Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
19397

Chính sách ưu tiên đặc biệt để thực hiện quyền tiếp cận giáo dục của người DTTS

Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng bảo đảm quyền của đồng bào DTTS đ trong đó có quyền giáo dục.Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quyền này vẫn còn nhiều khó khăn do người DTTS thường sinh sống ở địa bàn miền núi, chia cắt, giao thông không thuận lợi. Cùng với đó là những bất cập trong chính sách, pháp luật Việt Nam về người DTTS nói chung và về quyền học tập của người DTTS nói riêng.

 

Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc – nơi đào tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số

Từ năm 2016 đến 2018 ngân sách nhà nước bố trí 5.730 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con em đồng bào DTTS.Triển khai dạy và học sáu thứ tiếng DTTS (có chương trình sách giáo khoa do Bộ giáo dục đào tạo ban hành gồm: Mông, Chăm, Khơme, Gia Lai, Ba na, Êđê ở 23 tỉnh thành trong cả nước với quy mô: 715 trường, 4812 lớp, 113.231 học sinh.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện quyền tiếp cận giáo dục của người DTTS vẫn còn không ít khó khăn do họ thường sinh sống ở địa bàn miền núi, chia cắt, không thuận lợi về giao thông. Bên cạnh đó, các chính sách, pháp luật Việt Nam về người DTTS nói chung và về quyền học tập của người DTTS nói riêng vẫn còn một số hạn chế. Còn có sự chồng chéo, chưa phù hợp mối quan hệ giữa chính sách vùng, cộng đồng, chính sách cho hộ nói chung và chính sách dân tộc, dẫn đến các can thiệp chính sách còn chồng chéo và chưa phù hợp và hiệu quả. Các chính sách này thường được thiết kế theo phương thức “một can thiệp phù hợp cho tất cả”, trong khi đặc điểm mỗi vùng miền, địa phương, dân tộc là rất khác biệt. Điều này không chỉ làm giảm sự phù hợp của chính sách, mà còn hạn chế tính sáng tạo, hiệu quả thực hiện chính sách ở cấp địa phương. Các thiết chế văn hóa cơ sở cho vùng DTTS cũng đang hết sức khó khăn. Tỷ lệ xã vùng DTTS không có nhà văn hóa chỉ lên đến 53,3%; chỉ có 62,4% số thôn, bản có nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng trong tổng số 48.494 thôn, bản vùng DTTS, tỷ lệ thôn, bản có loa truyền thanh cũng chỉ đạt 56,8%. Khu vực miền núi phía Bắc và Tây nguyên là những nơi đang gặp khó khăn nhất hiện nay về thiết chế văn hóa cơ sở. Mai một và mất dần bản sắc văn hóa (pha tạp, biến đổi, biến thái văn hóa, mất dần ngôn ngữ mẹ đẻ…) truyền thống các DTTS đang ngày càng diễn ra ở nhiều chiều cạnh khác nhau, nhất là đối với 16 tộc người thiểu số rất ít người gồm: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo (dưới 1.000 người), Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái (dưới 5.000 người), Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha và La Hủ (dưới 10.000 người). Từ ngôn ngữ, các vật dụng trong cuộc sống hàng ngày, đến kiến trúc nhà ở, các lễ nghi trong đời sống xã hội (hôn nhân, tang ma, thờ cúng…) mang tính bản sắc truyền thống và khác biệt của từng tộc người ít còn được duy trì, thay vào đó là nét văn hóa của người đa số. Hệ luỵ từ xu hướng này sẽ để lại những hậu quả khó lường, nó không đơn thuần chỉ là mai một bản sắc văn hoá truyền thống tộc người, mà kết hợp với các tác động kinh tế – xã hội khác có thể dẫn đến không còn sự sự hiện diện của một số tộc người thiểu số trong tương lai.

Để bảo đảm quyền giáo dục của đồng bào DTTS cần sự chung tay của cả hệ thống xã hội với những chính sách ưu tiên đặc biệt.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các chính sách giáo dục đặc thù đối với đồng bào DTTS, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi; rà soát, điều chỉnh, bổ sung để hoàn chỉnh những chính sách đã có và nghiên cứu ban hành những chính sách mới, để đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng dân tộc và nhiệm vụ công tác dân tộc trong giai đoạn mới;

Thứ hai, phát triển và hiện đại hóa mạng lưới thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa, thông tin phù hợp. Đẩy mạnh và phát huy hiệu quả công cụ phát thanh, truyền hình phù hợp vùng đồng bào DTTS.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư cho giáo dục tại các khu vực có người DTTS; đồng thời sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư của Nhà nước, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS;

Thứ tư, tiếp tục xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển giáo dục, động viên con em người DTTS đến trường.

Thứ năm,tiếp tục thực hiện xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa là tiền đề để người DTTS thụ hưởng quyền được giáo dục.

Thứ sáu,tăng cường các chương trình giáo dục song ngữ cho trẻ em DTTS và đào tạo trong ngôn ngữ địa phương cho giáo viên Kinh tại các vùng DTTS, tuyển dụng giáo viên DTTS nhiều hơn, cho phép ngôn ngữ DTTS được dạy và được sử dụng như một phương tiện giảng dạy trong các trường học, và hỗ trợ các chương trình giáo dục về văn hóa của các nhóm DTTS.■

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *