Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
25533

Mạng xã hội và vấn đề bảo đảm quyền con người Kỳ 3:Những thách thức trong sử dụng MXH

Hiện nay ở Việt Nam, MXH đã trở thành phương tiện truyền thông phổ biến, không thể thiếu trong đời sống xã hội. MXH đang tạo ra nhiều điều kiện và cơ hội để mỗi người, mỗi chủ thể hiểu và thực hiện tốt hơn các quyền của mình. Tuy nhiên, với những chức năng vốn có của mình, MXH cũng đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm và thực hiện đầy đủ, đúng đắn các quyền con người. 

Bên cạnh những tác động tích cực, MXH cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm và thực hiện quyền con người ở nước ta. Có thể thấy điều này qua những thách thức sau đây:

 Thứ nhất, lợi dụng việc đưa các thông tin một cách tự do, một số thông tin trên MXH dễ bị các lực lượng chống đối, bất đồng quan điểm lợi dụng, làm sói mòn niềm tin, tạo các diễn biến xấu về tư tưởng. Tác động tiêu cực đến bảo đảm quyền tự do tư tưởng của mỗi con người.

Zalo của tập đoàn VNG đang là cái tên nổi bật nhất khi nhắc tới các mạng xã hội Việt Nam

Hiện tại ở Việt Nam có hàng trăm MXH khác nhau; thông tin mà các trang MXH này đưa ra là khá đầy đủ, phong phú với nhiều quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau. Với một xã hội đang quá trình dân chủ hóa, đây là một điều tốt, thuận lợi. Tuy nhiên, trong những năm qua, các thế lực chống đối đã sử dụng hàng chục trang MXH khác nhau để tiến hành các hoạt động tuyên truyền phá hoại về tư tưởng. Một số trang mạng tập trung tuyên truyền xuyên tạc một số quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện tại, vẫn còn những trang MXH của một số  người lưu vong tiếp tục đăng tải những bài viết thiếu khoa học, không phản ánh đúng bản chất của các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Một số bài viết trên một số trang MXH đã tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường,…để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch, không được kiểm chứng. Từ đây mà kết luận các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là sai lầm, thiếu sót, đòi hủy bỏ. Những hoạt động này đã tác động tới nhận thức, thái độ và hành vi của một số người dân, nhất là những nhóm xã hội thiếu thông tin, bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, đang gặp những khó khăn trong đời sống mà chưa được giải quyết. Tư tưởng xã hội, vì vậy, đã có lúc bị tác động, phân tâm. Một bộ phận nhân dân, bị những tác động trái chiều về tư tưởng; có những thái độ và hành động yêu nước cực đoan, không tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội; phát triển tư tưởng và hành động mê tín, dị đoan. Ở một góc độ nào đó, đây cũng là những khuynh hướng tư tưởng đang tác động tới quyền con người trên lĩnh vực tư tưởng bị ảnh hưởng; làm phát sinh những hành vi sai lệch, chống đối không đúng đắn trong cộng đồng. Điều mà dư luận xã hội chân chính phải đấu tranh chống lại.

Thứ hai, MXH đang trở thành môi trường để các loại tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội, vi phạm các quyền công dân và quyền con người

Tuy là môi trường có đặc tính ảo, song MXH lại giúp con người gắn kết, thực hành các hoạt động sản xuất, trao đổi và sinh hoạt thường ngày rất thực tế hiệu quả. Chính đặc điểm về môi trường này khiến cho các đối tượng phạm tội về kinh tế, xã hội, văn hóa và hình sự thường lợi dụng để hoạt động phạm tội. Chúng thường sử dụng MXH để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những bí mật về tài chính để tạo tài khoản giả, để kết bạn, làm quen, giả danh các cơ quan quản lý tài chính, luật pháp để lừa đảo. Thủ đoạn thường dùng của chúng là chiếm quyền kiểm soát mật khẩu, tài khoản nhằm chiếm đoạt tiền và các tài sản có giá trị khác. Đấu tranh chống những tội phạm này khá khó khăn. Rất nhiều tội phạm đang ở nước ngoài, chúng thường lập các cơ sở kinh doanh giả, lập các tài khoản giả (chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn khi chúng thực hiện các hành vi tội phạm). Các chương trình, máy móc, phương tiện, hồ sơ, chứng từ sử dụng để phạm tội, bọn tội phạm chỉ để tồn tại trong một thời gian ngắn, nên đấu tranh rất khó khăn. Không ít người đã bị lừa đảo, trộm cắp thực hiện qua các mối liên kết trên MXH. Tác động tiêu cực của các hành động tội phạm này với các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của con người ngày càng lớn. Đây là một thách thức không nhỏ với việc bảo đảm quyền con người trong điều kiện bùng nổ thông tin và phát triển MXH hiện nay.

Dưới một góc độ khác, MXH còn trở thành môi trường mà bọn tội phạm lợi dụng để tổ chức việc mua bán, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm như: Ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các loại hàng quốc cấm khác. Thách thức của việc sử dụng MXH với việc bảo đảm và thực hiện quyền con người trên các lĩnh vực dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa càng lớn.

Thứ ba, MXH làm tăng nguy cơ xâm hại vào đời sống riêng tư của mỗi con người, đồng thời làm tăng xung đột giũa quyền con người và quyền của mỗi quốc gia, dân tộc.

         MXH là thành quả to lớn của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại mà loài người đã tiến hành từ nửa cuối thế kỷ XX. Cuộc cách cách mạng Khoa học Công nghệ hiện đại này đã đem thông tin đầy đủ, nhanh chóng, nhiều chiều đến cho mọi người; nó cũng tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập một mạng lưới xã hội rộng lớn cho mỗi cá nhân con người. Nhờ vậy, quyền con người được bảo đảm thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn. Nhưng MXH, với việc giới thiệu một số các đặc điểm cá nhân của mỗi con người trong hoạt động thường ngày, đã tạo ra những nguy cơ không nhỏ cho sự rò rỉ thông tin cá nhân. Đây là yếu tố khiến cho nguy cơ xâm hại vào đời sống riêng tư của mỗi con người là rất lớn. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đã có không ít vụ các cơ quan tổ chức hành chính, kinh doanh để lộ thông tin của hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu khách hàng. Một số trường hợp, việc để lộ thông tin cá nhân đã đưa đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho đời tư cá nhân. Hiện tượng “ném đá” không đúng, không trúng là một trong trong những biểu hiện cụ thể của tình trạng xâm hại này, đang rất cần đấu tranh hiện nay.

MXH cũng làm tăng nguy cơ xung đột giữa quyền cá nhân mỗi con người và quyền dân tộc quốc gia. Trên thực tế, từ sau cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, sự xích lại gần nhau của các quốc gia, dân tộc đang trở thành một xu thế. Sự nhất thể hóa về kinh tế đang kéo theo sự xích lại gần nhau của các thể chế chính trị. Ranh giới của các quốc gia dân tộc đang không còn những khác biệt rõ ràng như trước. Quyền con người đang được các nhà cầm quyền ở một số nước phát triển đặt trên quyền của các quốc gia dân tộc khác. Một số vấn đề quốc tế và quốc gia đã được tiếp cận và giải quyết theo quan điểm này. Tuy nhiên, trình độ và điều kiện phát triển của mỗi quốc gia dân tộc lại còn khá khác nhau. Lịch sử phát triển văn hóa ở mỗi nước, mỗi khu vực cũng còn nhiều khác biệt. Do vậy, việc sử dụng MXH trong điều kiện hiện nay đang làm tăng nguy cơ xung đột giữa việc bảo đảm quyền con người như một quyền tự nhiên tất yếu với quyền độc lập, tự chủ, có bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc, quốc gia. Đây cũng là một thách thức cần phải tính đến trong sử dụng MXH ở thời đại cách mạng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tri thức và toàn cầu hóa hiện nay.

Thứ tư, MXH và thách thức đối với quyền phát triển và hưởng thụ các thành tựu văn hóa của con người

MXH phát triển, tuy một mặt làm phong phú hơn những giá trị tốt đẹp của văn minh thế giới cho nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, song MXH cũng làm gia tăng nguy cơ xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc khi mà sự giao lưu và xâm nhập về văn hóa được mở rộng về quy mô, mạnh mẽ hơn về cường độ, tác động đến hầu hết các cá nhân mỗi con người ở mọi cộng đồng. Từ khi Việt Nam đổi mới, mở cửa, chuyển sang kinh tế thị trường, sự truyền bá của các hệ giá trị và lối sống ngoại lai gia tăng. Đây tuy là một một hệ quả tất yếu của mở cửa, hội nhập, song những mặt trái của quá trình phát triển này đã tác động không nhỏ. Trong đó, sự  tuyên truyền, cổ vũ lối sống, phương thức sống của các xã hội bên ngoài; đề cao quá đáng “tự do cá nhân”, lối sống thực dụng, phát tán các văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, đi ngược lại những giá trị của văn hóa dân tộc đang có nguy cơ phát triển. Những điều này đã diễn ra cùng với tình trạng thiếu định hướng về truyền thông, đưa thông tin giả lên MXH; thậm chí tung tin đồn thất thiệt, giật gân, câu “like”. Đây là những hoạt động ngày một gia tăng, gây hệ quả không tốt đến tư tưởng, tinh thần, tình cảm cho cộng đồng MXH. Quyền con người và quyền công dân, vì vậy mà bị vi phạm. Đây cũng là một thách thức không nhỏ cho việc bảo đảm, thực hiện quyền con người trong thời đại cách mạng khoa học, công nghệ, thông tin và MXH hiện nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *