tiền trên, song quan niệm “đó chỉ là quà lễ Tết theo truyền thống”. Toàn bộ số tiền, ông cũng không giữ lại mà đưa lại thư ký “chia đều cho các bộ phận”.

Ngoài ông Quốc Anh, ông Nguyễn Ngọc Hiền (cựu phó giám đốc) nhận 150 triệu đồng, bà Trịnh Thị Thuận (cựu kế toán trưởng) nhận 50 triệu đồng của BMS. Toàn bộ số tiền được 3 bị cáo nộp lại trước phiên toà.

Trong vụ án, ông Quốc Anh bị VKSND Tối cao quy trách nhiệm là người có vai trò cao nhất, Tuấn giúp sức tích cực và 6 người còn lại là đồng phạm. 8 bị cáo bị truy tố vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356, Bộ luật Hình sự.

Cáo trạng xác định, năm 2012, Bệnh viện Bạch Mai triển khai đề án sử dụng các trang thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa. Biết điều này, tháng 5/2016, Tuấn gặp ông Quốc Anh, đề nghị bán 2 robot Rosa và Mako, hỗ trợ phẫu thuật do công ty BMS nhập khẩu, giá 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng.

Ông Quốc Anh từ chối mua, song cho hay Tuấn có thể làm đề án liên kết đặt máy tại bệnh viện, thủ tục. Thẩm quyền khi đó sẽ do Bệnh viện Bạch Mai tự quyết định, chỉ cần có Chứng thư thẩm định giá. Hai bên thoả thuận giá thiết bị và đơn vị thẩm định sẽ do Tuấn quyết định.

VKS cáo buộc giám đốc bệnh viện Bạch Mai sau đó không thảo luận bàn bạc công khai, tự ý chủ trì cuộc họp, thông qua đề án liên kết đặt robot phẫu thuật tại viện song không công bố giá máy và đơn vị cung cấp máy.

Cuối năm 2016, theo chỉ đạo của ông Quốc Anh, ba thuộc cấp tại bệnh viện Bạch Mai liên hệ với Tuấn và thẩm định viên về giá robot đã được Tuấn sắp xếp trước để làm khống Chứng thư thẩm định.

Dù không có hồ sơ, tài liệu làm căn cứ xác định giá và 2 hệ thống robot chưa được nhập về, thẩm định viênVFS vẫn cấp chứng thư nêu giá của 2 robot là 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng, theo yêu cầu của Tuấn và gửi Bệnh viện Bạch Mai.

Cáo trạng xác định, robot Rosa trị giá 7,4 tỷ đồng được Tuấn khống giá gấp 5, thành 39 tỷ đồng.

Các bị cáo tại phiên xét xử sáng 20/1. Ảnh: Danh Lam

Các bị cáo tại phiên xét xử sáng 20/1. Ảnh: Danh Lam

Cuối tháng 2/2017, ông Quốc Anh ký văn bản giá dịch vụ robot Rosa là 36 triệu đồng/ca, trong đó, Công ty BMS được hưởng tổng 27 triệu đồng các khoản chi phí không đúng quy định. Giá này đồng nghĩa, mỗi bệnh nhân phải trả thêm hơn 16 triệu đồng so với thực tế cho mỗi ca phẫu thuật sử dụng robot, cáo trạng xác định.

Đến tháng 5/2020, tổng cộng 637 người bệnh tại Bạch Mai trả tiền sử dụng robot Rosa. VKS Tối cao xác định, hậu quả của vụ án là số tiền 637 người này đã trả, hơn 10 tỷ đồng. Toàn bộ thiệt hại đã được bị cáo Tuấn khắc phục.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *