Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
47220

HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP BỊ ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế – xã hội, cùng với các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân, bảo đảm thực hiện tốt sự bao phủ của các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội hiện hành tới tất các các đối tượng, người dân trong xã hội để duy trì sự ổn định trong đời sống kinh tế – xã hội.

Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; tăng cường các hoạt động hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, góp phần tạo việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động, nhất là các đối tượng yếu thế; hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển GDNN và nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động; tổ chức đào tạo trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, qua đó góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất.

Chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, đến đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.  Nhìn chung, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp song an sinh xã hội vẫn được bảo đảm, đời sống nhân dân vẫn được giữ ổn định.

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm xuất hiện và gia tăng các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần được trợ giúp mà hệ thống ASXH hiện hành chưa bao phủ tới. Trong hoàn cảnh đó, nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đã được ban hành, trong đó có các chính sách ASXH chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch như: Nghị quyết số 68, Nghị  quyết số 116 và Nghị quyết số 126. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống ASXH ứng phó kịp thời và hiệu quả hơn trong đại dịch. Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa to lớn của các tổ chức, cá nhân, cùng hàng triệu “túi an sinh” để hỗ trợ người dân trong dịch bệnh. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ đã dành nguồn kinh phí không nhỏ để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; các chính sách hỗ trợ thực sự thiết thực, kịp thời, ý nghĩa và tạo được niềm tin sâu rộng trong Nhân dân.

Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 68); Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sau đây gọi tắt là Quyết định 23); Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ ngày 24/9/2021 của Chính phủ về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 116), Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP (sau đây gọi tắt là Quyết định 28).

Năm 2021, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 74.102 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ 741.930 lượt người sử dụng lao động; trên 43,77 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH của 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là 35.987 tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng (gồm 378.330 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 30,9 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác). Trong tổng kinh phí hỗ trợ, có 15,1% từ các chính sách bảo hiểm; 78,5% từ các chính sách bằng tiền và 6,4% từ các chính sách cho vay. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 8,95 triệu lượt đối tượng với số tiền 12.523 tỷ đồng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (4.413 tỷ đồng), Đồng Nai (3.084 tỷ đồng), Hà Nội (2.276 tỷ đồng), Bà Rịa – Vũng Tàu (1.842 tỷ đồng), Cần Thơ (998 tỷ đồng), Long An (863 tỷ đồng), Bắc Giang (858 tỷ đồng), Tây Ninh (534 tỷ đồng), Khánh Hòa (507 tỷ đồng).

Bảo hiểm xã hội Việt Nam về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng[1].

Cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã rà soát và gửi Danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đến 364.875 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 12.165.786 lao động thuộc diện được hỗ trợ. Có 351.566 đơn vị đã gửi danh sách xác nhận hưởng hỗ trợ cho 12.105.125 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Số người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ là 1.636.875 người. Có 29.970 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ. Đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.868.602 lao động (gồm 11.778.559 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 1.090.043 người đã dừng tham gia) với số tiền hỗ trợ 30.519,9 tỷ đồng, việc chi trả đa số thực hiện qua tài khoản cá nhân.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 48 tỉnh, thành phố hỗ trợ gần 15,37 tỷ đồng cho 3.496 trẻ em, gồm 2.968 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do COVID-19 (mức 05 triệu đồng/trẻ em – số tiền 14,84 tỷ đồng) và 528 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 (mức 01 triệu đồng/trẻ em – số tiền 528 triệu đồng). Năm 2021, trên cơ sở đề xuất nhu cầu hỗ trợ gạo cứu đói của 41 tỉnh, thành phố, Bộ LĐTBXH đã tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xuất cấp tổng cộng 158.136,660 tấn gạo để hỗ trợ cho 2.715.530 hộ dân với 10.542.444 nhân khẩu, trong đó xuất cấp 141.971,19 tấn gạo hỗ trợ cho 9.464.746 người (2.412.311 hộ) thiếu đói do đại dịch COVID-19.

[1] Số liệu tính đến hết ngày 20/12/2021 theo Công văn số 35/BHXH-CSXH ngày 06/01/2022 của BHXH Việt Nam. Hiện nay còn 456.547 người lao động có nhu cầu được hỗ trợ với tổng kinh phí 1.376,1 tỷ đồng nhưng chưa được giải quyết hỗ trợ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *