Những ngày này, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), thì trên không gian mạng lại xuất hiện những tiếng nói lạc lõng, xuyên tạc lịch sử, công kích quá khứ và phủ nhận giá trị của đại thắng mùa Xuân 1975. Một số cá nhân như Nguyễn Gia Kiểng, Chu Tuấn Anh, Nguyên Anh, cùng nhóm “Tập hợp dân chủ đa nguyên”, đã tung ra những luận điệu phản động như “ăn mày dĩ vãng”, “chiến thắng không chính nghĩa”, “áp đặt chế độ toàn trị” nhằm hạ thấp ý nghĩa lịch sử và giá trị hiện thực của ngày 30/4.
1. Phản bác luận điệu xuyên tạc lịch sử: Đó là chiến thắng của chính nghĩa, của một dân tộc yêu chuộng hòa bình
Không thể và không bao giờ được phép đánh đồng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam với những cuộc “nội chiến huynh đệ tương tàn” như cách Nguyễn Gia Kiểng và đồng đảng xuyên tạc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa, nhằm đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu, nhằm giành lại độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Chiến thắng 30/4/1975 không chỉ kết thúc một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 21 năm, mà còn là sự khẳng định chân lý: Không có thế lực ngoại bang nào có thể chia cắt được ý chí độc lập, tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Đó là thắng lợi của lương tri nhân loại, của quyền tự quyết dân tộc, chứ không phải – như Chu Tuấn Anh vu cáo – “một cuộc chiến mà bạo lực và tuyên truyền đã chiến thắng”.
Sự thật lịch sử không thể bị bóp méo. Chúng ta không “ăn mày dĩ vãng” mà tưởng niệm, tri ân hàng triệu cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh xương máu cho lý tưởng độc lập – tự do – thống nhất. Việc tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam là một sự kiện trọng đại, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những giá trị thiêng liêng đã làm nên lịch sử, từ đó tiếp thêm động lực để dựng xây tương lai.
2. Không thể “hòa giải” bằng cách phủ nhận chính nghĩa
Một trong những luận điệu nguy hiểm mà các thế lực phản động cố tình lồng ghép là: “Muốn hòa giải dân tộc thì phải đối xử bình đẳng giữa người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam và binh sĩ Việt Nam Cộng hòa”. Đây là cách lập luận đánh tráo khái niệm. Hòa hợp dân tộc không có nghĩa là xóa nhòa chính nghĩa – phi nghĩa, hay phủ nhận lịch sử.
Cần phải khẳng định rõ: Lịch sử không thể bị viết lại. Quân đội Nhân dân Việt Nam chiến đấu để giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước. Trong khi đó, quân đội Việt Nam Cộng hòa là công cụ được nuôi dưỡng, chỉ huy bởi Mỹ – nhằm thực hiện mưu đồ chia cắt, khống chế Việt Nam. Đó không phải là hai phía ngang bằng nhau trong một cuộc chiến tranh đơn thuần, mà là hai thái cực rõ ràng: một bên chính nghĩa – một bên tay sai.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định trong bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” (27/4/2025):
“Hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng”.
Sự bao dung là cần thiết, nhưng phải trên nền tảng của sự thật lịch sử và đạo lý chính nghĩa. Không thể gọi đó là hòa giải nếu cái gọi là “góc nhìn khác” lại là sự phủ nhận, xuyên tạc, chống phá đất nước và chế độ hiện tại.
3. Cảnh báo âm mưu lợi dụng “dân chủ”, “đa nguyên” để hạ bệ thành quả cách mạng
Nguyên Anh, trong một bài viết phản động, đã trắng trợn gọi ngày 30/4/1975 là “ngày ô nhục” và vu cáo rằng Việt Nam đã “đánh đổi một ách nô lệ của ngoại bang lấy một ách nô lệ bản xứ”. Đây không chỉ là sự xúc phạm lịch sử mà còn là luận điệu phản động mang tính kích động cao độ, nhắm thẳng vào vai trò lãnh đạo của Đảng và mô hình xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đã chọn lựa.
Đằng sau những lời kêu gọi “đa nguyên, đa đảng” là mưu đồ chính trị rõ ràng: lật đổ nền tảng chính trị – xã hội ổn định của đất nước, thay vào đó là một mô hình bị áp đặt từ bên ngoài, phục vụ cho các thế lực chống đối. Trong 50 năm qua, từ một đất nước nghèo nàn, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Việt Nam đã vươn mình thành quốc gia có vị thế ngày càng lớn trên trường quốc tế. Liệu điều đó có thể xảy ra nếu Việt Nam đi theo con đường mà “Tập hợp dân chủ đa nguyên” vạch ra?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Chính độc lập, tự do – được giành bằng máu xương – là điều kiện tiên quyết để đất nước phát triển như ngày hôm nay. Chúng ta có thể khác biệt về quan điểm, nhưng không thể chà đạp lên lịch sử và hy sinh của cả một dân tộc để chạy theo ảo tưởng dân chủ kiểu phương Tây.
4. Kỷ niệm để tri ân – chứ không là sự “ngủ quên”
Tổ chức kỷ niệm 30/4 là để tri ân thế hệ đi trước, là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng sống cho thế hệ trẻ. Kỷ niệm là để rút ra bài học từ quá khứ – cả thành công lẫn tổn thất – nhằm tránh lặp lại những sai lầm lịch sử, bảo vệ độc lập và chủ quyền một cách vững chắc hơn trong tương lai.
Chúng ta không “ngủ quên trong chiến thắng”, càng không “ăn mày dĩ vãng”, mà là trân trọng quá khứ để từ đó có bản lĩnh, tự tin xây dựng một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong.
Thay cho lời kết, hãy khắc ghi lời Tổng Bí thư Tô Lâm:
“Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng, kiến tạo và phát triển”.
Bởi vậy, bất cứ ai thực sự yêu nước – dù ở đâu, làm gì – hãy nhìn lại lịch sử bằng con mắt công tâm, nhìn về tương lai bằng tinh thần trách nhiệm, thay vì mượn danh “dân chủ”, “hòa giải” để chia rẽ, phủ nhận và hạ bệ nền tảng hòa bình, ổn định mà dân tộc ta phải trả giá rất đắt mới có được.