Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13364

Mỹ đang xây dựng một liên minh để chống lại Trung Quốc

Khi căng thẳng tiếp tục gia tăng ở vùng Biển Đông, một tàu sân bay của hải quân Mỹ đã tiến hành tập trận trong khu vực hôm 17-8. Điều này diễn ra sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tục đưa ra lập trường cứng rắn đối với các yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông.

Từ trung lập đến cứng rắn

Tháng 5-1995, sau khi Trung Quốc chiếm đóng đảo đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Mỹ tuyên bố rằng họ “không có quan điểm nào về giá trị pháp lý của các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, rạn san hô, đảo san hô và vịnh khác nhau trên Biển Đông ”.

Nhưng nay thì Mỹ không còn giữ thái độ trung lập về cách quản lý hoặc giải quyết nhiều tranh chấp trong khu vực này. Cụ thể, tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo nhấn mạnh rằng hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở Biển Đông là bất hợp pháp. Tuyên bố cứng rắn này được đưa ra 4 năm sau khi Tòa án Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.

Tàu sân bay của Mỹ USS Ronald Reagan tập trận ở Biển Đông hồi giữa tháng 8

Vài ngày sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lại “nổ phát súng mới” với bài phát biểu trong đó cáo buộc Trung Quốc “coi thường các cam kết quốc tế một cách trơ trẽn”. Ông Mark Esper khẳng định, Trung Quốc đã bắt nạt các quốc gia xung quanh Thái Bình Dương và chiến thuật gây hấn của nước này ở Biển Đông đã cản trở quyền đánh bắt hải sản và tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia khác.

Rõ ràng, với những phát biểu này, giới chức Mỹ đã một lần nữa thông báo với toàn thế giới rằng, Trung Quốc đã không đưa ra “yêu sách hàng hải hợp pháp, chặt chẽ” và cơ sở pháp lý cho “đường chín đoạn” ở Biển Đông mà nước này sử dụng làm cơ sở cho các yêu sách lãnh thổ của mình là vi phạm luật pháp quốc tế. Điều này cũng có nghĩa là Mỹ cũng không chấp nhận yêu sách của Trung Quốc đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trong khu vực, vượt xa 12 hải lý bao quanh bất kỳ đảo, san hô, rạn san hô hoặc đá nào.

Tại sao là bây giờ?

Nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi, tại sao bây giờ Mỹ lại bỏ đi quan điểm trung lập để thể hiện đường lối cứng rắn của mình với Trung Quốc?

Thực tế, khi chính quyền Washington xử lý thiếu khôn khéo và quyết liệt khiến đại dịch COVID-19 trở nên tồi tệ hơn thì cơ hội tái đắc cử của ông Donald Trump dường như giảm đi. Một số báo cáo cho thấy các quan chức cấp cao diều hâu trong Nhà Trắng lo ngại về khả năng thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 tới nên họ  đang cố gắng đưa ra những thay đổi không thể đảo ngược trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

Ảnh chụp từ vệ tinh một đảo đá mà Trung Quốc lấn chiếm và xây dựng trái phép trên Biển Đông

Việc Mỹ củng cố vị thế của mình trên Biển Đông báo hiệu nỗ lực xây dựng liên minh các đồng minh và đối tác để chống lại Bắc Kinh mà theo cách nói của ông Mark Esper là “cạnh tranh công khai” với Trung Quốc. Về cơ bản hơn, Mỹ có thể đang xem xét hỗ trợ quốc phòng sâu hơn cho các quốc gia trong khu vực.

Cho đến nay, chỉ có Australia đồng ý theo đuổi “hợp tác hàng hải gia tăng và chính quy hóa” với Mỹ ở Biển Đông. Bất chấp sức ép của Mỹ buộc Canberra tham gia vào các hoạt động đảm bảo quyền tự do hàng hải quốc tế xung quanh các địa điểm tranh chấp như đá ngầm hoặc đảo, Australia cho đến nay vẫn chống lại một cam kết cụ thể là tiến hành các hoạt động trong phạm vi 12 hải lý của các đối tượng địa lý. Mặc dù Australia bác bỏ các tuyên bố chủ quyền hàng hải phi pháp của Trung Quốc, nhưng họ không muốn làm tăng thêm căng thẳng về vấn đề chủ quyền nhạy cảm của các đảo tranh chấp và vùng biển xung quanh của chúng.

Sự dè dặt của Đông Nam Á

Trái ngược với Australia, các quốc gia Đông Nam Á như Philippines lại kín tiếng hơn trong việc hợp tác với Mỹ để kiềm chế chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Những mâu thuẫn cố hữu giữa chiến lược “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Tổng thống Donald Trump và những lời kêu gọi hiện tại về một liên minh chống lại Trung Quốc vẫn là một điểm mấu chốt. Ông Donald Trump chưa bao giờ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và việc chính quyền của ông phủ nhận các liên minh khu vực đã làm giảm năng lực của Mỹ trong việc tạo ra một liên minh các đối tác có cùng chí hướng để ủng hộ lập trường của nước này ở Biển Đông.

Do đó, theo giới quan sát, một chiến lược tốt hơn của Mỹ sẽ là xây dựng lại quan hệ với các đồng minh dân chủ, chẳng hạn như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cả Indonesia. Nhưng những nỗ lực của chính quyền Washington nhằm thể hiện thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc mà không có sự tham vấn trước với phần còn lại của thế giới, sẽ khiến việc xây dựng khả năng phục hồi tập thể cần thiết trước các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trở nên khó khăn hơn.

H.Chi (Theo The Convesation)

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *