Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
227506

Quyền tham gia vào đời sống văn hóa là một quyền hiến định

Quyền tham gia vào đời sống văn hóa trước hết được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong các pháp luật khác như Luật Di sản văn hóa, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xuất bản, Luật báo chí, Luật bình đẳng giới, Luật trẻ em….

Điều 41 Hiến pháp 2013 khẳng định: “mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”. Có thể thấy rằng, ở Việt Nam, quyền tham gia vào đời sống văn hóa với tư cách là một quyền hiến định, được ghi nhận theo hướng khá tương thích với luật nhân quyền quốc tế ở những khía cạnh sau:

quyền tham gia vào đời sống văn hóa với tư cách là một quyền hiến định

Thứ nhất, chủ thể có quyền tham gia vào đời sống văn hóa theo Hiến pháp Việt Nam là “mọi người”, tức là bao gồm cả những chủ thể là công dân và những chủ thể không phải là công dân.

Quyền được tham gia vào đời sống văn hóa được coi là tiền đề để cá nhân phát triển bản thân cũng như gia tăng mối liên hệ giữa các cá nhân với cộng đồng, được tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo thực thi bởi nhà nước[1] thông qua các nguyên tắc hiến định “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và không bị phân biệt đối xử trên mọi lĩnh vực của đời sống”.[2] Nói cách khác, mọi cá nhân, dù là công dân hay không là công dân Việt Nam, đều được thụ hưởng quyền tự tham gia vào đời sống văn hóa với đầy đủ các khía cạnh của quyền này một cách bình đẳng và không chịu bất kỳ một sự phân biệt đối xử nào dựa trên các cơ sở tuổi tác, giới tính, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ học vấn,..

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, quyền tham gia vào đời sống văn hóa không phải là một quyền tuyệt đối, theo đó, quyền này có thể bị giới hạn theo pháp luật và hạn chế trong những trường hợp được ghi nhận tại Điều 14 (2) Hiến pháp 2013, cụ thể là các “trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Thứ hai, quyền được tham gia vào đời sống văn hóa bao gồm các khía cạnh: hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia và đóng góp vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.

Sử dụng các cơ sở văn hóa” có thể hiểu là quyền sử dụng của toàn dân đối các cơ sở văn hóa, các thiết chế văn hóa được xây dựng bởi Nhà nước, xã hội và cộng đồng, ví dụ như: các khu vui chơi, giải trí công cộng, công viên, nhà văn hóa, thư viện, sân vận động, bảo tàng, điểm Internet công cộng… Việc ghi nhận quyền “sử dụng các cơ sở văn hóa” theo Điều 41 Hiến pháp Việt Nam như là một khía cạnh của quyền văn hóa đã làm rõ thêm nội hàm của quyền này.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này là không cần thiết bởi lẽ khía cạnh “tiếp cận” các giá trị văn hóa đã bao hàm đầy đủ nội dung như: thể hiện và phổ biến thông qua các phương tiện thông tin hoặc truyền thông kỹ thuật, lựa chọn lối sống gắn liền với việc sử dụng các hàng hóa và tài nguyên văn hóa như đất, nước, đa dạng sinh học, ngôn ngữ hoặc các thể chế cụ thể, và hưởng lợi từ các di sản văn hóa và sáng tạo của các cá nhân và cộng đồng.

Thứ ba, tính có thể tiếp cận, tính có thể chấp nhận, tính thích ứng và tính phù hợp quyền tham gia vào đời sống văn hóa còn được đảm bảo thông qua các quy định của Hiến pháp “quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp” của công dân.

Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam xác lập các biện pháp dân sự, hình sự nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa thông qua các quy định: hạn chế quyền định đoạt đối với tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa;[4] xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; [5] tổ chức các cuộc thi văn hóa, nghệ thuật, thể thao, khoa học, kỹ thuật và các cuộc thi khác không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;[6] tội sử dụng trái phép, hủy hoại hoặc cố ý là hư hỏng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa;[7] tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng của quốc gia trong lĩnh vực văn hóa;[8] tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng. [9]

Thứ tư, pháp luật Việt Nam còn đảm bảo sự bình đẳng trong việc thụ hưởng quyền tham gia vào đời sống văn hóa thông qua các quy định có liên quan đối với các nhóm dễ bị tổn thương, cụ thể:

Luật bình đẳng giới xác lập nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có tham gia các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao và hưởng thụ văn hoá, tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin.[10] Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa bao gồm: cản trở nam, nữ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn và tham gia các hoạt động văn hóa khác vì định kiến giới; sáng tác, lưu hành.

Cho phép xuất bản các tác phẩm dưới bất kỳ thể loại và hình thức nào để cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới; truyền bá tư tưởng, tự mình thực hiện hoặc xúi giục người khác thực hiện phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.[11]

Liên quan đến vấn đề quyền được tham gia vào đời sống văn hóa của trẻ em, pháp luật quy định trẻ em có “quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi”;[12] “quyền được tôn trọng đặc điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi và văn hóa dân tộc; được thừa nhận các quan hệ gia đình”;[13] “quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình”. [14]

Nhà nước có nghĩa vụ lồng ghép, bảo đảm chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và phát triển nhân cách, kỹ năng sống, tài năng, năng khiếu của trẻ em thông qua việc ban hành chương trình, nội dung giáo dục phù hợp với từng độ tuổi, từng nhóm đối tượng trẻ em, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và yêu cầu hội nhập;[15] và ban hành các chính sách khác nhằm đảm bảo các điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch cho trẻ em. [16]

Đối với nhóm dân tộc thiểu số:

Ngoài quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp được ghi nhận tại Điều 42 Hiến pháp, quyền tham gia vào đời sống văn hóa của nhóm này còn được đảm bảo thông qua các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, cụ thể: đặt hàng để có bản thảo và xuất bản tác phẩm, tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thị và các nhiệm vụ trọng yếu khác; ưu tiên đầu tư quỹ đất và kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống cơ sở phát hành xuất bản phẩm tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.

  • Điều 14.1 Hiến pháp 2013
  • Điều 16 Hiến pháp 2013
  • Điều 42 Hiến pháp 2013
  • Điều 196.2 Bộ luật Dân sự
  • Điều 229 Bộ luật Dân sự
  • Điều 573 Bộ luật Dân sự
  • Điều 177 & 178 Bộ luật Hình sự
  • Điều 303 Bộ luật Hình sự
  • Điều 345 Bộ luật Hình sự
  • Điều 16 Luật bình đẳng giới
  • Điều 40.6 Luật bình đẳng giới
  • Điều 17 Luật trẻ em
  • Điều 18. 1 Luật trẻ em
  • Điều 18.2 Luật trẻ em
  • Điều 44.3 Luật trẻ em
  • Điều 45 Luật trẻ em
  • Điều 7 Luật xuất bản

nhanquyenvn.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *