Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
10872

Kinh nghiệm ở một số quốc gia bảo vệ người tố cáo

Pháp luật quy định không giống nhau về phạm vi người tố cáo được bảo vệ. Một số nước chủ yếu chỉ hướng tới bảo vệ người tố cáo trong khu vực công, không mở rộng bảo vệ người lao động trong khu vực tư như Úc, Canada, Nga, Thụy Sỹ, Rumani… hoặc bảo vệ người tố cáo vì lợi ích công như Hàn Quốc
    Ở một số nước Châu Âu, luật lao động quy định bảo vệ người lao động để họ không bị sa thải một cách bất công, đồng thời các quy định hành chính và luật hình sự cũng yêu cầu thực thi quyền tố cáo về những hành vi sai trái. Tuy nhiên, việc quy định cơ chế bảo vệ người tố cáo trong luật lao động cũng có ý nghĩa là chỉ những người lao động trong khu vực kinh tế chính thức mới được bảo vệ hoặc đền bù khi bị trả thù. Các nhà tư vấn, nhà thầu, các bên thứ ba, nhà cung ứng và các cá nhân khác nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật này

Ngay từ năm 1766, Thụy Điển đã có những quy định được coi như luật tự do thông tin đầu tiên trên thế giới. Mặc dù Thụy Điển không có luật riêng về tố cáo nhưng tài liệu này hình thành khuôn khổ pháp lý bảo vệ những người tiếp xúc với hành vi sai trái. Mọi công dân Thụy Điển được tự do chuyển thông tin đến các phương tiện truyền thông, ngoại trừ bí mật y tế và thông tin an ninh quốc gia. Nhân viên công ty có thể báo cáo việc làm sai trái với người ngoài nếu có nguy cơ bị chủ sa thải.

Năm 2004, Romania đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu thông qua Đạo luật Bảo vệ người tố cáo. Đây là một đạo luật riêng bảo vệ người tố cáo khỏi sự trả thù. Đối tượng của Luật là các nhân viên chính phủ. Luật này cũng bảo vệ những thông tin được gửi đến các nhà báo, nhà hoạt động và các tổ chức khác ngoài nơi làm việc, có nghĩa là, người tố cáo có thể không thông báo cho chủ sử dụng lao động của họ mà không bị trừng phạt.

Nước Anh đã thông qua Luật Công khai lợi ích công cộng, một bộ luật toàn diện về tố cáo và bảo vệ người tố cáo vào năm 1998. Đối tượng điều chỉnh của Luật gồm nhân viên chính phủ, khu vực tư nhân và phi lợi nhuận, các nhà thầu, học viên và người lao động Anh ở nước ngoài. Luật yêu cầu những người chủ lao động, các giám đốc, người đứng đầu các cơ quan chính phủ phải chứng minh được là họ không thực hiện hành vi nào chống lại người tố cáo. Cách chứng minh ngược này đã trở thành một tiêu chuẩn quốc tế quan trọng. Luật sử dụng một hệ thống “bậc thang” độc đáo để người tố cáo có thể tiết lộ thông tin mà không sợ bị trả thù.

Năm 2008, Hàn Quốc thành lập Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) trên cơ sở hợp nhất ba cơ quan, gồm Ủy ban Chống tham nhũng, Ủy ban Xử lý các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng và Ủy ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chú trọng vào việc nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh chính sách để các cá nhân không thể lợi dụng cơ chế, chính sách để tham nhũng.

Điều 33 Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam tham gia, nhấn mạnh: Để bảo vệ người tố giác tham nhũng, phải xác định được người tố giác và những mối nguy hiểm mà họ có thể gặp phải, bao gồm nguy cơ đe dọa về danh dự, nhân phẩm, kinh tế, sự nghiệp… và xác định khả năng đền bù hoặc bồi thường cho người tố giác. Mặc dù được luật pháp bảo vệ, nhưng nhìn chung, cuộc đời của những người tố cáo nổi tiếng đều rất sóng gió. Rất ít trường hợp được bảo vệ thành công. Điển hình là Edward Snowden, người đã công bố tài liệu về các chương trình tuyệt mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA, trong đó có bao gồm chương trình giám sát PRISM cho các báo The Guardian và The Washington Post vào tháng 6/2013. Người này hiện vẫn tị nạn ở Nga kể từ năm 2013.

Người dân Hồng Kông luôn sẵn sàng hợp tác với Uỷ ban độc lập chống tham nhũng Hồng Kông ICAC vì họ tin tưởng tổ chức này. Nhiều công dân đã mạnh dạn gửi thông tin tố cáo tham nhũng cho tổ chức chống tham nhũng của New Zealand vì thấy rằng thông tin của họ, kể cả thông tin nặc danh, được công khai trên internet. Đó là những công việc có thể làm được ngay nếu các chính phủ có quyết tâm chống tham nhũng.

Để thể hiện sự tôn trọng đối với người tố cáo, tòa án ở Mỹ đã ra nhiều quyết định bồi thường thiệt hại cho người tố cáo. Một nhân viên phân tích thuộc Cơ quan nhà ở công cộng bang California báo cáo về một vụ tiết lộ thông tin dự thầu. Anh này bị sa thải nhưng được toà án phán quyết bồi thường thiệt hại 1,3 triệu USD. Ở bang Pennsylvania, một nhân viên dịch vụ nhà báo cáo một trường hợp kinh doanh vụ lợi và nhận được 900.000 USD thiệt hại do mất việc làm. Các khoản bồi thường lớn cũng được trao cho người tố cáo báo cáo vi phạm về sức khỏe và an toàn công cộng…

Gia Bách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *