Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
64537

Bảo đảm Quyền tự do đi lại, cư trú

Bảo đảm Quyền tự do đi lại, cư trú

Tự do đi lại và cư trú là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong các bản Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ. Điều 23 Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Bảo đảm Quyền tự do đi lại, cư trú
Bảo đảm Quyền tự do đi lại, cư trú

Luật Cư trú ban hành ngày 29/11/2006 đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do lựa chọn nơi cư trú với những thủ tục đăng ký cư trú đơn giản, thuận tiện, kịp thời, không gây phiền hà cho nhân dân…

Những quy định về việc đi lại, cư trú của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam cũng được nêu rõ tại Bộ luật Dân sự, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư nước ngoài và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đồng thời đang được bổ sung, sửa đổi theo hướng ngày càng cởi mở hơn.

Hiện, dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đang được xem xét tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Dự thảo Luật đã thể chế hóa hai nhóm chính sách lớn là thay hình thức quản lý cư trú thông qua Sổ hộ khẩu bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và chính sách quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng quy định công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân; bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân; đồng thời tăng cường quản lý cư trú, quản lý dân cư, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia nhiều Điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh như: Công ước Viên về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên về quan hệ lãnh sự, Công ước Chicago, Công ước về quyền ưu đãi miễn trừ Liên hợp quốc…

Chính phủ Việt Nam đã ký kết 78 hiệp định và thỏa thuận song phương về việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân với các nước và vùng lãnh thổ; ký hiệp định biên giới với các nước láng giềng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân của nhau qua lại. Việt Nam tích cực tham gia diễn đàn Á – Âu (ASEM) về quản lý dòng di cư; Chương trình Thẻ đi lại của doanh nhân APEC (ABTC), tạo điều kiện cho doanh nhân APEC nhập xuất cảnh vì mục đích đầu tư, thương mại, dịch vụ trong khối; xem xét cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với các trường hợp không quốc tịch cư trú ổn định tại Việt Nam từ 20 năm trở lên (mặc dù Việt Nam chưa tham gia Công ước quốc tế về người không quốc tịch).

Trong những năm qua, Việt Nam đã giảm hơn 40% thủ tục về xuất nhập cảnh.

Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Thực tế cho thấy, lượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, mang nhiều quốc tịch khác nhau và mục đích nhập cảnh đa dạng.

Năm 2015, có 7.943.651 lượt người nước ngoài đến Việt Nam. Trung bình giai đoạn 2010-2014, mỗi năm có gần 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Du học sinh Việt Nam có mặt tại 50 quốc gia. Việt Nam đã ký 16 hiệp định/thỏa thuận về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước sở tại cho cư trú và đang tiếp tục đàm phán với một số quốc gia khác như Nhật, Bungari, Rumani… Từ năm 1999 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hàng chục nghìn người về nước từ các hiệp định/thỏa thuận song phương nói trên, đồng thời tạo thuận lợi cho những người này tái hòa nhập cộng đồng và tham gia vào đời sống kinh tế, xã hội.

Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, quyền tự do đi lại và cư trú tại Việt Nam có thể bị hạn chế theo luật định, phù hợp với các quy định quốc tế về quyền con người, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ, đạo đức xã hội hoặc việc thụ hưởng các quyền tự do của người khác. Hành vi lợi dụng quyền tự do đi lại, cư trú để vi phạm pháp luật hoặc tiến hành các hoạt động thù địch xâm phạm an ninh quốc gia sẽ bị xử lý theo pháp luật, trong đó có hình phạt hạn chế đi lại, cấm cư trú hoặc cư trú bắt buộc.

Nhân quyền Việt Nam

Hương Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *