Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
25438

Những khối tài sản kếch xù bị kê biên, cấm mua bán

Kê biên, thu hồi tài sản trong những vụ “đại án” luôn là mối quan tâm của công chúng. Việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản nhằm đảm bảo thi hành án, cũng như ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của người phạm tội.

Trong vụ Việt Á, Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) khai đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit test lên khoảng 45%.

Số tiền Việt Á thu về được xác định trên 500 tỷ đồng; số tiền “hoa hồng” mà Việt Á chi cho các “đối tác” là gần 800 tỷ đồng.

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, trong vụ án này, CQĐT đã thu giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch bất động sản, tài sản giá trị 1.220 tỷ đồng.

Trong đó có 380 tỷ đồng tiền mặt, còn lại là giá trị bất động sản hơn 800 tỷ đồng.

Những khối tài sản kếch xù bị kê biên, cấm mua bán
Phan Quốc Việt

Liên quan đến vụ Việt Á, mới đây nhất, Sở Tư pháp Khánh Hòa đã yêu cầu các phòng công chứng không thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng, cho tặng, thế chấp tài sản đối với giám đốc CDC tỉnh này.

Theo đó, ngày 25/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản cho biết đang xác minh, điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa (CDC Khánh Hòa).

Để phục vụ điều tra, CQĐT đề nghị Sở Tư pháp hỗ trợ thông báo trên hệ thống thông tin đến toàn bộ văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu không thực hiện các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp tài sản liên quan đến 10 cá nhân.

Trong đó, có ông Huỳnh Văn Dõng (SN 1967), Giám đốc CDC Khánh Hòa.

Lãnh đạo Sở Tư pháp Khánh Hòa cũng cho biết, Sở đã chuyển toàn bộ thông tin lên hệ thống phần mềm ngăn chặn của hệ thống công chứng.

Các văn phòng công chứng, công chứng viên sẽ căn cứ vào đây để thực hiện việc ngăn chặn theo yêu cầu của CQĐT.

Trong một diễn biến khác, sau khi bắt Phan Văn Anh Vũ, CQĐT và VKSND Tối cao đã kê biên 42 tài sản, bất động sản của cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79.

Những khối tài sản kếch xù bị kê biên, cấm mua bán
Phan Văn Anh Vũ

Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản ở TƯ cho rằng, tổng giá trị của 42 tài sản, bất động sản nêu trên có giá trị hơn 3.519 tỷ đồng.

Tại phiên tòa xét xử vụ Phan Văn Anh Vũ và hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng hồi tháng 1/2020, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, vợ Phan Văn Anh Vũ  trình bày: Có một số tài sản đứng tên cả bà và chồng như nhà ở 17 Lê Duẩn; 90, 92, 76 Trần Quốc Toản và nhiều lô đất nhưng bà không biết nguồn gốc các tài sản này từ đâu.

“Tôi là người đứng kê biên đại diện cho Phan Văn Anh Vũ, nhưng tôi không sử dụng, không nắm được nguồn gốc”, lời bà Hiền.

Trong vụ án thất thoát 830 tỷ xảy ra tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), CQĐT đã ra lệnh kê biên 6 nhà, đất nằm rải rác tại Thái Nguyên và Hà Nội của cựu Chủ tịch TISCO Trần Văn Khâm.

Ngày 30/5/2019, CQĐT kê biên 2 tài sản nhà, đất tại phường Trung Thành, TP Thái Nguyên của ông Khâm.

Ngày 22/8/2019, CQĐT tiếp tục kê biên căn hộ chung cư số 805, tòa nhà 27 tầng-165B Thái Hà, Hà Nội, diện tích sàn 77,1m2.

CQĐT còn kê biên các tài sản là nhà đất tại địa chỉ LK1-H03, Lô LK64 Khu đô thị mới Bắc An Khánh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, diện tích 126m2; tài sản nhà, đất tại địa chỉ Lô C8/D21 Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội, diện tích 146,8m2; thửa đất tại địa chỉ phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên, diện tích 252m2 (đứng tên bà Nguyễn Thị Hồng Vân, vợ ông Khâm).

Bị đưa ra xét xử, ông Khâm khai, mảnh đất ở Thái Nguyên vợ bị cáo mua từ năm 2007, sau đó bán đi để làm nhà ở phường Trung Thành (TP Thái Nguyên). Còn căn hộ hơn 70m ở Hà Nội do vợ chồng bị cáo mua cho con gái…

“Cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng”

Kết quả đánh giá cho thấy, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Tại buổi thảo luận về các báo cáo tư pháp, báo cáo phòng, chống tham nhũng… ở Quốc hội hồi tháng 10/2021, liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí khẳng định, những năm gần đây đã “làm tốt hơn, tích cực hơn”.

Tuy nhiên, ông Trí thừa nhận, so với yêu cầu vẫn chưa hài lòng vì “cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng”.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *