Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
50085

Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo vệ quyền con người trên môi trường  internet

 

Bảo đảm quyền con người trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của internet, đặc biệt là trên các nền tảng xã hội trực tuyến đặt ra nhiều cơ hội và thách thức. Một mặt, Internet đã làm tăng sức mạnh cho con người, giúp cho xã hội trở nên quyền lực hơn, thông qua đó đã tạo ra những tác động to lớn, giúp cải thiện mọi mặt của đời sống xã hội từ giáo dục, đến chăm sóc sức khoẻ, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người được nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Tác động của doanh nghiệp đến quyền con người trên môi trường  internet

Công nghệ, thông tin, truyền thông (ICT) là một lĩnh vực rộng bao gồm tất cả các phương tiện kỹ thuật được sử dụng để xử lý thông tin và trợ giúp liên lạc, bao gồm phần cứng và mạng máy tính, liên lạc trung gian cũng như là các phần mềm cần thiết. Cụm từ  ICT được sử dụng để chỉ đến sự gắn kết của nghe – nhìn và mạng điện thoại với mạng máy tính qua một đường dây đơn hoặc hệ thống liên kết. ICT là sự kết hợp của công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông nhằm tạo ra sự kết nối, truy cập và chia sẻ thông tin với nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể các doanh nghiệp trong ngành ICT bao gồm: 1. Doanh nghiệp dịch vụ viễn thông; 2. Doanh nghiệp về nền tảng, dịch vụ trên web; 3. Doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm sử dụng công nghệ, thông tin, truyền thông cho người tiêu dùng (sản xuất điện thoại, điện thoại di động); 4. Doanh nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông; 5. Doanh nghiệp xây dựng, phát triển phần mềm, lưu dữ liệu và dịch vụ IT.[1] Mối liên hệ giữa doanh nghiệp trong ngành ICT với quyền con người có thể đến từ nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm vấn đề quyền của người lao động trong lĩnh vực này, các vi phạm, lạm dụng quyền con người có thể xảy ra trong chuỗi cung ứng do ngành công nghiệp ICT là ngành có chuỗi cung ứng phức tạp, vấn đề bảo đảm một số quyền con người cụ thể đối với các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh trên không gian mạng.

Doanh nghiệp trong ngành ICT có những đóng góp đáng kể đối với việc bảo vệ và thực thi quyền con người. Một loạt các dịch vụ, ứng dụng, trong các lĩnh vực như mạng xã hội trực tuyến, điện thoại di động, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thương mại điện tử, ngân hàng trực tuyến, giáo dục trực tuyến v.vv.. đã góp phần trực tiếp vào việc hiện thực hoá nhiều quyền con người. Sự phát triển của các nền tảng xã hội như facebook, twitter, và báo chí trực tuyến đã tạo ra một bước ngoặt mới cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, quyền học tập, tăng cường sự tham gia của mọi cá nhân và thúc đẩy tính minh bạch, công khai, bảo đảm dân chủ trong toàn xã hội. Các doanh nghiệp dù là hoạt động về giải pháp công nghệ hay xây dựng phần mềm, ứng dụng, vận hành mạng lưới đều có thể đưa ra các công cụ, sản phẩm công nghệ giúp cho việc thực hiện quyền con người được nhanh chóng, thuận lợi hơn.[2] Chẳng hạn, quyền tiếp cận thông tin được thực hiện một cách nhanh chóng và đầy đủ hơn với sự hỗ trợ của internet, dữ liệu lớn (big data), sự phát triển của hệ thống thông tin trực tuyến, mạng xã hội… Nhờ sự kết nối internet, thông tin về các vi phạm quyền con người cũng được chia sẻ nhanh chóng hơn, thông qua đó, các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các bên chịu trách nhiệm về quyền có thể tiếp nhận và đưa ra giải pháp hỗ trợ kịp thời. Các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ liên quan đến y tế, giáo dục, có thể giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ và cải thiện các các chỉ số phát triển kinh tế xã hội, thông qua đó nâng cao khả năng hưởng thụ quyền sức khoẻ, giáo dục, quyền về lương thực, quyền vui chơi giải trí và quyền được hưởng lợi từ sự phát triển của khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp về Công nghệ số giúp cho việc thực hiện quyền tự do biểu đạt được hiệu quả hơn. Truyền thông và mạng xã hội ngày càng trở thành một kênh quan trọng thể hiện quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận của người dân trên toàn thế giới. Các ứng dụng công nghệ mới cũng tạo một số điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương. Chẳng hạn, công nghệ số góp phần làm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ, giảm chi phí hỗ trợ cho người khuyết tật. Người khuyết tật sẽ có cơ hội được sử dụng nhiều hơn các thiết bị hiện đại nhờ sự ra đời của các ứng dụng hỗ trợ cho tình trạng khuyết tật.

Internet và các hoạt động kinh doanh trên không gian mạng không chỉ mang lại những hiệu quả kinh tế cao cho các ngành kinh tế mà bản thân nó cũng là một lĩnh vực kinh doanh mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư. Internet là môi trường kinh doanh lí tưởng mà nếu khai thác tốt có thể đem lại nguồn thu khổng lồ, nhưng đồng thời cũng là môi trường làm gia tăng rủi ro vi phạm quyền con người. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quyền lực của internet cũng có thể bị lạm dụng bởi chính các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Intenet có thể tiếp tay cho việc truyên truyền những thông tin không chính xác, hay nó có thể bị lạm dụng để  xâm hại các quyền con người.  Bên cạnh những đóng góp tích cực, doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT cũng đối diện với nhiều nguy cơ trở thành chủ thể vi phạm, lạm dụng  quyền con người một cách trực tiếp hay gián tiếp. Các vi phạm, lạm dụng quyền con người do doanh nghiệp ICT gây nên trên môi trường internet có thể đến từ các hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến: chính sách, quy định kiểm duyệt, hệ thống giám sát (surveillance), dữ liệu cá nhân trên internet, chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp ICT, tình trạng bạo lực, tình trạng phổ biến tranh ảnh khiêu dâm trên mạng v.v.. Những hoạt động này, trực tiếp, hoặc gián tiếp dẫn tới sự vi phạm các quyền con người cụ thể như quyền riêng tư, quyền tự do biểu đạt, quyền không bị bạo lực, không bị phân biệt đối xử, quyền phụ nữ, quyền trẻ em v.v..

Trong khi các công ty công nghệ đa quốc gia như Apple, Amazon và Microsoft, Goolge, Facebook đã tạo ra những nền tảng tương tác toàn cầu với hệ thống dữ liệu khổng lồ thì hoạt động kinh doanh của các công ty này có thể dẫn tới việc làm tăng tính dễ tổn thương cho người sử dụng internet và tăng nguy cơ lạm dụng quyền con người. Mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp như Google, facebook đã cho thấy những nguy cơ vi phạm quyền con người từ chính các doanh nghiệp này.[3] Vụ bê bối của Facebook với công ty tư vấn Cambridge Analytica là một ví dụ rõ ràng về việc lạm dụng dữ liệu của những người dùng theo những cách không lường trước được với mục đích thao túng và gây ảnh hưởng đến họ. Trong phiên điều trần với Nghị Viện Mỹ, Giám đốc điều hành của Facebook, Marz Zuckerberg thừa nhận là Facebook đã gặp nhiều vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, an ninh mạng,  quyền dân chủ và cho rằng doanh nghiệp này đã chưa làm tốt trách nhiệm của mình để các công cụ này được sử dụng vào việc xấu, ví dụ như tung tin giả, như sự lạm dụng dữ liệu, thông tin cá nhân, ngăn ngừa việc phổ biến thông tin gây thù hận.[4] Công ty Weibo (Trung Quốc) thừa nhận là dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng đã bị rò rỉ.[5] Công ty Amazon từng bị chỉ trích là bán hướng dẫn du lịch cho những kẻ ấu dâm trên trang web của mình.[6] Tình trạng doanh nghiệp ICT vi phạm quyền con người, đặc biệt là quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân trên internet được ghi nhận ở nhiều nơi.

Có thể nói, với phạm vi tác động tới đến hơn 4 tỷ người sử dụng internet trên toàn cầu, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ICT có ảnh hưởng hết sức rõ ràng và trong nhiều trường hợp là nghiêm trọng đến quyền con người. Chính vì vậy, nỗ lực, sáng kiến thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm quyền con người của doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Trách nhiệm quyền con người của doanh nghiệp trong ngành thông tin, công nghệ, truyền thông

Trong những năm gần đây khuôn khổ pháp lý quốc tế về trách nhiệm quyền con người của doanh nghiệp đang dần được hình thành. Để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đặc biệt là ngăn ngừa tình trạng vi phạm quyền con người trong lĩnh vực kinh doanh, các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), các tổ chức tài chính quốc tế, các hiệp hội, tổ chức ngành nghề của doanh nghiệp và chính các doanh nghiệp đã xây dựng và thông qua nhiều sáng kiến về trách nhiệm quyền con người của doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT có thể dựa trên các nguyên tắc chuẩn mực về quyền con người để thực hiện trách nhiệm của mình trong kinh doanh. Cho đến nay, mặc dù chưa có văn kiện có tính ràng buộc pháp lý đối với quốc gia và doanh nghiệp về nghĩa vụ quyền con người trong kinh doanh nhưng nhiều nguyên tắc, chuẩn mực, chính sách định hình khuôn khổ trách nhiệm quyền con người của doanh nghiệp ICT đã được xây dựng theo ba nhóm chính sau đây:

(i) Khuôn khổ trách nhiệm quyền con người trong kinh doanh do Liên hợp quốc, Tổ chức Lao động quốc tế, OECD, các tổ chức tài chính quốc tế  xây dựng.

+ Các nguyên tắc, chuẩn mực về quyền con người cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp được ghi nhận trong các sáng kiến sau:

+ Hướng dẫn giành cho doanh nghiệp đa quốc gia, do OECD thông qua năm 1976, sửa đổi vào các năm 1979, 1982, 1984, 1991, 2000 và 2011 theo hướng bổ sung nội dung về trách nhiệm quyền con người của doanh nghiệp.

+ Bộ tiêu chuẩn 26000 về trách nhiệm xã hội do Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế thông qua năm 2010

+ Liên hiệp quốc có bộ Hiệp ước toàn cầu (UN Global Compact) năm 2000, đặc biệt đã đặt trách nhiệm của doanh nghiệp về xã hội và môi trường, trong 10 nguyên tắc có 2 nguyên tắc về quyền con người.

+ Tuyên bố ba bên của Tổ chức lao động thế giới (ILO) về các nguyên tắc liên quan đến Doanh nghiệp xuyên quốc gia và chính sách xã hội, thông qua 1977, sửa đổi 2017

+ Các nguyên tắc về đầu tư có trách nhiệm, 2006

+ Các nguyên tắc về quyền trẻ em và doanh nghiệp, 2012

+ Các Quy tắc hướng dẫn về Doanh nghiệp và quyền con người (viết tắt là ‘UNGP’) được Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc thông qua năm 2011.

UNGP là bộ tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên nhằm ngăn ngừa và khắc phục rủi ro về quyền con người trong các hoạt động kinh doanh. UNGP cũng là khuôn khổ được quốc tế thừa nhận để cải thiện các tiêu chuẩn và hành động về trách nhiệm quyền con người của doanh nghiệp. Bộ quy tắc UNGP bao gồm 30 nguyên tắc: 8 Nguyên tắc nền tảng, 22 nguyên tắc hoạt động, dựa trên 3 trụ cột chính: Trụ cột 1: Quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ để quyền con người không bị vi phạm bởi bất kỳ ai, kể cả doanh nghiệp; Trụ cột 2: Doanh nghiệp có trách nhiệm tôn trọng quyền con người bằng cách không vi phạm và giải quyết các tác động đến quyền con người do mình gây nên; Trụ cột 3: Nạn nhân của các vi phạm cần được tiếp cận các biện pháp khắc phục. Theo các Quy tắc hướng dẫn về Doanh nghiệp và quyền con người này, các doanh nghiệp ICT có trách nhiệm phải tôn trọng quyền con người thông qua việc cam kết bảo đảm không gây nên hay góp phần gây nên hay liên đới đến các tác động  tiêu cực về quyền con người.

(ii) Khuôn khổ về trách nhiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, thông tin và truyền thông

Các tổ chức quốc tế và hiệp hội nghề nghiệp cùng các bên liên quan cũng đã xây dựng một số các bộ quy tắc, hướng dẫn sau đây về quyền con người cho doanh nghiệp trong ngành ICT.

+ Hướng dẫn thực hiện các nguyên tắc về kinh doanh và quyền con người cho các doanh nghiệp trong ngành ICT

Để thực hiện các nguyên tắc đề ra trong UNGP, tổ chức Shif và Viện Quyền con người và kinh doanh đã xây dựng bản Hướng dẫn thực hiện các nguyên tắc về kinh doanh và quyền con người cho các doanh nghiệp trong ngành ICT.[1]  Hướng dẫn này đưa ra các giải thích chi tiết và đầy đủ về cách áp dụng UNGP trong bối cảnh cụ thể của ngành thông tin, công nghệ, truyền thông. Hướng dẫn đưa ra các phân tích về tác động của ngành ICT đến quyền con người; giới thiệu các bước, cách thức cụ thể để doanh nghiệp ICT thực hiện nghĩa vụ tôn trọng quyền con người; xây dựng chính sách quyền con người; đánh giá tác động quyền con người, theo dõi việc thực hiện nghĩa vụ quyền con người, cơ chế khắc phục khi có vi phạm quyền con người xảy ra.[2] Đây là một văn kiện có tính tham khảo tốt cho doanh nghiệp trong ngành ICT về trách nhiệm quyền con người

+ ng kiến toàn cầu về bảo vệ và thúc đẩy tự do biểu đạt và riêng tư trong ngành ICT (Protecting and Advancing Freedom of Expression and Privacy in the ICT Sector).[3]

Đây là sáng kiến với sự tham gia của nhiều bên bao gồm các học giả, các nhà đầu tư, các tổ chức phi chính phủ và  doanh nghiệp trong ngành ICT (Evoca, Facebook, Google, Microsoft, Procera Networks, Websense, Yahoo, Vodaphone, v.v..).

+ Đối thoại trong ngành công nghiệp viễn thông về tự do biểu đạt và riêng tư [4].

Đây là sáng kiến của các doanh nghiệp và bên vận hành của ngành viễn thông về thực hiện quyền tự do biểu đạt, quyền riêng tư nhằm thực hiện UNGP. Tính đến năm 2014, một loạt các công ty Viễn thông lớn như Alcatel-Lucent, AT&T, Millicom, NSN, Orange, Telefónica, Telenor, Teliasonera, Vodafone đã tham gia sáng kiến này.

+ Hướng dẫn cho ngành công nghiệp về bảo vệ trẻ em online ( Guidelines for Industry on Child Online Protection)[5].

Đây là sáng kiến của Liên đoàn Viễn thông Quốc tế (The International Telecommunications Union) và tổ chức UNICEF cùng xây dựng nhằm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt việc bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng.

(iii) Sáng kiến thực hiện trách nhiệm quyền con người của doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong ngành ICT đã chủ động thực hiện nghĩa vụ quyền con người thông qua các sáng kiến về xây dựng chính sách, rà soát vi phạm quyền con người, đánh giá tác động quyền con người trong chuỗi cung ứng của mình. Có thể kể đến sáng kiến thực hiện trách nhiệm quyền con người của các doanh nghiệp sau:

+ Microsoft đã chủ động phối hợp với chính phủ, NGO và tham gia các sáng kiến nhiều bên về quyền con người ( sáng kiến mạng lưới toàn cầu về tự do biểu đạt và riêng tư). Doanh nghiệp này cũng đã thông qua “Tuyên bố toàn cầu về quyền con người của Microsoft” và tiến hành đánh giá tác động về quyền con người.

+ Google đưa ra tuyên bố về quyền con người với cam kết “ mọi việc chúng tôi làm đều dựa trên các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. chúng tôi cam kết tôn trọng quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người và các điều ước liên quan, cũng như các chuẩn mực được quy định trong Các nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người và các Nguyên tắc của Sáng kiến mạng lưới toàn cầu.[6]

+ Công ty Yahoo đã tiến hành đánh giá tác động quyền con người để xác định các vấn đề liên quan dến tự do biểu đạt và quyền riêng tư. Yahoo cũng thực hiện đánh giá tác động nhân quyền được tiến hành khi mở thị trường mới, giới thiệu một sản phẩm hay dịch vụ mới, đặc biệt là các dịch vụ, sản phẩm liên quan đến quyền riêng tư hay tự do biểu đạt, khi đưa ra quyết định liên quan đến lưu trữ giữ liệu.[7]

Trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trước hết thuộc về nhà nước. Các nhà nước cần nhanh chóng sửa đổi, cập nhật, điều chỉnh hệ thống chính sách liên quan đến hoạt động trên môi trường mạng của doanh nghiệp để bảo đảm quyền tiếp cận internet,  xoá bỏ bất bình đẳng và thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội cũng như có chế tài xử phạt phù hợp khi có vi phạm xảy ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành  công nghệ, thông tin, truyền thông, dù hoạt động ở quy mô lớn hay nhỏ, cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc ngăn ngừa rủi ro, giải quyết hậu quả, trong trường hợp vi phạm xảy ra, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến môi trường internet trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Hải

Viện Quyền con người

[1] Nội dung hướng dẫn bằng tiếng Anh có tại: https://ec.europa.eu/anti-trafficking/sites/antitrafficking/files/information_and_communication_technology_0.pdf.

[2] EU, ICT Sector Guide on Implementing the UN Guiding Principles on Business and Human Rights . Thông tin có tại: https://ec.europa.eu/anti-trafficking/sites/antitrafficking/files/information_and_communication_technology_0.pdf.

[3] Protecting and advancing freedom of expressionand privacy in the ICT sector. Thông tin có tại: https://globalnetworkinitiative.org

[4],  Telecommunications Industry Dialogue, Freedom Of Expression And Privacy. Thông tin có tại: Http://Www.Telecomindustrydialogue.Org

[5] Unicef, Guidelines for Industry on Child Online Protection  2015. Thông tin có tại: https://www.unicef.org/csr/files/COP_Guidelines_English.pdf

[6] Google, Human rights.   Thông tin có tại: https://about.google/human-rights/

[7] Yahoo Business and human rights program, https://yahoobhrp.tumblr.com/tagged/our-initiatives truy cập 19/5/2018

[1] Dunstan Allison Hope, BSR February 2011, Protecting Human Rights in the Digital Age: Understanding Evolving Freedom of Expression and Privacy Risks in the Information and Communications Technology Industry

 

[2] Enhancing internet freedom and human rights through responsible business practices. Thông tin có tại:

https://www.government.se/49b751/contentassets/e454e4c8e503424280cddf988bd36118/enhancing-internet-freedom-and-human-rights-through-responsible-business-practices

[3] Amnesty International, Surveillance Giants: How the Business Model of Google and Facebook Threatens Human Rights. Thông tin có tại: https://www.amnesty.org/download/documents/pol3014042019english.pdf

[4] Todd Spangler, Facebook Under Fire: How Privacy Crisis Could Change Big Data Forever. Variety,

https://variety.com/2018/digital/features/facebook-privacy-crisis-big-data-mark-zuckerberg-1202741394/

[5] Ding Yi , Chinese Regulator Probes Weibo Data Breach, Mar 25, 2020. Thông tin có tại:

https://www.caixinglobal.com/2020-03-25/chinese-regulator-probes-weibo-data-breach-101533691.html

[6] http://www.reports-and-materials.org/Amazon-comments-paedophile-tour-guide-30-Nov-2005.doc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *