Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
15190

Hiến pháp 1946: “Mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân”

 

HP1946 mặc dù chưa đề cập đến khái niệm “Quyền con người”, nhưng về bản chất các quyền công dân được ghi nhận trong Chương II của HP1946 trải rộng trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa

75 năm kể từ mùa thu năm 1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Khởi đầu cho sự kiến tạo chế độ mới phải nói đến cuộc tổng tuyển cử tự do và dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Ngày 6/01/1946, chỉ bốn tháng sau ngày Cách mạng thành công, lần đầu tiên nhân dân Việt Nam được thực hiện quyền làm chủ – quyền chính trị quan trọng bậc nhất của mình, cầm lá phiếu tự tay bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam độc lập. Kể từ đây, trên giải đất hình chữ S, tư tưởng “bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” đang dần được hình thành và thực thi.

Mười một tháng sau ngày Tổng tuyển cử, ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp (HP 1946) đầu tiên của nước Việt Nam mới đã được ban hành. Văn bản luật gốc này thực sự đã trở thành công cụ đặc biệt quan trọng và có hiệu lực cao nhất để bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền cách mạng và thực hiện quyền lực nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các quyền tự do dân chủ của con người được đạo luật cơ bản ghi nhận và bảo đảm, cũng là lần đầu tiên người dân lao động Việt Nam được xác nhận với tư cách công dân của một nước độc lập có chủ quyền.

tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Hiến pháp 1946 gồm có Lời nói đầu, 7 chương và 70 điều. Trong đó, Chương I quy định về chính thể; Chương II quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân; Chương III quy định về nghị viện nhân dân; Chương IV quy định về Chính phủ; Chương V quy định về Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính; Chương VI quy định về cơ quan tư pháp; và Chương VII quy định về sửa đổi Hiến pháp.

Đặc điểm cơ bản của Hiến pháp năm 1946 được thể hiện trong 3 nguyên tắc cơ bản, đó là: đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền lợi dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. HP1946 mặc dù chưa đề cập đến khái niệm “Quyền con người”, nhưng về bản chất các quyền công dân được ghi nhận trong Chương II của HP1946 trải rộng trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa bao gồm cả các quyền cá nhân và quyền các nhóm, hoàn toàn trùng khớp với các quyền con người sau này được ghi nhận trong “Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người” năm 1948 của Liên Hợp quốc (LHQ) và hai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 của Đại hội đồng LHQ.

Việc ghi nhận các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và cơ chế đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó trong HP1946 có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn, tác động tích cực, mạnh mẽ đến toàn dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu cơ quan soạn thảo HP1946 đã nói: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do.

Một điểm đáng lưu ý là Hiến pháp này đã xây dựng hẳn một chương riêng về chế định công dân và lần đầu tiên quyền bình đẳng của phụ nữ được bảo hộ bằng pháp luật. Cụ thể, Hiến pháp nêu rõ “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”. Quyền lợi dân chủ của người dân được chú trọng đặc biệt trong Hiến pháp năm 1946. Các quyền cơ bản như Tự do ngôn luận, Tự do xuất bản, Tự do tổ chức và hội họp, Tự do tín ngưỡng, Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài … được đảm bảo trong điều 10.

Trong hoàn cảnh lịch sử đầy khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sự tồn vong của chính quyền nhân dân non trẻ; giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm cùng lúc đe dọa nền độc lập dân tộc mới giành được. Nhưng Quốc hội Việt Nam mới đã xây dựng được một bản Hiến pháp rất dân chủ và tiến bộ dựa trên ba nguyên tắc: đoàn kết toàn dân, đảm bảo các quyền tự do dân chủ và thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. HP1946 thể hiện rõ các nội dung về quyền và nghĩa vụ pháp lý cơ bản của công dân nhằm mục tiêu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập thực chất và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ. Bên cạnh việc ghi nhận các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, HP1946 còn xác lập những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực chống lại sự lạm quyền của các cơ quan Nhà nước, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Nói cách khác, quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam ra đời và phát triển gắn liền với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hiến pháp 1946 được thể hiện sự kết tinh của “mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân”. Tinh thần này không những còn nguyên giá trị cho hôm nay mà còn là nguyên tắc cao nhất cho các bản Hiến pháp được phát triển về sau.

“Mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân” là nền tảng của một chế độ dân chủ, một xã hội công bằng và văn minh – cái đích mà chúng ta đang hướng đến và ra sức phấn đấu để đạt tới. Có thể khẳng định, Hiến pháp 1946 đã hiện thực hóa tinh thần của Tuyên ngôn độc lập ngày mùng 2/9/1945 “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *