Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
20390

Tính cấp thiết của hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ quyền con người

 

Thông qua các dịch vụ Internet, các kết nối không dây 3G, 4G, 5G, mạng xã hội, các thiết bị di động thông minh và dịch vụ điện toán đám mây đã trở thành dịch vụ gắn liền với đời sống, thói quen của con người. Mạng xã hội hiện nay (Facebook, Twetter, Zalo…) đã trở thành không gian xã hội mới giúp cho con người có thể thực hiện các hành vi mang bản chất xã hội của mình, như cung cấp thông tin, sự kết nối, kho tàng kiến thức, tiêu dùng, học tập và vui chơi giải trí, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Theo số liệu thống kê của Báo cáo Digital Marketing Việt Nam 2019: “Có tới 64 triệu người dùng Internet trên tổng số 97 triệu người Việt Nam. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet; 94% là tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày”[1]. Với thực trạng này, có thể khẳng định rằng mạng xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong việc ảnh hưởng lớn đến việc định hướng hành vi và văn hóa ứng xử cho giới trẻ, bao gồm cả mặt tác động tích cực và mặt tác động tiêu cực. Bên cạnh những tác động tích cực như: tìm hiểu, tiếp cận kho tàng kiến thức có tính định hướng con người sống tích cực, nêu gương người tốt việc tốt, tiếp cận ứng xử văn minh của các quốc gia trên thế giới… thì nguy cơ tiềm ẩn, tác động xấu từ không gian mạng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Mối nguy cơ tiềm ẩn và tác động xấu lớn nhất đó là những nguy cơ lớn về an ninh, chủ quyền quốc gia. Thực tế này đã và đang diễn ra, tạo ra những diễn biến phức tạp như không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng các công nghệ thông tin đang bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng nhằm mục đích xóa bỏ chế độ chính trị thông qua các hoạt động cụ thể, như tuyên truyền những thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc đi ngược lại với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước nhằm đạt được tổ hợp các mục tiêu như phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta trên mọi lĩnh vực; hoạt động gián điệp mạng đang sử dụng không gian mạng để chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước, đặc biệt là hoạt động xâm nhập, tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; những thông tin cá nhân và những quyền riêng tư khác của cá nhân cũng bị lấy cắp; đưa thông tin giật gân, câu view, câu like; đưa thông tin về đời tư do hẹp hòi, ích kỷ, định kiến cá nhân đặc biệt với những nghệ sỹ, ca sỹ (gọi chung là người nổi tiếng)… tác động tiêu cực đến xã hội, nhiều trường hợp dẫn tìm đến cái chết… Trong khi đó, khả năng ngăn chặn, kiểm soát nguồn tin này từ các cơ quan quản lý mạng xã hội, an ninh quốc gia còn hạn chế và nhiều yếu kém, hay nói cách khác, tiềm lực quốc gia về an ninh mạng chưa đủ mạnh, chưa huy động khai thác được sức mạnh tổng hợp để đe dọa được các mối đe dọa trên các không gian mạng. Hệ lụy của những thông tin xấu độc trên MXH tạo ra đó là tác động đến niềm tin, thay đổi, nhận thức ứng xử của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Ví dụ: Ngày 16/8/2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Đình Lượng (sinh năm 1965) trú tại xóm 9, xã Hợp Thành (Yên Thành, Nghệ An), bị truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo cáo trạng, liên tục trong thời gian dài, Lượng lập tài khoản trên Facebook để tán phát hàng trăm thông tin, clip có nội dung chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, kích động tuần hành, biểu tình, gây rối an ninh trật tự. Trước đó, nhiều bị cáo, như: Trần Thị Nga (Hà Nam), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Đà Nẵng) cũng có hành vi tương tự  – lập tài khoản trên mạng xã hội, tán phát bài viết, các clip với nội dung thông tin  bịa đặt nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam[2].

Do đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định “không gian mạng là môi trường tác chiến mới, tích cực xây dựng lực lượng, đầu tư trang bị, vũ khí cho các hoạt động tác chiến trên không gian mạng” để đạt được mục đích chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đặc biệt là các trẻ em, thanh niên với những đặc điểm như tuổi còn trẻ, kinh nghiệm sống hạn chế, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, trong khi, những thông tin mà con người có được trên thế giới ảo khó kiểm chứng. Điều này, dẫn đến kẻ xấu có thể lợi dụng internet, mạng xã hội vì những mục tiêu không tốt… Nếu không được giáo dục nâng cao ý thức trên không gian mạng thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống của mỗi bạn trẻ.Vì vậy, nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân là rất quan trọng và cấp thiết.

[1] https://andrews.edu.vn/bao-cao-digital-marketing-viet-nam-2019/

[2] http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/may-giai-phap-phong-chong-hoat-dong-loi-dung-internet-mang-xa-hoi-chong-pha-viet-nam/12644.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *