Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14773

Nhà văn nữ và ý thức về trách nhiệm xã hội

Tham gia sáng tác và nghiên cứu, thẩm định văn chương là một nhánh hoạt động đặc biệt mà phụ nữ đã và đang thực hiện trong quá trình tham chính lâu nay.

Hoạt động văn chương nổi bật trên tất cả các lĩnh vực

Phân tích sự phát triển của văn chương văn học khoảng 100 năm gần đây, có mấy khái quát đáng chú ý.

Một là, chưa bao giờ ở Việt Nam có một lực lượng phụ nữ làm thơ, viết văn và tham gia bình giá văn chương đông đảo như hiện nay. Nhìn lại khoảng 1.000 năm có văn học viết (đến cuối thế kỉ XIX), lực lượng này ở nước ta chỉ có chừng vài chục người, sang nửa đầu thế kỉ XX, đã đông đảo hơn, cũng chỉ dăm bảy chục nhà văn, nhà thơ, còn thời hiện đại từ 1945 đến nay, con số này là khoảng 500 tác giả…, một thành quả đáng tự hào.

Những nhà văn nữ gốc Việt tỏa sáng

Hai là, từ năm 1945 trở về trước, phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động xã hội bằng văn chương, chủ yếu là từ sở thích cá nhân, viết lách là công việc của đàn ông. Còn ngày nay, cả xã hội đều ủng hộ, hoan nghênh phụ nữ làm công tác đoàn thể, tham gia lãnh đạo chính quyền và hoạt động văn chương; đại đa số các tác giả nữ làm văn chương ở ta đều có học vấn tối thiểu là tốt nghiệp phổ thông, nhiều nhà văn, nhà thơ nữ thành danh trên văn đàn đều đã tốt nghiệp đại học trở nên. Quy luật lượng đổi thì chất đổi của tự nhiên đã và đang chứng nghiệm một lần nữa điều này.

Ba là, ngày nay hoạt động văn chương của phụ nữ Việt Nam đã sôi nổi và đạt được nhiều thành quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực như: độ phong phú của nội dung đề tài, sự sâu sắc trong nhận thức xã hội và quan điểm nghệ thuật, sự cách tân – đổi mới trong phương pháp sáng tạo… Đó là những tiền đề thực tiễn để người ta bàn đến thiên tính nữ, bàn đến đặc sắc của văn chương nữ, cũng như vị trí và vai trò của đội ngũ nữ tác giả. Các nhà văn, nhà thơ nữ Việt Nam đương thời đang chứng minh một cách nhẹ nhàng mà chắc chắn luận điểm văn chương này là của chúng ta – cả nam và nữ, chứ không của riêng một ai.

Nhà văn nữ và ý thức về trách nhiệm xã hội

Khi nghiên cứu quá trình từ một người đọc bình thường mà mạnh dạn viết, viết rồi sửa mà thành tác phẩm của các nhà văn nữ tiêu biểu, ta thường thấy các nữ tác giả trước, trong và sau khi viết ra một bài thơ, một truyện ngắn hay một trường ca và tiểu thuyết đứng được với văn đàn là một quá trình dày công sức và tâm huyết. Họ là những nhà văn, nhà thơ có mục đích sáng tác rõ ràng, hơn thế, họ còn có sự nung nấu và quả quyết khi cầm bút.

Các nhà văn trong Ban Nhà văn nữ (Hội Nhà văn Việt Nam) chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả thơ nữ và bạn yêu thơ ở Vân Đồn, Quảng Ninh

Đặc biệt, những ý nghĩ về công việc viết văn thường được các tác giả nữ nói/viết ra một cách dung dị, nhẹ nhàng bởi họ viết từng chiêm nghiệm cá nhân hơn là từ những ý họ đọc được trong sách.

Nhà văn Dạ Ngân làm báo ở chiến khu khi chưa đầy tuổi 20, sau 1975 đã liên tục xuất bản hàng chục tập truyện và kịch bản phim, đã nhận được nhiều giải thưởng chuyên ngành, tâm sự rằng: “Nghề văn là một nghề khó nhọc và cao quý. Trong xã hội nhiều biến động của Việt Nam, nhân cách của nhà văn đôi khi quan trọng hơn cả tài năng và các giải thưởng. Tôi biết mình có thể mưu sinh bằng dạy học, làm vườn, chăn nuôi, bán hàng… nhưng nghề văn cho tôi sự giác ngộ”.

Đọc các tác phẩm của Dạ Ngân, như Ngày của một đời (tiểu thuyết, 1989), Con chó và vụ ly hôn (tập truyện ngắn 1990), Gia đình bé mọn (tiểu thuyết, 2005), Người yêu dấu và những truyện khác (tập truyện ngắn 2017)…, ta thấy ở nhà văn nữ hàng đầu này luôn có sự hài hòa giữa ý tưởng, quan niệm với hình tượng nghệ thuật, đồng thời, càng thêm thương mến và cảm phục nghị lực cùng tài năng với sự tận hiến của bà đối với từng trang sách được viết ra.

Hay như Nguyễn Thị Minh Ngọc vốn là một đạo diễn sân khấu – điện ảnh có nhiều thành công từ đầu những năm 1980 (do Việt Nam và nhiều nước như Pháp, Mỹ, Thụy Điển… bình chọn). 10 năm sau bà mới thực sự bước chân vào làng văn với một số tác phẩm như Ngọn nến bên kia gương (tập truyện ngắn, 1992, 1994), Một mình bước tới (tập truyện ngắn, 1994, 1995), Trịnh Tiên (truyện vừa, 1995), Năm đêm với bé Su (truyện vừa, 1995, 1996, 2000, 2003)… Người phụ nữ đa tài có nhiều thành tựu vang dội này cho hay: “Tôi cố gắng viết để nói giúp những người (đồng thời cũng là cho mình) không có điều kiện để nói được. Và viết sao cho những người đời sau có dịp đọc lại sẽ không hiểu sai lệch về thời đại mình đang sống”.

Trường hợp của nhà văn Trầm Hương (tên thật là Bùi Thị Thủy), do công việc ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, nên bà quen thân với các bà, các chị từng kiên trung gan góc và mưu trí dũng cảm trong các trận chiến hồi kháng Pháp và chống Mỹ. Nghĩ rằng cần phải kể về các chứng nhân lịch sử này – những con người có tâm hồn cao đẹp tiêu biểu cho dân tộc, nên bà đã cầm bút. Thế là từ giữa những năm 1990, trên văn đàn Việt Nam xuất hiện nhà văn Trầm Hương. Bà được các nhà văn, nhà thơ đương đại quý trọng bởi các văn phẩm của bà như Người đẹp Tây Đô (tiểu thuyết, 1996 – được dựng thành phim 16 tập), Nắng quái (tiểu thuyết, 1998)… và gần đây là: Đêm Sài Gòn không ngủ (tiểu thuyết, 2008), Trong cơn lốc xoáy (tiểu thuyết 2 tập, 2015 – 2016), Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà (thơ, 2018). Người ta hào hứng gọi Trầm Hương là “người kết nối thế hệ”, là nhà văn của những phụ nữ bình dị mà kiên cường, là người có sức sống dẻo dai tràn đầy năng lượng với một gia tài đồ sộ trong gần 30 năm viết, đã xuất bản gần 30 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, tản văn và có tới 30 kịch bản phim. Trầm Hương quả thực, đã trở thành một biểu tượng văn nhân của thời nay. “Chính những bà má sẵn sàng đứng trước mũi xe tăng cản bước quân thù, những nhân vật “không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng “đã làm ra đất nước” như thế đã truyền cảm hứng mãnh liệt để tôi mải miết đi và viết. Tôi nguyện theo đuổi công việc này đến hết cuộc đời vì dân tộc Việt Nam ta quá vĩ đại!”, nhà văn Trầm Hương chia sẻ khi được hỏi về cảm hứng sáng tác trong những tác phẩm hừng hực sức sống của bà.

Cũng chung một khát vọng viết văn là góp phần giúp cho người đời am hiểu hơn, sống có ích hơn…, Tổng Biên tập tuần báo Nhà báo và công luận, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng: “Tuổi thơ của mỗi con người ai cũng say mê cổ tích. Phải chăng đó là bản năng hướng tới chân, thiện, mỹ. Bởi thế, người cầm bút viết cho thế hệ trẻ phải nhận ra sứ mệnh của mình là nuôi dưỡng niềm tin, yêu cái đẹp cho dù một lúc nào đó họ phải dẫm lên bùn lầy.”.

Sáng tác vì người khác, cái đức vị tha cao minh ấy quả nhiên đã là ngọn nguồn quan trọng để các nhà văn nữ có được những tác phẩm để đời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *