Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
33647

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được bảo đảm tốt trên thực tế. Hằng năm, có hơn 8.500 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức. Đến năm 2020, Việt Nam đã có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, tăng 10 tôn giáo và 28 tổ chức so với trước khi thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (trong đó, có 36 tổ chức tôn giáo được công nhận; 4 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo).

Mở rộng các hình thức sinh hoạt tôn giáo

Ở Việt Nam có 16 tôn giáo được nhà nước công nhận, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo – Tam Tông Miếu, Bà-la-môn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương; với 43 tổ chức tôn giáo, hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 28% dân số cả nước; với hàng nghìn cơ sở thờ tự.

Nhà thờ nguyện của đồng bào theo Đạo

Việc mở rộng các hình thức sinh hoạt tôn giáo được Nhà nước bảo đảm thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, sinh hoạt tôn giáo ngoài cơ sở thờ tự đều phải bảo đảm quy định theo Điều 46 của Luật bao gồm: đăng ký địa điểm hợp pháp, người chủ trì và thành phần tham dự, nội dung, thời gian tổ chức; cũng như giữ mối liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại nơi tổ chức sinh hoạt tôn giáo để bảo đảm an ninh trật tự…

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, số người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam gia tăng, hiện nay khoảng gần 90.000 người, phần lớn đều có nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện sinh hoạt tôn giáo. Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu tinh thần của người nước ngoài cư trú hợp pháp bằng việc hoàn thiện những quy định phù hợp với hoàn cảnh mới, được thể hiện rõ trong Mục 2 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (từ Điều 47 đến Điều 53); trong đó nổi bật là tạo điều kiện cho nhóm người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có thể thuê, mượn địa điểm để sinh hoạt tôn giáo, mời chức sắc chức việc là người Việt Nam hay nước ngoài đến giảng đạo, mang theo các sản phẩm tôn giáo…Đây là minh chứng việc Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài.

Cơ sở tôn giáo được bảo tồn và mở rộng

Đối với một tôn giáo, cơ sở tôn giáo có vai trò quan trọng, là nơi thực hiện các nghi lễ tôn giáo, theo chiều dài lịch sử còn chứa đựng những giá trị văn hóa. Chính vì vậy, việc bảo trì, cải tạo, xây mới cơ sở thờ tự luôn được đặt ra. Đáp ứng nhu cầu chính đáng này, Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa tại Chương VII trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (từ Điều 56 đến Điều 59), như tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tôn giáo được pháp luật bảo vệ; đất có các công trình tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động, được sử dụng lâu dài; hoạt động tôn giáo tại cơ sở là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được bảo đảm bình thường, việc quản lý, sử dụng, cải tạo, nâng cấp theo quy định pháp luật về di sản văn hóa…

Từ sau đổi mới đến những năm gần đây, hơn 25.000 cơ sở được sửa chữa, chiếm 95% tổng cơ sở thờ tự cả nước; trong đó 1/3 được trùng tu quy mô lớn, và hơn 2.000 cơ sở được xây dụng mới. Năm 2003 cả nước có 20.065 cơ sở thờ tự đến năm 2017 tăng lên 29.977 cơ sở thờ tự, trong đó có 9.343 cơ sở được phục hồi và xây mới. Các công trình kiến trúc, điêu khắc, hội họa ở các cơ sở tôn giáo được khôi phục theo hướng gần gũi hơn với các giá trị nghệ thuật dân gian; như trong Công giáo có Nhà thờ Phát Diệm có sự tương đồng với kiến trúc truyền thống; nhà thờ mô phỏng kiến trúc truyền thống của tộc người thiểu số như Nhà thờ Cam Ly, Nhà thờ Plei Chuet, Nhà thờ K’Long ở khu vực Tây Nguyên, Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Lạng Sơn,…Hình tượng Đức mẹ đội nón lá, mặc áo dài ở Thánh địa La Vang, áo tứ thân trít khăn mỏ quạ ở Bắc Ninh. Trong Phật giáo có thể kể đến như chùa Khánh Lâm, chùa Huệ Chiếu ở tỉnh Kon Tum… Đây được xem là sự chuyển biến tích cực, so với trước đổi mới vì nhiều lý do về kinh tế, xã hội nên phần xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự chưa có điều kiện để thực hiện.

Đảng ta luôn xác định tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và nhận thức về sự chuyển biến trong sinh hoạt tôn giáo, mở rộng hoạt động tôn giáo là xu thế chung trên thế giới trong đó có Việt Nam. TVăn kiện Đại hội XIII đã khẳng định, “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”; “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Điều này một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng ta trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cùng với việc tin tưởng, coi trọng vai trò của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *