Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
29595

Giáo dục quyền con người cho thanh niên Kỳ 2: Nâng cao nhận thức, ý thức về quyền cho thanh niên

Giáo dục quyền con người cho thanh niên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đó là giúp thanh niên  hiểu được họ là những chủ thể của nhóm quyền đó và tạo ra sự chủ động, tích cực để tiếp cận quyền nhằm hướng tới sự hưởng thụ quyền một cách tốt nhất.

Giáo dục quyền con người hình thành nên đối tượng giáo dục tri thức về quyền con người, biết tự mình bảo vệ quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác

Giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức về quyền và chủ động tiếp cận, hưởng thụ quyền cho thanh niên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Trong hoạt động giáo dục này, mục đích truyền tải nội dung giáo dục quyền con người cho thanh niên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đó là giúp thanh niên  hiểu được họ là những chủ thể của nhóm quyền đó và tạo ra sự chủ động, tích cực để tiếp cận quyền nhằm hướng tới sự hưởng thụ quyền một cách tốt nhất. Có thể lấy ví dụ, liên quan đến quyền lựa chọn việc làm, khi thanh niên hiểu rõ được quyền của mình, thanh niên sẽ có những chủ động tham gia các chương trình hướng nghiệp và tìm kiếm được cơ hội nghề nghiệp phù hợp với sở trường, tính cách và năng lực của mình. Điều này sẽ khắc phục được sự thụ động, lúng túng chọn nghề đối với thanh niên hiện nay.

* Nội dung giáo dục quyền con người cho thanh niên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp

(i) Quyền học tập

Cơ sở ghi nhận: Điều 13 và Điều 14 CESCR năm 1966, Điều 39 Hiến pháp 2013, Điều 60 Luật Giáo dục nghề nghiệp

Tại Điều 13 và Điều 14 CESCR năm 1966, giáo dục dạy nghề từng bước được áp dụng giáo dục miễn phí (ghi nhận quyền) và quy định sự tự do lựa chọn trường của thanh niên thông qua sự tư vấn của các bậc cha mẹ và của những người giám hộ hợp pháp (nếu có). Nội dung này được khẳng định tại Điều 39 Hiến pháp 2013 với nội dung: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” và Điều 60 Luật Giáo dục nghề nghiệp  thanh niên khi thực hiện quyền học tập sẽ có  quyền “(i) Được tôn trọng và đối xử bình đẳng, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện (ii) Được tạo điều kiện trong học tập, tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao (iii) Được hưởng chính sách đối với người học thuộc đối tượng ưu tiên và chính sách xã hội”. Như vậy, quyền học tập của thanh niên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp gắn với sự tự do và tôn trọng, bình đẳng, từng bước miễn phí và hỗ trợ. Về chính sách miễn học phí, người học được miễn học phí nếu thuộc các đối tượng sau:

+ Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng là người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; người mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa;

+ Người tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) học tiếp lên trình độ trung cấp;

+ Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.

Về chính sách hỗ trợ, người học được hỗ trợ của nhà nước nếu thuộc các đối tượng sau:

Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 03 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định;

Học sinh tốt nghiệp trường THCS dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông (THPT) dân tộc nội trú, nội trú dân nuôi được tuyển thẳng vào học trường trung cấp, cao đẳng công lập;

Người học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người học là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc là người khuyết tật, có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được hưởng chính sách nội trú theo quy định.

Ý nghĩa của quyền học tập: Việc ghi nhận nguyên tắc tự do, tôn trọng, bình đẳng, hỗ trợ và từng bước miễn phí trong khi thực hiện quyền học tập giúp cho thế hệ trẻ có thể tiếp cận tối đa được cơ hội học tập, không có sự phân biệt giàu nghèo, nam nữ, dân tộc, tôn giáo.

(ii) Quyền lựa chọn việc làm, lựa chọn nghề nghiệp

Quyền lựa chọn việc làm, lựa chọn nghề nghiệp được hiểu là quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, tự do lựa chọn việc làm của thanh niên thông qua những tri thức, kinh nghiệm của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của thanh niên  hoặc từ các chương trình hướng nghiệp dựa trên sở thích nghề nghiệp, tiềm năng bẩm sinh, xu hướng xã hội. Trong đó, sở thích nghề được hiểu là một trong yếu tố hàng đầu quyết định sự lựa chọn của thanh niên. Nếu thích làm việc trong môi trường tự do, thích được thể hiện mình thì có thể chọn nghề nghiệp như kinh doanh, bảo hiểm, marketing…Mặt khác, nếu thích một môi trường ổn định, ít biến động có thể chọn nghề họ sẽ chọn các ngành như kế toán, giáo viên. Tiềm năng bẩm sinh là yếu tố quan trọng quyết định sự hướng nghiệp của thanh niên. Nếu lúc còn nhỏ đã được phát hiện ra có khả năng thì nó là cơ sở, tiền đề để khi lớn lên, thanh niên tìm được một nghề phù hợp với tiềm năng của mình được phát hiện từ nhỏ. Xu hướng xã hội là nghề nghiệp nào mang lại tài chính tốt cho thanh niên.

Cơ sở ghi nhận: Điều 6 ICESCR 1966; Điều 35 Hiến pháp 2013

Tại Điều 6 ICESCR 1966 quy định: Các quốc gia thành viên Công ước này thừa nhận quyền làm việc, trong đó bao gồm quyền của tất cả mọi người có cơ hội kiếm sống bằng công việc do họ tự do lựa chọn hoặc chấp nhận, các quốc gia phải thi hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm quyền này. ICESCR yêu cầu các quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp để thực hiện đầy đủ quyền này, bao gồm triển khai các chương trình đào tạo kỹ thuật và hướng nghiệp, các chính sách và biện pháp kỹ thuật nhằm đạt tới sự phát triển vững chắc về kinh tế, xã hội và văn hoá, tạo công ăn việc làm đầy đủ và hữu ích với điều kiện bảo đảm các quyền tự do cơ bản về chính trị và kinh tế của từng cá nhân.

Không chỉ quy định về quyền làm việc, ICESCR còn quy định về trách nhiệm của Chính phủ trong việc thúc đẩy những quyền tối thiểu và căn bản của con người về việc làm như: bảo đảm tiền lương thoả đáng, công bằng, không có sự phân biệt đối xử nào dựa vào giới tính; được đối xử bình đẳng, có cơ hội ngang nhau trong thăng tiến dựa trên thâm niên và năng lực làm việc; được bảo đảm an sinh xã hội, bao gồm cả bảo hiểm xã hội.

Nội hàm quyền này một lần nữa được khẳng định lại tại Điều 35 Hiến pháp 2013 với nội dung công dân (bao gồm cả thanh niên) có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc, được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Đồng thời, khi người sử dụng lao động ký hợp đồng với người lao động phải tuân thủ nguyên tắc: Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu”.

Ý nghĩa của quyền lựa chọn việc làm, lựa chọn nghề nghiệp:

Việc giáo dục nhóm quyền này đề cao tính chủ động, tự lập của thanh niên tự tích lũy thông tin liên quan đến lựa chọn việc làm, lựa chọn nghề nghiệp. Khi nhận thức được quyền, thanh niên sẽ chủ động hỏi ý kiến cha mẹ, người thân, tự ý thức tham gia vào các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, dễ tiếp nhận những ý kiến hướng nghiệp của bố mẹ (tạo ra sự đồng thuận, phản biện) thay vì cha mẹ chủ động tìm kiếm thông tin hướng nghiệp cho con, trong khi, con cái thụ động tiếp nhận thông tin.

(iii) Quyền được thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động

Cơ sở ghi nhận: Điều 13, Điều 14 Luật vệ sinh an toàn lao động 2015

Trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thanh niên cần được tiếp nhận một số quyền liên quan đến nghề sau khi tốt nghiệp các trường nghề, đó là quyền được thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động; được hướng dẫn quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ này. Đối với những sản phẩm, hàng hóa, công cụ lao động mà người lao động sử dụng có nguồn gốc từ nhà sản xuất,  nhà sản xuất phải có nghĩa vụ cung cấp những thông tin liên quan đến các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động.

Ý nghĩa của quyền: Giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền, từ đó, người lao động chủ động có ý thức tự bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho bản thân; người sử dụng lao động, nhà sản xuất nâng cao trách nhiệm trong công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, nơi làm việc, hình thành nên đạo đức nghề nghiệp của các Doanh nghiệp.

(iv) Quyền được bảo hộ lao động trước những yếu tố nguy hiểm, độc hại

Cơ sở ghi nhận: Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19 Luật Vệ sinh an toàn lao động 2015

Trong quá trình tham gia sản xuất, thanh niên có quyền được bảo hộ lao động trước những yếu tố nguy hiểm độc hại. Cụ thể, người sử dụng lao động có trách nhiệm ban hàn nội quy bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, nơi làm việc đảm bảo độ thoáng, không có khí độc, ẩm, ồn, các yếu tố nguy hiểm; bảo đảm máy móc hoạt động đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, thanh niên khi tham gia lao động được quyền khám sức khỏe ít nhất 06 thang 01 lần đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi, trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ thuộc về người sử dụng lao động

Ý nghĩa về quyền: Việc bảo vệ nhóm quyền này có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo đảm quyền sống, quyền chăm sóc sức khỏe của người lao động. Đây được coi là thước đo của một nền dân chủ thực chất, và cũng là thước đo đánh giá sự tôn trọng và bảo vệ quyền của người lao động có được bảo đảm trên thực tế hay không và thể hiện văn hóa nhân quyền tốt đẹp khi quan tâm đến nhóm người yếu thế trong xã hội.

* Quyền được hưởng các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ

         Cơ sở ghi nhận: Mục 3, Luật vệ sinh, an toàn lao động 2015

Điều này có nghĩa là thanh niên sau khi tốt nghiệp các ngành nghề có quyền được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ (chế độ chi trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ; chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe…)

       Ý nghĩa của quyền: Việc thực hiện quyền này là cơ sở để thúc đẩy và bảo vệ sự “tự do, bình đẳng” cho con người. Bình đẳng là cơ sở duy trì công bằng, tiến bộ xã hội. Công bằng quyền lợi, công bằng cơ hội chính là nội dung chủ yếu của công bằng xã hội, xây dựng môi trường xã hội công bằng, để bảo đảm người dân được tham dự bình đẳng, phát triển bình đẳng và có những quyền lợi bình đẳng. Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là “cào bằng” mà đối tượng nào có vị thế thấp hơn thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn nhằm mục đích thúc đẩy sự hưởng thụ một cách công bằng giữa các cá nhân dù là người đó có thuộc nhóm người dễ bị tổn thương hay không. Do đó, việc giáo dục quyền của người lao động trong an toàn, vệ sinh lao động nói chung và quyền được hưởng các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ nói riêng không chỉ thúc đẩy sự bình đẳng về cơ hội hưởng thụ cho người bị tai nạn lao động mà còn khơi dậy tính nhân văn, nhân đạo của con người Việt Nam đối với nhóm người kém may mắn trong cuộc sống.

* Quyền được trợ cấp, bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Cơ sở ghi nhận: Điều 38 Luật vệ sinh, an toàn lao động 2015

Trong trường hợp không may xảy ra TNLĐ, BNN, người lao động sẽ được nhận bồi thường nếu không phải đo lỗi của chính người này gây ra. Về các khoản trợ cấp, người lao động được nhận các khoản trợ cấp 1 lần hoặc trợ cấp hàng tháng. Về khoản trợ cấp một lần, Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần; Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Ý nghĩa của quyền: Đảm bảo sự công bằng về mức độ hưởng thụ cho người lao động.

Ths Nguyễn Phương Nhung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *