Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
12748

Nhìn từ những thách thức của chính mình để giải quyết vấn đề nhân quyền quốc tế

Để đáp trả các cáo buộc về nhân quyền cũng như hạn chế chính trị hóa vấn đề này, Indonesia cương quyết không hoặc hạn chế tiếp nhận các đoàn giám sát nhân quyền, chủ yếu lấy lí do phù hợp về chủ quyền quốc gia, qua đó giảm đáng kể các phản ứng trái chiều. Indonesia thường từ chối tiếp cận với các đoàn giám sát nhân quyền vì những mục đích nhạy cảm như đánh giá các quyền của người thiểu số, quyền tự do ngôn luận hoặc quyền không bị tra tấn. Ngoài ra, Indonesia không nằm trong số 126 quốc gia hứa hẹn một “lời mời thường trực”, có nghĩa là cam kết chấp nhận tất cả các phái đoàn đặc biệt về nhân quyền trong tương lai.

Lần thứ 5 Indonesia đảm nhiệm cương vị Ủy viên Hội đồng Nhân quyền

Indonesia đã trải qua 5 nhiệm kỳ Ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (LHQ) với lần mới nhất là nhiệm kỳ 2020-2022. Indonesia đã chứng tỏ vai trò, tạo điểm sáng thông qua sự chủ động, trách nhiệm trong giải quyết nhiều vấn đề nhân quyền phức tạp. Điều này góp phần bảo vệ lợi ích, nâng cao vị thế quốc tế, tích lũy kinh nghiệm với chính Indonesia. Bài học kinh nghiệm từ Indonesia chắc chắn sẽ hữu ích với các nước Ủy viên hậu nhiệm khác, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay.

Ngày 17/10/2019, Indonesia một lần nữa đã vượt qua nhiều ứng viên để tái cử vị trí Ủy viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2020-2022 (Ủy viên) với 174 phiếu ủng hộ. Là thành viên từ rất sớm, đây là lần thứ 5 Indonesia đảm nhiệm cương vị Ủy viên này dù Hội đồng mới thành lập năm 2006

Indonesia, cường quốc khu vực Đông Nam Á, là quốc gia Hồi giáo lớn nhất trên thế giới, có lịch sử hình thành và phát triển khá phức tạp với đa dạng dân tộc. Đến nay, Indonesia với nền kinh tế tương đối lớn, là thành viên nhóm G20 cũng như thành viên sáng lập ASEAN, danh xưng “cường quốc quốc phòng” ở khu vực… cũng đã tạo lập được chỗ đứng riêng trong quan hệ quốc tế. Vị thế đó đem lại cho Indonesia tiếng nói quan trọng cho các nước đang phát triển, các nước Hồi giáo trước Hội đồng nhân quyền LHQ.

Trong nhiệm kỳ Ủy viên 2020-2022, bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển sâu sắc, đặc biệt là xu hướng lợi dụng vấn đề nhân quyền trong đối đầu giữa các nước lớn, đại dịch COVID-19 lây lan, tiếp diễn xung đột sắc tộc, tôn giáo trên thế giới, nhất là giữa thế giới Hồi giáo và nhiều nước phương Tây. Điều này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong các nhiệm kỳ Ủy viên Hội đồng nhân quyền của Indonesia.

Qua 5 nhiệm kỳ Ủy viên, Indonesia đã đúc rút nhiều kinh nghiệm, đáng chú ý.

Thứ nhất, Indonesia nắm chắc nhiệm vụ, quyền hạn cũng như, hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhất là trách nhiệm tăng cường thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới. Indonesia luôn chú ý vào 3 dịp quan trọng là các phiên họp định kỳ của Hội đồng Nhân quyền vào tháng 3, 6 và 9 hằng năm. Indonesia cũng luôn khẳng định tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, hợp tác đầy đủ với Hội đồng Nhân quyền và đệ trình thủ tục đánh giá định kỳ toàn cầu tại Hội đồng trong nhiệm kỳ của mình. Ngoài những cam kết, Indonesia xác định rõ điều cần làm cũng như dự báo sát các vấn đề lớn nảy sinh trong quá trình đảm nhiệm. Trên cơ sở nhất quán chính sách trong nước về nhân quyền, Indonesia đã dành sự quan tâm vào những điểm nóng nhân quyền trên thế giới như vấn đề tị nạn, xung đột Palestine – Israel, xung đột giữa một bộ phận người Hồi giáo với phương Tây…

Thứ hai, Indonesia thể hiện sự năng động, xông xáo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Ủy viên Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua gánh vác trách nhiệm hoặc chủ động đề ra các sáng kiến. Nước này tỏ ra quan tâm đặc biệt tới quyền phát triển của con người và mong muốn kết hợp quyền này với các chương trình, nghị định thư của thế giới. Trong tuyên bố tại Đối thoại Tương tác với Báo cáo viên Đặc biệt về Quyền Phát triển tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 36 của Hội đồng Nhân quyền, Indonesia bày tỏ ủng hộ Chương trình nghị sự 2030, Chương trình hành động Addis Ababa, Khung Sendai 2015-2030 và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu… tạo động lực mới cho việc thực hiện quyền phát triển.

Bản lĩnh của cường quốc Hồi giáo Indonesia cũng được thể hiện trong vấn đề Palestine – Israel, khi nhiều lần đứng ra bảo vệ nhân quyền tại vùng đất xung đột đẫm máu tại Trung Đông này. Trong tuyên bố ngày 19/3/2019, Indonesia đã cương quyết đề nghị Hội đồng Nhân quyền tiếp tục thảo luận về thực trạng nhân quyền ở Palestine trong Chương trình nghị sự 7 về tình hình nhân quyền ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, dù một số nước phương Tây nỗ lực gạt bỏ điều này.

Thứ ba, Indonesia “biết cách” tạo điểm nhấn trong mỗi kỳ đảm nhiệm Ủy viên, tạo dấu ấn và tăng cường vị thế quốc tế bằng cách mạnh mẽ can dự vào những vấn đề nhân quyền quốc tế. Trong đó, Indonesia ưu tiên tham gia vào xây dựng các văn bản, chương trình nghị sự. Dựa trên vị thế, thế mạnh của nước mình để phát huy vai trò trong xây dựng chương trình nghị sự của Hội đồng Nhân quyền, có thể kể đến Chiến lược toàn cầu chống tra tấn CTI giai đoạn 2020-2021. Đồng thời, trên cương vị Ủy viên, Indonesia đã làm nổi bật bản sắc quốc gia Hồi giáo, khi can dự sâu vào các vấn đề điểm nóng nhân quyền trên thế giới, Israel – Palestine, chống xu hướng phân biệt, bài Hồi giáo của các nước phương Tây; xử lý hài hòa xung quanh vụ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu liên quan tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed (của tuần báo Charlie Hebdo) khiến khiến thế giới Hồi giáo nổi giận. Ngoài ra, Phái đoàn thường trực của Indonesia tại Hội đồng Nhân quyền thường xuyên truyền tải thông điệp (thư, lời nhắn gửi) của lãnh đạo đất nước đến toàn thể thành viên, khiến uy tín lãnh đạo, vị thế quốc gia cũng nổi bật hơn.

Nhìn từ những thách thức của Indonesia

Trong lĩnh vực nhân quyền, khác biệt nhận thức là rào cản lớn để các bên tham gia có thể xử lí hiệu quả các vấn đề. Mặc dù quốc tế có một kho đồ sộ các quy định, văn bản pháp lý trong lĩnh vực này, song trong văn hóa của mỗi quốc gia, con người lại có góc nhìn khác nhau. Hơn nữa, trong thời gian dài, ảnh hưởng từ chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa hiện thực từ phương Tây, vấn đề “nhân quyền” thường bị chính trị hóa, làm con bài mặc cả và can thiệp nội bộ. Kết thúc thời kỳ Hậu Chiến tranh Lạnh, trật tự thế giới xáo trộn với sự trỗi dậy của Trung Quốc song hành cùng đối đầu nước lớn gia tăng căng thẳng, con bài nhân quyền càng bị lạm dụng nhiều hơn để nước lớn đấu đá lẫn nhau. Gần đây, trong chưa đầy 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Joe Biden, Mỹ, Anh, châu Âu, Canada đã căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề lao động khổ sai trong lĩnh vực sản xuất bông – sợi cotton tại Tân Cương, dẫn tới các chỉ trích qua lại và trừng phạt lẫn nhau.

Indonesia thường xuyên gặp rắc rối với “vấn đề chính trị hóa nhân quyền”, thậm chí có thể coi đây là thách thức lớn nhất trong các nhiệm kỳ Ủy viên đã qua. Các nước phương Tây thường xuyên lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào tình hình nhiều khu vực ly khai khỏi Indonesia, nhất là vùng đất West Papua. Tiểu ban Phòng, chống Phân biệt Đối xử và Bảo vệ Người thiểu số cũng thúc ép nước này trong xử lý những nhân vật bị cáo buộc nhân quyền ở Timor Leste. Phương Tây cũng khá gay gắt trong vấn đề bình đẳng giới và các quy định nghiêm khắc của đạo Hồi tại Indonesia…

Indonesia là quốc gia phản ứng mạnh mẽ nhất chính trị hóa nhân quyền. Trong nhiều công hàm, phát biểu trước diễn đàn cũng như các cuộc trao đổi trực tiếp, Indonesia luôn khẳng định thúc đẩy nhân quyền nhưng không được phép chính trị hóa vấn đề này. Cựu Phó Tổng thống Jusuf Kalla từng phát biểu, Indonesia cực lực phản đối các hành vi vi phạm nhân quyền, nhưng không tìm cách can dự vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia khác. Thực tế để đáp trả các cáo buộc về nhân quyền cũng như hạn chế chính trị hóa vấn đề này, Indonesia cương quyết không hoặc hạn chế tiếp nhận các đoàn giám sát nhân quyền, chủ yếu lấy lí do phù hợp về chủ quyền quốc gia để giảm đáng kể các phản ứng trái chiều. Danh mục hạn chế tiếp nhận” thường nhằm vào các đoàn đánh giá tình hình nhân quyền của người thiểu số, tự do ngôn luận hoặc quyền không bị tra tấn. Ngoài ra, Indonesia không nằm trong số 126 quốc gia hứa hẹn một “lời mời thường trực”, có nghĩa là cam kết chấp nhận tất cả các phái đoàn đặc biệt về nhân quyền trong tương lai.

Thách thức thứ hai đối với các nhiệm kỳ Ủy viên của Indonesia đó là sự nhất quán giữa chính sách trong nước với chính sách đối ngoại, xử lý các cam kết quốc tế chồng chéo. Thách thức không nhỏ với Indonesia khi phải can dự vào những vấn đề nhân quyền mà đi ngược lại chính những cam kết của mình. Có thể kể đến những đề xuất của Hội đồng Nhân quyền hoặc các áp lực đòi Indonesia can dự vào vấn đề nhân quyền của Myanmar, chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte tại Philippines trong khi điều này sẽ đi ngược lại nguyên tắc không can thiệp nội bộ của ASEAN… Ngoài ra, phương Tây và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) mà Indonesia là thành viên, thường xuyên thúc ép Indonesia lên tiếng về vấn đề người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc (nhất là khuyến nghị Hội đồng bổ nhiệm một đặc phái viên về Tân Cương liên quan đến những người Duy Ngô Nhĩ), trong khi quan hệ kinh tế, chính trị giữa Indonesia – Trung Quốc ngày càng sâu sắc.

Năm 2019, Indonesia đã vượt qua nhiều ứng viên để trúng cử Ủy viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Việc Indonesia nhiều lần được bầu lại làm thành viên tổ chức này cho thấy cộng đồng quốc tế tin tưởng vào những nỗ lực của Indonesia trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong nước và thế giới. Indonesia cơ bản đã thể hiện tốt vai trò Ủy viên thời gian qua và đặt kỳ vọng kết quả nhiệm kỳ này sẽ nâng cao vị thế quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, tích lũy thêm kinh nghiệm… trong giải quyết các nhân quyền trong nước trước sức ép của nước ngoài. Nhìn vào bản chất, vị thế quốc gia như thế nào sẽ quy định tiếng nói của quốc gia đó trong giải quyết vấn đề nhân quyền của quốc tế. Nói cách khác, sức mạnh quốc gia Indonesia là cội rễ để nước này nâng cao tiếng nói trên cương vị Ủy viên ra thế giới và sẽ ảnh hưởng quan trọng đến sự thành công của nhiệm kỳ.

Thời gian tới, tình hình nhân quyền trong chính trị quốc tế sẽ tiếp tục nóng lên và vai trò của Hội đồng Nhân quyền sẽ tiếp tục nổi bật hơn. Các vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, Duy Ngô Nhĩ, Palestine – Israel… là những lá bài nhân quyền quan trọng, sẽ được các nước lớn sử dụng để gây áp lực và thực hiện ý đồ riêng. Trong những vấn đề đó, không phải nước nào cũng có thể tham gia mà không nhận bất kỳ áp lực nào trở lại.

Cùng với những bài học thành công đạt được trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền 2014-2016 và nhìn từ kinh nghiệm, thách thức của Indonesia, Việt Nam có thể có được những bài học quý báu để chuẩn bị cho việc ứng cử nhiệm kỳ 2023-2025 tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Đây cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục thể hiện sự chủ động, tích cực, trách nhiệm cũng như năng lực đóng góp, tham gia vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền nhằm mục tiêu chung là bảo đảm, thúc đẩy quyền con người. Ta cũng cần tìm tòi các khía cạnh trong vấn đề nhân quyền để đưa ra được những sáng kiến mới thiết thực, khả thi. Ngoài các điểm nóng về nhân quyền như dự báo trên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam cần cùng các nước phấn đấu cho một thế giới công bằng trong tiếp cận vaccine để mọi người bình đẳng trong quyền được sống, bảo đảm sức khỏe. Một nhiệm kỳ thành công rất cần sự đánh giá công tâm của cộng đồng quốc tế. Do đó, công tác thông tin đối ngoại để các nước, các tổ chức và người dân thế giới hiểu hơn về vai trò, nỗ lực và đóng góp của Việt Nam trên cương vị Ủy viên Hội đồng nhân quyền là rất quan trọng và cần đẩy mạnh trong thời gian tới.■

NGUYỄN TẤT ĐẠT*

* Thông tấn xã Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *