Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
49454

Tại sao Armenia và Azerbaijan đánh nhau

 

Từ cuối tháng 9, thế giới nóng lên bởi một cuộc xung đột đã chấm dứt cách đây 16 năm giữa Armenia và Azerbaijan. Tuy nhiên, tình hình càng có vẻ căng thẳng hơn khi cả hai nước từ chối đàm phán, bác bỏ mọi khả năng hòa bình và Thổ Nhĩ Kỳ thì nghe đâu đang có ý định tham chiến.

Bạo lực bùng phát khi hai bên giao tranh vào ngày 27-9. Hai bên vẫn liên tục đổ lỗi cho nhau.  Armenia cáo buộc Azerbaijan đã tiến hành các cuộc tấn công bằng không quân và pháo binh vào Nagorno-Karabakh, trong khi Baku nói rằng họ đang tiến hành “một cuộc phản công để đáp lại hành động khiêu khích quân sự”. Báo chí đưa tin tổng số người thiệt mạng là 39 nhưng Azerbaijan tuyên bố họ đã giết 550 người Armenia và ngược lại Armenia, khẳng định họ  giết 200 người Azerbaijan. Khi cuộc giao tranh trở nên bế tắc, Armenia tuyên bố thiết quân luật và tổng động viên còn Azerbaijan công bố tình trạng chiến tranh ở một số khu vực…

Hôm 29-9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phải lên tiếng kêu gọi chấm dứt ngay chiến sự liên quan đến Nagorno-Karabakh; khẳng định “hoàn toàn ủng hộ” vai trò trung tâm của các đồng chủ tịch Nhóm Minsk (gồm Mỹ, Nga và Pháp) thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) trong nỗ lực làm trung gian hòa giải.

Thực tế là, xung đột giữa Armenia và Azerbaijan xảy ra quanh vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh nơi sinh sống của khoảng 150.000 người bắt nguồn từ thời tiền Xô Viết khi khu vực này là điểm gặp gỡ của các đế chế Ottoman, Nga và Ba Tư. Sau khi Azerbaijan và Armenia nhập vào Liên Xô (cũ), chính quyền Moscow đã giao Nagorno-Karabakh thuộc quyền kiểm soát Azerbaijan nhưng được hưởng quy chế tự trị. Vào những năm 1980, khi quyền lực của Liên Xô  (cũ) đang suy thoái, các làn sóng ly khai nổi lên ở Nagorno-Karabakh. Năm 1988, Quốc hội bỏ phiếu để giải tán quy chế tự trị của khu vực Nagorno-Karabakh và gia nhập Armenia. Nhưng Baku đã dập tắt những lời kêu gọi như vậy, dẫn đến xung đột quân sự.

Khi Armenia và Azerbaijan trở thành các quốc gia độc lập sau khi Liên Xô (cũ) sụp đổ vào năm 1991, các cuộc đụng độ dẫn đến một cuộc chiến mở rộng khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Cuộc chiến kéo dài đến năm 1994 khi cả hai bên đạt được lệnh ngừng bắn nhưng vẫn chưa ký Hiệp ước hòa bình và biên giới chưa được phân định rõ ràng.

Vào thời điểm đó, Armenia đã giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh và giao nó cho quân nổi dậy. Theo tin từ tờ The Hindu, Nagorno-Karabakh nằm trong Azerbaijan nhưng có dân cư chủ yếu là người Armenia (phần lớn là Cơ đốc giáo rồi tiếp đó mới đến người Hồi giáo Shia đến từ Azerbaijan). Những người nổi dậy đã tuyên bố độc lập, nhưng không được bất kỳ quốc gia nào công nhận. Ngày nay, Liên Hợp Quốc (LHQ) vẫn công nhận Nagorno-Karabakh là một phần lãnh thổ của Azerbaijan; không quốc gia nào coi khu vực này là một quốc gia độc lập, kể cả Armenia. Armenia cũng chưa chính thức sáp nhập Nagorno-Karabakh nhưng hỗ trợ khu vực này về mặt tài chính và quân sự.

Dẫu vậy, lệnh ngừng bắn năm 1994 cũng giúp hai bên có được khoảng thời gian tương đối yên bình trong 14 năm tiếp theo. Từ năm 2008, những cuộc xung đột vũ trang ngắn, đấu súng lẻ tẻ lại bắt đầu nổ ra. Đỉnh điểm là cuộc giao tranh giữa quân đội Armenia và Azerbaijan hồi tháng 4-2016  khiến ít nhất hơn 100 người thiệt mạng và trở thành cuộc xung đột tồi tệ nhất ở khu vực này kể từ năm 1994.

4 năm gần đây, thỉnh thoảng vẫn có đụng độ ở biên giới nhưng cả hai vẫn kiềm chế được. Tuy nhiên, như bình luận của tờ Politico, “cuộc cách mạng nhung” năm 2018 ở Armenia lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Serzh Sargsyan ban đầu dấy lên hy vọng rằng các cuộc đàm phán hòa bình nhưng cuối cùng thì chính Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, chính trị gia đối lập, người đã lên nắm quyền sau các cuộc biểu tình đông đảo đó lại không thực hiện được.  Và cuộc bầu cử được tổ chức vào mùa xuân này bởi chính phủ Armenia tự xưng ở Karabakh đã bị coi là một hành động khiêu khích với Azerbaijan và thu hút sự chỉ trích của quốc tế.

Trước vụ việc hôm 27-9, hồi tháng 7, căng thẳng giữa hai bên đã bắt đầu gia tăng sau một loạt vụ đụng độ khiến hơn chục người thiệt mạng, với chất xúc tác vẫn chưa rõ ràng. Cuộc giao tranh đã thúc đẩy hàng nghìn người Azerbaijan biểu tình cho cuộc chiến với Armenia; đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra luận điệu ủng hộ Baku và tổ chức một cuộc tập trận chung với Azerbaijan. Đây chính là mấu chốt của vấn đề.

Thổ Nhĩ Kỳ trong lịch sử ủng hộ Azerbaijan và có mối quan hệ rắc rối với Armenia. Vào những năm 1990, trong chiến tranh, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa biên giới với Armenia và không có quan hệ ngoại giao với nước này. Điểm tranh cãi chính giữa hai bên là việc Ankara từ chối công nhận cuộc diệt chủng người Armenia năm 1915, trong đó người Ottoman đã giết khoảng 1,5 triệu người Armenia. Trong khi đó, người Azerbaijan và người Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ các liên kết văn hóa và lịch sử mạnh mẽ. Người Azerbaijan là một nhóm dân tộc Turkic và ngôn ngữ của họ là từ ngữ hệ Turkic.

Mới đây, hôm 28-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đổ lỗi cho Armenia về các cuộc đụng độ và đề nghị hỗ trợ Azerbaijan. Có nguồn tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang chiêu mộ lính đánh thuê từ Tây Á để chiến đấu cho Azerbaijan ở Caucasus.

Trong khi đó, Nga thận trọng hơn khi kêu gọi các bên phải “dừng các hành động quân sự”. Giới quan sát phân tích, Nga có quan hệ tốt với cả Azerbaijan lẫn Armenia và cung cấp vũ khí cho cả hai. Nhưng Armenia phụ thuộc vào Nga nhiều hơn là Azerbaijan giàu năng lượng và đầy tham vọng. Nga cũng có một căn cứ quân sự ở Armenia. Vì thế, những gì mà Moscow thể hiện công khai là đang cố gắng đạt được sự cân bằng giữa hai bên. Giống như trong những năm 1990, lợi ích tốt nhất của Nga là làm trung gian ngừng bắn giữa các bên tham chiến.

S.Thương

 

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *