Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
33341

Chiến tranh Nga-Ukraine sẽ xảy ra? Kỳ 1: Những hành động khiêu khích

Nỗi lo sợ về chiến tranh Nga-Ukraine đang ngày càng gia tăng, khi Kremlin và cả Mỹ-NATO đều tăng cường sự hiện diện quân sự ở biên giới và các cuộc đàm phán về khủng hoảng vẫn đi vào bế tắc.

Binh sĩ của các đơn vị Quân khu phía Đông Nga tại các khu huấn luyện ở Belarus

Hôm 24-1, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đặt các lực lượng trong tình trạng trực chiến và điều động thêm các tàu, máy bay chiến đấu đến Đông Âu. Thông báo của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO đang kêu gọi các đồng minh bổ sung lực lượng cho chiến dịch này và sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ, ủng hộ Ukraine, củng cố sườn phía Đông của khối. Hãng CNN cho hay, ngay sau khi có thông báo của NATO, Đan Mạch đã điều một tàu khu trục nhỏ đến Biển Baltic và gửi 4 máy bay chiến đấu F-16 tới Lithuania. Tây Ban Nha cũng cử tàu tham gia lực lượng hải quân NATO trong khu vực và đang xem xét gửi máy bay chiến đấu đến Bulgaria. Pháp sẵn sàng gửi quân đến Romania và Hà Lan tuyên bố cử hai máy bay chiến đấu F-35 đến Bulgaria vào tháng 4.

Tờ New York Times đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang cân nhắc điều hàng nghìn quân cũng như tàu chiến và máy bay chiến đấu tới khu vực miền Đông châu Âu và Baltic… Thông điệp này của Mỹ-NATO được đưa ra một thời gian ngắn sau khi nhà lập pháp Nga Andrei Kartapolov nói với hãng Interfax rằng Điện Kremlin sẽ “đáp trả thích đáng” nếu Mỹ triển khai quân đội trong khu vực. Giới quan sát quân sự nhận định, với những động thái nói trên, Mỹ-NATO và cả Liên minh châu Âu (EU) đang đặt mục tiêu thể hiện mặt trận thống nhất đối mặt với những gì họ coi là sự xâm lược của Nga vào Ukraine. “Tất cả các thành viên của EU đều đoàn kết. Chúng tôi đang thể hiện sự thống nhất chưa từng có về tình hình ở Ukraine, với sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ”, Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói với các phóng viên tại Brussels.

Căng thăng giữa Nga-Mỹ và NATO ngày càng gia tăng khi Moscow đưa hơn 100.000 quân tập trung gần biên giới Ukraine còn Kiev đưa thêm nhiều khí tài hạng nặng. Cuộc hội đàm hôm 21-1 giữa Ngoại trưởng Nga-Mỹ tại Geneva (Thuỵ Sĩ) cũng không thể xoa dịu được tình hình. Nga muốn có những đảm bảo cụ thể rằng NATO sẽ không tiếp tục mở rộng, vì Moscow coi việc mở rộng đó là một nguy cơ an ninh. Còn NATO lại tuyên bố các yêu cầu này là không thể chấp nhận được, việc gia nhập liên minh là quyền của bất kỳ quốc gia nào và nó không đe dọa Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hiện Moscow vẫn đợi phản hồi bằng văn bản từ Washington về đề xuất đảm bảo an ninh và sẽ quyết định hành động tiếp theo sau khi nghiên cứu phản hồi này. Trong khi đó, hãng Reuters đưa tin, các cố vấn chính trị từ Nga, Ukraine, Pháp và Đức dự kiến nhóm họp tại thủ đô Paris (Pháp) vào ngày 26-1 để tham gia vòng đàm phán theo định dạng Normandy nhằm tìm cách giải quyết xung đột ở khu vực miền Đông Ukraine. Nhưng cũng trong ngày 24-1, Ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU đã ra tuyên bố chung kêu gọi Moscow tham gia đối thoại mang tính xây dựng trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế hiện có và đe doạ đẩy nhanh công tác chuẩn bị để đưa ra các biện pháp hạn chế nhằm vào Nga.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *