Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
48313

Sự cụ thể hóa hạn chế quyền con người theo chuẩn mực quốc tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam

 

Chuyển hóa các nguyên tắc, quy chuẩn quốc tế về hạn chế quyền và tự do của con người vào hệ thống pháp luật quốc gia, lần đầu tiên Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng[1]”.

Với nguyên tắc nêu trên, các quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam không thể bị hạn chế một cách tùy tiện. Theo quy định của Hiến pháp, các quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Có nghĩa nếu muốn hạn chế một quyền nào đó của con người, của công dân phải được quy định trong luật, do Quốc hội ban hành. Và vì vậy, các cơ quan nhà nước khác, không có thẩm quyền để hạn chế quyền con người, quyền công dân, nếu như chưa có luật quy định.

Trong trường hợp để hạn chế quyền con người, quyền công dân phải xuất phát từ sự cấp thiết, đó là vì các lý do như: quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Ngoài các lý do này, Quốc hội không thể viện dẫn các lý do khác để hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng

Trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế, quy định của Hiến pháp, nhiều luật của Việt Nam cũng đã được xây dựng theo hướng tiếp cận dựa trên quyền con người, vấn đề hạn chế quyền và tự do của cá nhân, công dân bằng việc quy định tương xứng giữa quyền con người, quyền công dân, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân, và các hành vi bị nghiêm cấm.

– Trong lĩnh vực bảo đảm quyền thành lập và gia nhập công đoàn, Luật Công đoàn năm 2012 quy định quyền thành lập và gia nhập công đoàn (Điều 5). Theo đó, “Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam”.

Bên cạnh tiếp cận quyền, Luật Công đoàn cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9): “Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn;  Phân biệt đối xử hoặc có hành vi gây bất lợi đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và hoạt động công đoàn; lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân”.

Trước yêu cầu cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế, trong đó Việt Nam đã và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Luật Công đoàn năm 2012 đang được lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với giai đoạn mới[2].

– Trong lĩnh vực bảo đảm quyền tự do đi lại và cư trú, Luật Cư trú, Luật xuất cảnh, nhập cảnh quy định như sau:

+ Về tự do cư trú, Luật cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định nguyên tắc bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân, Điều 4 quy định: “Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”[3]. Điều 9, Luật quy định cụ thể về quyền cư trú của công dân[4] (Điều 9), các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú[5] (Điều 10) và trách nhiệm của công dân về cư trú[6] (Điều 11) và các hành vi bị nghiêm cấm[7] (Điều 8).

+ Về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, Luật xuất cảnh, nhập cảnh năm 2019 quy định nguyên tắc “Bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho công dân Việt Nam; chặt chẽ, thống nhất trong quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; Mọi hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”. Luật xuất cảnh, nhập cảnh quy định các hành vi bị nghiêm cấm[8] (Điều 4); quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam[9] (Điều 5); đồng thời quy định trường hợp cụ thể chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh[10] (Điều 21) và thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh[11] (Điều 22); điều kiện nhập cảnh[12] (Điều 34) và các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh[13] (Điều 36);

– Về vấn đề xét xử kín và hạn chế quyền tham dự phiên tòa

Điều 25, Bộ luật TTHS 2015 quy định nguyên tắc: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Cụ thể hóa quy định của Bộ luật TTHS, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 02/2018/TT- TANDTC, trong đó quy định nguyên tắc xét xử vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Thông tư cũng quy định rõ không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Nguyên tắc xét xử kín, về thực chất là trái ngược với nguyên tắc xét xử công khai được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhưng để tránh làm tổn thương không cần thiết đến tâm lý và bảo đảm quá trình phát triển bình thường của người dưới 18 tuổi phạm tội. Do đó, bảo đảm quyền riêng tư có thể giúp người dưới 18 tuổi cảm thấy an toàn, tự tin trong cộng đồng, cảm thấy được ủng hộ để có thể nói ra sự thật, cung cấp bằng chứng tại tòa án. Và đó là vì quyền lợi của người dưới 18 tuổi.

– Bảo đảm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của mọi người[14] (Điều 6); của người nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam[15] (Điều 8); các hành vi bị nghiêm cấm[16] (Điều 5).

– Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Xuất bản, Luật an ninh mạng, Luật bí mật nhà nước, Luật Công nghệ thông tin…

– Bảo vệ quyền hội họp hòa bình, Quyền tự do lập hội, Điều 25 Hiến pháp năm 2013;

                                                                                                                                                                                    TS. Tường Duy Kiên

Điều 5. Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn

  1. Người lao động Việt Nam làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đều có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật này và Điều lệ công đoàn Việt Nam.

Người lao động là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hoặc đang làm việc tại các doanh nghiệp của Việt Nam, có thời hạn hợp đồng lao động từ một năm trở lên, có giấy phép lao động của cơ quan thẩm quyền, tự nguyện và thừa nhận Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì trong thời gian làm việc tại Việt Nam có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam; khi không còn làm việc ở Việt Nam thì thôi tham gia Công đoàn Việt Nam.

  1. Các Hội của người lao động Việt Nam thành lập theo quy định của pháp luật có quyền gia nhập tổ chức công đoàn Việt Nam.
  2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp mới thành lập và đi vào hoạt động hoặc đang hoạt động nhưng chưa có tổ chức công đoàn thì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người lao động thành lập Công đoàn cơ sở.
  3. Khi Công đoàn cơ sở được thành lập và được Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quyết định công nhận thì đơn vị sử dụng lao động phải thừa nhận và tạo điều kiện thuận lợi để Công đoàn cơ sở hoạt động.

Điều 10. Những hành vi bị nghiêm cấm Nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các hành vi sau đây:

  1. Cản trở, gây khó khăn cho việc tổ chức thành lập và hoạt động công đoàn.
  2. Phân biệt đối xử và có hành vi gây bất lợi, bất bình đẳng giới đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
  3. Sử dụng các biện pháp kinh tế và các hành vi bất lợi khác để can thiệp vào tổ chức và hoạt động công đoàn.
  4. Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, xã hội, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân.

[3] Về hạn chế quyền tự do cư trú của công dân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Quy định này được ban hành trước khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua. Tuy nhiên, việc hạn chế quyền đã được cụ thể tại Điều 10 của Luật.

[4] Điều 9. Quyền của công dân về cư trú

  1. Lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
  2. Được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú.
  3. Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền cư trú.
  4. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền cư trú của mình.
  5. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật

[5] Điều 10. Các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú

  1. Người bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
  2. Người bị Toà án áp dụng hình phạt cấm cư trú; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế.
  3. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.

[6] Điều 11. Trách nhiệm của công dân về cư trú

  1. Chấp hành các quy định của pháp luật về cư trú.
  2. Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cung cấp.
  3. Nộp lệ phí đăng ký cư trú.
  4. Xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu.
  5. Báo ngay với cơ quan đã đăng ký cư trú khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú bị mất hoặc bị hư hỏng.

[7] Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

  1. Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú.
  2. Lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
  3. Nhận hối lộ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà trong việc đăng ký, quản lý cư trú.
  4. Thu, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật.
  5. Tự đặt ra thời gian, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về cư trú.
  6. Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ về cư trú trái với quy định của pháp luật.
  7. Lợi dụng quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
  8. Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú; sử dụng giấy tờ giả về cư trú; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú.
  9. Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.

[8] Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm

  1. Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh.
  2. Làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài.
  3. Tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh.
  4. Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước.
  5. Lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
  6. Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định.
  7. Cản trở, chống người thi hành công vụ trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc kiểm soát xuất nhập cảnh.
  8. Nhũng nhiễu, gây phiền hà, tự đặt thêm các loại giấy tờ, phí, lệ phí, kéo dài thời hạn khi giải quyết các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh; cản trở công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này.
  9. Cấp giấy tờ xuất nhập cảnh không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng; không ngăn chặn theo thẩm quyền hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
  10. Hủy hoại, làm sai lệch, làm lộ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trái quy định của pháp luật.
  11. Thu giữ, không cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, giải quyết xuất cảnh trái quy định của pháp luật.

[9] Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam

  1. Công dân Việt Nam có các quyền sau đây:
  2. a) Được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật này;
  3. b) Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử;
  4. c) Được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của Luật này;
  5. d) Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật;

đ) Yêu cầu cung cấp thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh của mình; yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh của mình để bảo đảm đầy đủ, chính xác;

  1. e) Sử dụng hộ chiếu của mình để thực hiện giao dịch hoặc thủ tục khác theo quy định của pháp luật;
  2. g) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.
  3. Công dân Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:
  4. a) Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và pháp luật của nước đến khi ra nước ngoài;
  5. b) Thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, gia hạn hộ chiếu, khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu theo quy định của Luật này;
  6. c) Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để xuất cảnh, nhập cảnh;
  7. d) Chấp hành yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc kiểm tra người, hành lý, giấy tờ xuất nhập cảnh khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh;

đ) Nộp lệ phí cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật.

  1. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này.

[10] Mục 5. CHƯA CẤP GIẤY TỜ XUẤT NHẬP CẢNH

Điều 21. Trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh

  1. Người chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 hoặc 7 Điều 4 của Luật này.
  2. Người bị tạm hoãn xuất cảnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 12 Điều 37 của Luật này.
  3. Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

[11] Điều 22. Thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh

  1. Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này, thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh được tính đến thời điểm chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
  2. Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật này, thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh được tính theo thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp đó.
  3. Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 21 của Luật này, thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh được tính đến khi không còn ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

[12] Điều 34. Điều kiện nhập cảnh

Công dân Việt Nam được nhập cảnh khi có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng.

[13] Điều 36. Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh

  1. Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
  2. Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
  3. Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
  4. Người phải thihành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
  5. Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
  6. Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
  7. Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
  8. Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh.
  9. Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

[14] Điều 6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người

  1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
  2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
  3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
  4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
  5. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
  6. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 Điều này.

[15] Điều 8. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam

  1. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
  2. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có quyền:
  3. a) Sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo;
  4. b) Sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung;
  5. c) Mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người Việt Nam thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo; mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo;
  6. d) Vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam;

đ) Mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam.

  1. Chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được giảng đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam.

[16] Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

  1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
  2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
  3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
  4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
  5. a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
  6. b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
  7. c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
  8. d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
  9. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *