Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
11086

Giá trị của Tiến Linh

Sự vắng mặt của tiền đạo chủ lực Nguyễn Tiến Linh đặt HLV Park Hang-seo vào một bài toán không dễ giải quyết, ít nhất là trong chuyến làm khách của Australia ở vòng loại World Cup 2022.

Giá trị của Tiến Linh

AFF Cup 2020 là giải đấu kém ấn tượng của tiền đạo CLB Bình Dương, một phần bởi anh không đạt thể trạng tốt nhất. Tuy nhiên, đóng góp của Tiến Linh trong chiến dịch vòng loại World Cup là không thể phủ nhận. Đá chính cả sáu trận tại vòng loại thứ ba, Tiến Linh ghi hai trong số bốn bàn của Việt Nam. Cộng với hai bàn trong ba trận tại vòng loại thứ hai hồi tháng 6, Tiến Linh đã đóng góp một phần ba trong tổng số bàn của đội tuyển tại vòng loại World Cup trong năm 2021.

Vị trí các pha dứt điểm của Tiến Linh tại vòng loại World Cup 2022. Ảnh: Thành Vũ

Sự hiện diện của tiền đạo sinh năm 1997 trong cấm địa đối phương vẫn là một giá trị riêng biệt so với mặt bằng chung của các cầu thủ Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh đội tuyển không thực sự tạo ra nhiều pha dứt điểm trong vùng 16m50 của đối phương, Tiến Linh là một điểm chạm đáng tin cậy ở khu vực này.

Một sở trường khác của Tiến Linh cũng tỏ ra phù hợp với thế trận phòng ngự – phản công, đó là tăng tốc ra sau lưng hàng hậu vệ. Tiền đạo 25 tuổi mạnh trong các tình huống sử dụng tốc độ đoạn ngắn để tạo lợi thế, có thói quen và xu hướng di chuyển chiều sâu, với kĩ thuật xử lý bóng tốt. Ngoài việc trở thành điểm nhận trong những đường chuyền đến cấm địa, những pha di chuyển không bóng thoát bẫy việt vị và dứt điểm gọn gàng cũng là một kịch bản quen thuộc khác trong các bàn thắng của Tiến Linh.

Tăng tốc ra sau lưng hàng thủ đối phương và chớp thời cơ là những điểm mạnh của Tiến Linh.
Một ví dụ trong ý đồ di chuyển không bóng của Tiến Linh ở các tình huống phản công. Ảnh: Thành Vũ

Tầm vóc của Tiến Linh cũng được sử dụng trong định hướng chơi bóng của HLV Park ở phạm vi ngoài cấm địa. Điển hình như trận lượt về bán kết AFF Cup 2020, trong thế trận cần bàn thắng, những tình huống không chiến của Tiến Linh giúp Việt Nam đưa bóng sang phần sân Thái Lan một cách nhanh nhất và trực diện nhất có thể.

Đó cũng thường xuyên là cách Việt Nam triển khai bóng trước các đối thủ tại vòng loại thứ ba. Dù tỉ lệ tranh chấp thành công trong các pha bóng bổng trước những hậu vệ cao lớn là không nhiều, nếu vẫn duy trì phong cách triển khai bóng tương tự, việc không có Tiến Linh trên sân gần như sẽ khiến mọi đường chuyền dài bị hoá giải. Không phải mẫu tiền đạo mục tiêu, và cũng còn những tồn tại trong khả năng chơi quay lưng với vòng cấm đối phương, nhưng giá trị của Tiến Linh trong lối chơi của Việt Nam hiện tại vẫn rất quan trọng.

Tìm phương án thay thế cho một trung phong có tầm vóc, khả năng lướt đi với tốc độ và sức mạnh như tiền đạo sinh năm 1997 sẽ là thử thách cho HLV Park.

Đặt niềm tin vào Công Phượng

Không phải mẫu tiền đạo có tầm vóc và di chuyển không bóng tốt như Tiến Linh, nhưng Công Phượng có khả năng tạo ra một phương án tấn công khác.

Trong thế trận phòng ngự – phản công, anh có thói quen di chuyển, nhận bóng và xử lý tương đối đặc biệt. Nếu như các pha phản công với Tiến Linh thường được thực hiện bằng đường chuyền ra sau lưng hàng hậu vệ đối phương từ Quang Hải hay Hoàng Đức, thì Công Phượng có xu hướng nhận bóng, giữ trong chân và hướng lên phía trước bằng khả năng đi bóng.

Phong cách chơi của Công Phượng trong thế trận phòng ngự – phản công dựa vào các pha dẫn bóng hướng về phía trước. Ảnh: Thành Vũ

Mỗi phong cách chơi của từng người lại mang đến những điều chỉnh nhất định trong những tính toán chiến thuật của HLV Park. Nếu sự có mặt trên sân của Tiến Linh tạo nên những đường bóng đột biến từ tuyến dưới cho các pha di chuyển của anh, thì Công Phượng sẽ mang đến khả năng kiểm soát bóng có phần chắc chắn hơn, và giúp Việt Nam có đông nhân sự hơn trong phản công bởi khả năng giữ bóng.

Công Phượng sẽ giúp Việt Nam kiểm soát bóng và liên kết tốt hơn trên phần sân đối phương. Ảnh: Thành Vũ

Cộng với chấn thương của tiền đạo dự bị Hà Đức Chinh, ban huấn luyện của Việt Nam sẽ trung thành với những phương án nhân sự an toàn, hay đặt niềm tin vào những nhân tố mới trong đợt tập trung lần này?

Phương án an toàn có lẽ là sử dụng sơ đồ 3-4-3 với hai tiền vệ tấn công quen thuộc là Quang Hải và Văn Đức chơi cùng Công Phượng trên hàng công, với sự hỗ trợ ở tuyến dưới của cặp tiền vệ trung tâm Hoàng Đức và Hùng Dũng.

Mặt khác, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng sơ đồ 3-5-2 với một cặp tiền đạo để tạo nên nhiều áp lực hơn ở từng tình huống phản công, và khả năng hỗ trợ tốt của bộ ba tiền vệ Hoàng Đức, Hùng Dũng, Quang Hải. Những gì Việt Nam thể hiện trước Thái Lan tại lượt về bán kết AFF Cup 2020, đặc biệt trong hiệp thứ nhất, xứng đáng để khiến HLV Park đặt niềm tin vào sơ đồ hai tiền đạo. Những cầu thủ trung phong có sức mạnh càn lướt, khả năng tranh chấp và di chuyển liên tục. Phạm Tuấn Hải, Ngân Văn Đại hoàn toàn là những cầu thủ có thể làm tốt ở vai trò này.

Sơ đồ 3-5-2 với định hướng tấn công theo chiều sâu với các tiền đạo tranh chấp tốt từng phát huy hiệu quả trước Thái Lan.

Những nhân tố mới

Là một cái tên quen thuộc trong các đợt tập trung ở nửa sau năm 2021 tại Việt Nam, nhưng Tuấn Hải chưa thực sự có nhiều cơ hội được ra sân. Tân binh của CLB Hà Nội là tiền đạo “có khả năng chọn điểm rơi, sức mạnh tốc độ và đặc biệt là rất nhiệt huyết”, theo những nhận xét của HLV Phạm Minh Đức – người đã nhiều năm huấn luyện trực tiếp cầu thủ sinh năm 1997.

Không chỉ dừng lại ở vị trí tiền đạo, dưới sự dẫn dắt của HLV Minh Đức, Tuấn Hải trở thành một cầu thủ tương đối đa năng, khi có thể chơi lùi, hoạt động rộng theo trục dọc, và lao lên phía trước với sức mạnh tốc độ. “Kĩ năng tấn công và thể lực dồi dào cho phép Hải có thể thực hiện các pha bật tường, lao vào khe của hàng thủ đối phương hoặc chạy cắt mặt và thực hiện dứt điểm cận thành nhờ khả năng chọn vị trí tốt”, HLV Phạm Minh Đức nói.

Đó hoàn toàn có thể là một phong cách chơi bóng phù hợp với sơ đồ 3-5-2, trong định hướng sử dụng nhiều các đường chuyền theo chiều sâu của HLV Park. Thực tế, những gì Tuấn Hải có thể làm được, đã thể hiện phần nào trong những trận đấu của anh ở Hà Tĩnh hai mùa gần đây.

Tuấn Hải mạnh trong các tình huống lao lên phía trước với tốc độ và sức mạnh.

Một trường hợp đáng chú ý khác được triệu tập lần này là Ngân Văn Đại. Tân binh của Quảng Nam chưa từng chơi trong vai trò tiền đạo giữa khi khoác áo Hà Nội, nhưng phong cách chơi bóng đơn giản, hiệu quả của anh có thể phát huy với mọi hệ thống tấn công, nếu có những yêu cầu chiến thuật cụ thể. Văn Đại cũng từng là thành viên Việt Nam dự ASIAN Cup 2019, thời điểm HLV Park vẫn trung thành với sơ đồ 3-4-3.

Tiền đạo sinh năm 1992 có khả năng tranh chấp, càn lướt và rất nhạy bén trong các tình huống xâm nhập vòng cấm từ hai hành lang cánh. Sở trường của Văn Đại là các tình huống di chuyển không bóng, tăng tốc ở đoạn ngắn và dứt điểm.

Dù khác ở khu vực hoạt động, phần nào có thể xem phong cách thi đấu của Văn Đại có những điểm tương đồng với Tiến Linh, đặc biệt nếu đặt vào thế trận phòng ngự – phản công.

Văn Đại nhạy bén ở các khoảng trống trong vòng cấm địa, với khả năng xâm nhập tốt.

Không thể có được sự phục vụ của hai tiền đạo ưng ý là Tiến Linh và Đức Chinh, HLV Park đang có những phương án thay thế giá trị khác là Tuấn Hải cùng Văn Đại. Những người không thua kém quá nhiều về chất lượng trong lối chơi, và chắc chắn luôn khát khao thể hiện mình trong màu áo ĐTQG.

Liệu sẽ là một phương án quen thuộc với những cầu thủ quen thuộc, hay sẽ có cơ hội cho những gương mặt mới trên hàng công từ những quyết định chiến thuật của ban huấn luyện Việt Nam?

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *