Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
9678

Cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam ‘sập bẫy’ lừa đảo thương mại quốc tế

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông – TT&TT) vừa phát đi cảnh báo về tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt Nam “sập bẫy” lừa đảo thương mại quốc tế; sản xuất hàng tiêu dùng giả, kém chất lượng rồi rao bán trên các sàn thương mại điện tử; ngày càng xuất hiện nhiều hội nhóm lừa đảo trên mạng xã hội với hình thức “thu hồi nợ treo” hay “hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo”…

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam “sập bẫy” lừa đảo thương mại quốc tế

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã gặp nhiều rủi ro khi kinh doanh xuất khẩu với các đối tác tại thị trường Âu-Mỹ. Lý do là bởi các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) này có xu hướng chủ quan, dẫn tới sơ hở khi tiếp cận, soạn thảo hợp đồng và bị “sập bẫy” gian lận thương mại, lừa đảo hoặc vướng vấn đề về pháp lý.

Cảnh báo lừa đảo thương mại quốc tế nhắm vào doanh nghiệp Việt gia tăng.

Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại một số nước châu Âu đã thông tin cảnh báo về các hiện tượng lừa đảo, rủi ro khi doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu với các đối tác tại thị trường này.

Trước tình trạng đó, Thương vụ đã không ít lần cảnh báo các DN Việt Nam qua nhiều kênh thông tin khác nhau, nhưng số vụ lừa đảo vẫn không hề giảm.

Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cũng vừa cảnh báo những trường hợp lừa đảo qua mạng, đặc biệt đối với các sản phẩm xăng dầu tại thị trường này.

Các đối tượng lừa đảo thường lập một trang web giả mạo với các thông tin bịa đặt hoàn toàn, hoặc lập một trang web giả danh các công ty xuất nhập khẩu hoặc công ty cung cấp dịch vụ cho thuê bồn chứa xăng dầu có thật, với đầu mối liên hệ thường là số điện thoại di động hoặc số điện thoại dùng internet (số của sim 4G). Lợi dụng tâm lý cho rằng Hà Lan là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, một số DN khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn nên đã tiến hành gấp sợ mất cơ hội nên không kiểm tra kỹ thông tin về đối tác. Thậm chí, khi các DN này có ý định xác minh tư cách pháp nhân thì họ cung cấp thông tin qua sao chép dữ liệu giấy phép đăng ký kinh doanh trích xuất từ cơ quan có thẩm quyền hoặc cho phép các DN tiến hành xác minh trực tiếp bởi bên thứ ba độc lập nhưng thực tế thì không thể xác minh vì không có thật.

Tương tự, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha thông tin nhận được phản ánh của một số DN trong nước kinh doanh XK hạt điều và hạt tiêu về DN Tây Ban Nha: viện lý do hàng của DN Việt Nam không bảo đảm chất lượng hàng hóa tại cảng đến, hay bị lâm vào tình trạng thua lỗ do giá thị trường sở tại sụt giảm, nên đã không thực hiện đúng theo hợp đồng mua bán, cụ thể là chậm trễ trong thanh toán tiền hàng. Thực tế này đã gây khó khăn, tổn hại thời gian, chi phí lưu kho và phải kéo hàng về đối với DN Việt Nam.

Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng cho biết, trong năm 2023, Thương vụ ghi nhận số vụ lừa đảo nhỏ trên địa bàn sở tại tăng nhanh, bình quân 10 vụ/tháng liên quan đến việc đòi, yêu cầu của DN Canada về chứng chỉ không có thật.

Theo Bộ Công Thương, có nhiều lý do dẫn đến hình thức lừa đảo doanh nghiệp trên. Cụ thể, các doanh nghiệp tại Việt Nam có xu hướng chủ quan, sơ hở trong tiếp cận, soạn thảo điều khoản hợp đồng và cam kết thiếu tính chặt chẽ. Mặc dù, nhiều ngành hàng XK của Việt Nam hiện nay đứng hàng đầu thế giới, nhưng đa phần các DN Việt Nam lại là các DN nhỏ và vừa, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế. Cũng có trường hợp một số DN sở tại không chủ ý lừa đảo nhưng chậm chạp trong quá trình thanh toán. Hơn nữa, DN Việt đã quá tin tưởng vào người môi giới: soạn thảo hợp đồng rất đơn giản, thiếu nhiều điều khoản quan trọng nhưng DN vẫn chấp nhận. Đáng e ngại hơn, DN cũng đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới.

Tình trạng lừa đảo qua mạng không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, châu Phi mà ngày càng phổ biến và diễn ra ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín như Mỹ, Hà Lan, Italia, Na Uy… Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhiều lần cảnh báo các DN Việt Nam khi giao dịch với các DN nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất.

Để đảm bảo an toàn trong giao dịch quốc tế, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng đưa ra khuyến cáo cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm tiếp cận với thị trường nước ngoài. Khi nhận được những đề nghị kỳ lạ, DN Việt cần xác minh rõ ràng thông tin của đối tác; không nên vội tin vào những lời mời chào hấp dẫn của khách hàng mới quen trên không gian ảo. Ngoài Thương vụ Việt Nam tại các thị thường Âu-Mỹ, DN có thể liên hệ với Đại sứ quán của các nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để được hỗ trợ.

Đặc biệt, các hacker có thể xâm nhập hệ thống thư điện tử của DN để mạo danh giao dịch và sửa thông tin tài khoản ngân hàng trên hóa đơn. Nếu DN nhận được một email thông báo của khách hàng lâu năm thay đổi số tài khoản ngân hàng thì phải cảnh giác vì các công ty tại châu Âu hầu như không bao giờ thay đổi số tài khoản ngân hàng, kể cả khi đổi chủ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, tăng cường bồi dưỡng kiến thức thương mại, tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, DN Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của DN trong giao dịch thương mại quốc tế.

Sản xuất hàng tiêu dùng giả, kém chất lượng rồi rao bán trên các sàn thương mại điện tử

Cùng với sự tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, các mạng xã hội xuyên biên giới đang ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, doanh nghiệp và sự lành mạnh của thị trường.

Sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng rồi rao bán trên sàn thương mại điện tử.

Vào ngày 22/1, Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã phát hiện và đồng loạt kiểm tra 4 địa điểm sản xuất, buôn bán sữa do đối tượng làm chủ ở nhiều địa điểm tại Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh; phát hiện nhiều tang vật, ước tính giá trị lên đến 14,5 tỷ đồng.

Tại cơ quan chức năng, đối tượng thừa nhận hành vi lừa đảo; thuê một nhà xưởng ở khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, TP Dĩ An và công nhân để sản xuất sữa bột giả nhãn hiệu nổi tiếng từ Australia, New Zealand và chưa được phép sản xuất tại Việt Nam. Sau khi làm thành phẩm sữa bột giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng, đối tượng đăng thông tin chào bán trên các trang mạng xã hội và giao hàng qua hệ thống các công ty giao hàng tiết kiệm. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, trong vòng khoảng 1 tháng đối tượng sẽ đổi địa điểm sản xuất, kho chứa hàng. Để tạo niềm tin cho khách hàng, cơ sở của đối tượng sẵn sàng cho khách hàng hàng đồng kiểm bằng cách quét mã QR code trực tiếp trên các lon sữa khi nhận được, bởi khi khách hàng quét mã này sản phẩm vẫn trả ra kết quả ra là hàng chính hãng. Hiện tại, lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra để xác minh các hành vi vi phạm.

Tương tự với thủ đoạn trên, mới đây, một đối tượng lừa đảo khác sử dụng hình thức mua bán hải sản trên mạng xã hội đã bị Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố. Để thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng sử dụng nhiều các tài khoản Facebook và Zalo “ảo” để gửi lời mời kết bạn với người khác nhằm mục đích làm quen; gửi ảnh và cung cấp thông tin về bản thân rằng làm nghề buôn bán, đánh bắt thủy, hải sản, có nhiều đầu mối, nguồn cung cấp hải sản tươi sống, giá rẻ.

Đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại để gọi điện liên lạc trực tiếp với người mua và chia nhỏ số tiền lừa đảo được sang nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau. Ngoài ra, đối tượng tiếp tục giả danh nhà xe gọi cho người mua thông báo đã nhận được hàng gửi, đồng thời hẹn thời gian và địa điểm để giao hàng. Từ đó yêu cầu người mua chuyển tiền để đặt cọc hoặc thanh toán toàn bộ số tiền mua hàng qua tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt. Để tránh bị phát hiện, đối tượng chuyển tiếp,. Từ tháng 6 đến tháng 12/2023, đối tượng đã lừa đảo 7 người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và chiếm đoạt trên 135,5 triệu đồng.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần phải cẩn trọng hơn khi giao dịch mua bán hàng hóa không chỉ trên các trang mạng xã hội mà cả những sàn thương mại điện tử. Người dân nên lựa chọn những nền tảng uy tín và đăng ký pháp nhân và khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước. Trước khi tiến hành đặt mua bất kỳ mặt hàng nào trực tuyến, người tiêu dùng cần tham khảo thêm giá cả sản phẩm, nhận xét, đánh giá của người mua trước, hoặc liên hệ trực tiếp với nhà bán hàng để hỏi đáp các thắc mắc.

Đồng thời, cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng. Đảm bảo rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác; đồng thời nhận định từ các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.

Vấn nạn: Ngày càng xuất hiện nhiều hội nhóm lừa đảo trên mạng xã hội với hình thức “thu hồi nợ treo” hay “hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo”

Trước hiện trạng nhiều người đã bị lừa lần 1, sau đó lại tiếp tục bị lừa lần 2 và nhiều lần khác với số tiền có khi lên tới hàng tỷ đồng bởi những hội nhóm mạo danh lực lượng an ninh mạng, các văn phòng luật và ngân hàng, các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh bảo, người dân cũng cảnh giác, nhưng vẫn mắc bẫy lừa đảo.

Chiêu trò của các đối tượng không mới nhưng vẫn đủ tinh vi để khiến cho nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy. Hiện nay, trên mạng xã hội Facebook, các hội nhóm với tên “Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo”, “Lấy lại tiền bị lừa qua mạng”…, xuất hiện tràn lan cùng với các trang web mang giao diện tương tự với đơn vị thuộc Bộ Công an, văn phòng luật, luật sư… Phía dưới các bài đăng là hàng loạt các tin nhắn bình luận “đã lấy lại được tiền lừa đảo trước Tết”. Đối tượng yêu cầu gửi giấy tờ chứng minh bị lừa và đóng tiền phí ban đầu tra soát thông tin từ 3 – 5 triệu đồng. Điểm chung của các đối tượng hình thức này là đều đưa ra các mức phí và giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam.

Có thể thấy, hàng loạt những bài bình luận, hoặc tin nhắn trong các hội nhóm, giới thiệu đã lấy lại được tiền lừa đảo hoàn toàn là kịch bản của các đối tượng lừa đảo và 100% các hội nhóm lấy lại tiền lừa đảo và thu hồi nợ treo trên mạng đều có dấu hiệu lừa đảo.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã rất nhiều lần đưa ra cảnh báo cho người dân nhưng vẫn có nhiều người dùng nhẹ dạ cả tin mà sập bẫy lừa đảo. Môi trường trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp, người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Điều quan trọng nhất là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.

Nếu chẳng may là bị hại của một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần hết sức bình tĩnh, khẩn trương liên hệ với cơ quan công an gần nhất để làm các thủ tục trình báo.

Hà Nội: Người phụ nữ dính bẫy lừa đảo khi nghe cuộc gọi giải mạo công an, bị chiếm đoạt hơn 4,5 tỷ đồng

Mới đây, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là 4,5 tỷ đồng.

Các cuộc gọi giả danh cơ quan công vụ xuất hiện ngày càng nhiều.

Theo đó, vào ngày 18/1/2024, bà N. (SN 1960, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói bà N. có liên quan đến vụ rửa tiền và buôn bán ma túy. Để phục vụ điều tra, đối tượng yêu cầu bà phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan. Do lo sợ nên bà N đã chuyển 4,5 tỷ đồng vào tài khoản của đối tượng. Sau đó, bà N biết mình bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã nhiều lần đưa ra cảnh báo cho người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi lạ. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin CCCD, tài khoản ngân hàng… cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không có trách nhiệm, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến.

Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *