Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
32814

Cơ hội và thách thức của Việt Nam thúc đẩy quyền con người

Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục có nhiều tác động sâu rộng đến việc thụ hưởng quyền của người dân, đồng thời Việt Nam sẽ tiếp tục phải ứng phó với nhiều thách thức tiếp diễn. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, trong đó có an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt đến sự phát triển ổn định, bền vững của Việt Nam, khiến phân tán nguồn lực dành cho tiến trình thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, triển khai các khuyến nghị UPR Việt Nam chấp thuận. Nhiều chính sách được thực hiện thông qua những đề án, dự án còn thiếu nguồn kinh phí triển khai, phải thực hiện lồng ghép hoặc đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu.

Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III

Trong bối cảnh mới, Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, Việt Nam cũng xác định được một khó khăn, thách thức kỹ thuật như việc chưa có hệ thống theo dõi đồng bộ việc triển khai các khuyến nghị; việc triển khai một số khuyến nghị mang tính chất vĩ mô, liên ngành nên dẫn tới phân định trách nhiệm có phần còn bất cập; tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở còn hạn chế, có lúc chưa bảo đảm yêu cầu trong tình hình mới. Một số văn bản quy phạm pháp luật mặc dù khắc phục được những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn, tuy nhiên còn chồng chéo, mâu thuẫn. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật về quyền con người chưa thực sự bảo đảm tính kịp thời, chặt chẽ dẫn đến việc kéo dài thời gian xây dựng và ảnh hưởng đến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Việt Nam hiện đang tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 để tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Bối cảnh dịch Covid-19 gây nên sự đứt gãy của các hoạt động kinh tế truyền thống đã tạo ra thêm nhiều khó khăn cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Việt Nam hiện đang triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu, đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 80% dân số.

Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III đã chấp thuận trên cơ sở Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg năm 2019. Báo cáo giữa kỳ này là cơ sở để Việt Nam đánh giá tình hình triển khai các khuyến nghị đã chấp thuận, rút bài học kinh nghiệm và chuẩn bị cho việc xây dựng Báo cáo quốc gia tại Phiên UPR chu kỳ IV, dự kiến vào năm 2024. Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực trong việc xây dựng Báo cáo quốc gia và thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *