Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
27100

Quyền tự do tôn giáo là quyền có giới hạn

“Quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình chỉ phải chịu các giới hạn chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do cơ bản của những người khác”. (Khoản 3 Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị).

Các giới hạn được luật pháp quy định

Trên thực tế, tự do tín ngưỡng hay tự do tôn giáo là nguyên tắc ủng hộ quyền tự do của cá nhân hay cộng đồng trong việc công khai hoặc bí mật thực hành, thờ phụng, rao giảng, hay tu tập một tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Khái niệm này thường được thừa nhận là có bao gồm cả việc tự do thay đổi tôn giáo hoặc tự do không theo một tôn giáo nào. Tại nhiều quốc gia, tự do tín ngưỡng được nhiều người coi là một quyền cơ bản của con người. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền đã định nghĩa: “Mỗi người có quyền tự do tư tưởng, lương tâm, và tín ngưỡng; quyền này bao gồm tự do thay đổi tín ngưỡng, và tự do thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình một cách cá nhân hoặc công khai trong việc rao giảng, thực hành, thờ phụng, và tu tập”. Khoản 3, Điều 1 Hiến chương LHQ năm 1945 ghi nhận: “Tôn trọng và tuân thủ triệt để các quyền và tự do cơ bản của mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ”.

Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị chỉ rõ: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, một cách công khai hoặc kín đáo dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo”. Đồng thời khẳng định: “Quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình chỉ phải chịu các giới hạn chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do của những người khác”. Như vậy quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác … Và nghiêm cấm mọi hành động cổ vũ hằn thù dân tộc, sắc tộc, tôn giáo dẫn đến kích động phân biệt đối xử và bạo lực.

Tại các nước phát triển, tôn giáo luôn phải tuân thủ pháp luật, chịu sự quản lý của Nhà nước

Rõ ràng, từ lý luận đến thực tiễn, cộng đồng quốc tế luôn ý thức được yêu cầu khách quan của mọi quốc gia là hoạt động tôn giáo phải đi liền với quản lý nhà nước bởi hoạt động này không chỉ thuần túy nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, mà còn liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Tại các nước phát triển, tôn giáo luôn phải tuân thủ pháp luật, chịu sự quản lý của Nhà nước. Trong Đạo luật ngày 9/12/1905 của nước Cộng hòa Pháp, tại Điều 26 quy định: “Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của cơ quan chính quyền có chức năng giữ gìn trật tự công cộng. Cấm việc hội họp có tính chất chính trị ở nơi chuyên dùng vào việc thờ cúng và thực hành lễ nghi tôn giáo”. Điều 35 của Luật này nêu rõ: “Giáo sĩ nào công khai bằng lời nói hoặc bằng văn bản kêu gọi, khước từ việc thi hành pháp luật của nhà nước sẽ bị phạt tù từ 3 tháng tới 2 năm”. Tại Nhật Bản, Luật Pháp nhân tôn giáo ban hành, có hiệu lực từ năm 1951. Đến năm 1995, sau sự kiện giáo phái Chân lý Aum Shinrikyo khủng bố trong hệ thống đường tàu điện ngầm ở Tokyo bằng chất độc Sarin, Nghị viện Nhật Bản đã bổ sung, sửa đổi luật này theo hướng quy định chặt chẽ hơn đối với các hoạt động tôn giáo.

Ở Australia, dù Nhà nước và Giáo hội là 2 thực thể riêng biệt và Chính phủ không thể can dự vào các hoạt động tôn giáo nhưng tôn giáo và luật pháp phải luôn song hành cùng nhau. Tiến sỹ Renae Barker, giảng viên luật tại Đại học Tây Australia cho biết: “Australia là một quốc gia theo chủ nghĩa thế tục kể từ khi thành lập liên bang vào năm 1901. Điều đó có nghĩa nếu bạn muốn thể hiện niềm tin tôn giáo của mình đối với vấn đề nan y tử quyền, chủ nghĩa khủng bố, luật hôn nhân, hay việc phá thai – bạn hoàn toàn có thể làm điều đó. Tuy nhiên, quan điểm của bạn không hề quan trọng hơn quan điểm của bất kỳ ai khác, dù là người đó đến từ một tôn giáo khác, hoặc không theo một tôn giáo nào cả. Người dân Australia có thể thực hành các nghi thức tôn giáo và bày tỏ tín ngưỡng của họ ở nơi công cộng. Người dân có quyền tự do chỉ trích tôn giáo, cũng như bênh vực cho tôn giáo của mình. Hầu hết giới luật của các tôn giáo đều được tôn trọng tại Australia, miễn là chúng không đi ngược lại luật pháp. Chẳng hạn, bạn không thể kết hôn khi chưa đủ tuổi trưởng thành, ngay cả khi một số tôn giáo cho phép điều này…”. Thống kê cho thấy, hiện có 52% người dân Australia theo Thiên Chúa giáo (trong đó 22.6% theo Công giáo). Số người Australia theo chủ nghĩa vô thần hiện nay là hơn 30%…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *