Bệnh nhân số 17 khi trả lời phỏng vấn tờ NewYorker đã không nói chính xác về cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam, cô không chỉ gây phẫn nộ từ chính người dân nước mình mà còn bị độc giả Mỹ tức giận và ‘ném đá’ tơi tả.
Sau khi Tờ The NewYorker hôm 21/9 đăng tải bài báo phỏng vấn bệnh nhân “siêu lây nhiễm” số 17 của Việt Nam, theo đó cô cho biết thông tin cá nhân của mình đã bị lan truyền trên internet chỉ 1 giờ sau khi cơ quan y tế xác định cô bị dương tính với virus SAR-CoV- 2. Từ đây, cô phải đối mặt với sự miệt thị của xã hội chỉ vì mắc CoVid-19, các tài khoản mạng xã hội của hai chị em bệnh nhân số 17 bị tấn công dữ dội. Dẫn chứng về bệnh nhân số 17, tờ NewYorker gọi đây là “Nạn miệt thị cộng đồng”, cho rằng do cơ quan y tế Việt Nam đã không bảo vệ danh tính cá nhân của họ trước sự chỉ trích của xã hội.
Tuy nhiên, phỏng vấn của NewYorker không nói hết tất cả về quá trình di chuyển của bệnh nhân số 17 kể từ khi trở về nước sau hành trình tại các tuần lễ thời trang ở nước ngoài. Việc cô không chịu khai báo y tế, tiếp tục di chuyển tới các điểm công cộng trong nước ngay khi đã có các dấu hiệu của việc bị nhiễm virus corona mới không được phản ánh trong bài báo, khiến độc giả không nhìn nhận được toàn bộ bối cảnh của câu chuyện.
Bệnh nhân số 17 đã vi phạm các biện pháp cách ly được tuyên truyền rộng rãi khắp cả nước kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam. Cô đã lây nhiễm cho 3 người khác, khiến cuộc chiến chống đại dịch ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn.
Cộng đồng mạng Việt Nam có hàng ngàn bài chỉ trích, cho rằng với khai báo y tế gian dối, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho cộng đồng và khiến Hà Nội phải triển khai cách ly diện rộng, cả khu phố bị phong tỏa, đáng lẽ ca bệnh số 17 phải bị xử lý hình sự. Việc cô tiếp tục gian dối trên báo chí nước ngoài để chí trích người dân và cơ quan y tế trong nước cũng như vu cáo xã hội Việt Nam có sự phân biệt trong đối xử với người giàu, vi phạm quyền riêng tư cho thấy, nhận thức lệch lạc và hành xử vị kỷ của cô đáng bị xã hội lên án. Đồng thời nhiều ý kiến chỉ trích, so sánh hành xử của cô với nhiều bệnh nhân nhà giàu nhiễm bệnh khác, cũng như thái độ biết ơn, ghi nhận của dân chúng với những người giàu có đã đóng góp cho lợi ích cộng đồng, khác hẳn với những nội dung xuyên tạc, bôi xấu người Việt trên báo Mỹ của cô bệnh nhân số 17.
Trước những thông tin không đầy đủ được phản ánh trên tờ NewYorker, không ngờ rằng rất đông độc giả người Mỹ đã phản đối mạnh mẽ về những kết luận của tờ báo này về cuộc chiến phòng chống COVID-19 ở Việt Nam. Báo chí Việt Nam đã trích dẫn một số ý kiến trong đó:
“Tôi không nghĩ mọi người thực sự cho rằng những bệnh nhân siêu lây nhiễm có ý định truyền bệnh. Tôi cho rằng nhận định về bệnh nhân là họ bỏ qua các triệu chứng bệnh và các biện pháp phòng ngừa đã được khuyến cáo vì lý do cố ý hoặc thiếu hiểu biết. Họ cố tình tụ tập tại nơi đông người mặc dù được yêu cầu ở nhà. Tất nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ”, bình luận của Justin Friesen trên Facebook nhận được 1.000 lượt thích và nhiều phản hồi đồng tình.
“Tôi xin lỗi, nhưng chẳng phải họ nên cảm thấy xấu hổ hay sao? Họ là những người ngang nhiên tụ tập, không đeo khẩu trang và đứng gần hơn 6 feet (khoảng 2 mét). Họ ý thức được hành động của mình nhưng họ chẳng thèm bận tâm. Nếu bạn có cháu ngoại trong độ tuổi mẫu giáo ở nhà… bạn sẽ biết mình đang làm những gì”, chủ tài khoản Instagram Drea85an viết.
“Gạt mấy lời xin lỗi vô nghĩa đi. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành một bệnh nhân siêu lây nhiễm. Tuy nhiên, để thực sự trở thành nguồn lây thì phải tham dự một cuộc tụ họp lớn, và nếu bạn tham gia tụ tập như vậy thì bạn xứng đáng bị xấu hổ vì điều đó. Chúng tôi đang ở trong cuộc khủng hoảng sức khỏe tồi tệ nhất của thế kỷ”, tài khoản Facebook Alex Ortiz viết, ý kiến của anh Ortiz có hơn 1.900 lượt thích.
“Mọi người cứ nghĩ chuyện sẽ không xảy ra với mình. Nhưng sự kiêu ngạo hay ngu ngốc khi không tuân thủ hướng dẫn thường có kết quả ngược lại. Một đám cưới ở vùng nông thôn Maine đã khiến nhiều người vô can phải chết vì tiếp xúc với những người tham dự lễ cưới đó”, tài khoản Facebook tên Marianne Bohun Parrino cho biết.
Không chỉ có độc giả quốc tế, các độc giả Việt Nam cũng phản đối mạnh mẽ bài viết của NewYorker.
Ông Lê Quốc Vinh, nhà truyền thông có kinh nghiệm ở Việt Nam bình phẩm: “New Yorker, ít nhất các bạn nên phỏng vấn vài nguồn thông tin từ các bên khác trong câu chuyện này. Thật đáng tiếc, bài viết của các bạn cho thấy đây thực sự là một sự kém cỏi trong nghiệp vụ báo chí. Một phóng viên chuyên nghiệp sẽ biết cách để đưa tin đúng về sự việc và cảm thấy xấu hổ vì đọc những bài viết vớ vẩn như thế này“. Bình luận của tài khoản này nhận được 2,5 nghìn lượt thích.
Có thể thấy, trọng thế giới phẳng này, cô bệnh nhân số 17 cũng như báo chí Mỹ không dễ dắt mũi và lòe bịp người dân, bởi họ dễ dàng kiểm chứng thông tin và người đọc ngày càng có nhiều hiểu biết hơn. Thêm vào đó, trước cuộc khủng hoảng chống dịch bệnh CoVid-19 ở nước Mỹ và sự thành công đáng ngạc nhiên ở Việt Nam khiến ngày càng nhiều người dân Mỹ nhận ra, thứ chủ nghĩa cá nhân vi kỉ đã góp phần khiến Mỹ và nhiều nước Châu Âu thất bại thảm hại trong cuộc chiến chống dịch bệnh khủng khiếp này.