Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
47535

Đại sứ Saadi Salama-nhà ngoại giao 3 lần dự Đại hội Đảng toàn quốc Kỳ 2: Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai

18 năm ăn Tết ở Việt Nam nhưng năm 2021 vẫn là năm đặc biệt với Đại sứ Palestine Saadi Salama khi ông đón tuổi 60 của mình vào đúng ngày khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam (26-1). Với Đại sứ Saadi Salama, Việt Nam không chỉ là quê hương thứ hai mà còn là nơi mang lại cho ông nhiều nguồn cảm hứng và ấn tượng khó phai.

Hiểu văn hoá Việt như một người bạn

Giờ đây, những sự khác biệt ban đầu đã trở thành những thói quen thân thuộc và với tình yêu mãnh liệt, Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của Đại sứ Palestine. Ông tâm sự, mỗi tuần phải ăn phở ít nhất một lần và hầu như không bao giờ quên sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày với vợ con, bạn bè, đồng nghiệp… Thậm chí, Đại sứ Palestine còn sử dụng tiếng Việt thuần thục như một người Việt Nam.

Ông sử dụng tiếng Việt thành thục như người Việt Nam

Dịp Tết cổ truyền năm 2018, trong lần tham gia một chương trình về Tết của Đài VTC quay trên Hồ Tây, Đại sứ Saadi Salama đã mang lại sự ngạc nhiên lớn đối với khán giả Việt Nam khi trò chuyện với một cụ già 86 tuổi về những phong tục cổ truyền Tết âm lịch của Việt Nam như việc thả cá chép trước 12h ngày 23 tháng Chạp hay chuyện xông đất đầu năm… Cái gì ông cũng tìm hiểu cặn kẽ, chi tiết đến mức “sành sỏi”. Có nhà nghiên cứu văn hoá Việt còn trêu đùa rằng, Đại sứ Palestine chính là một mẫu người về “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

Đại sứ Saadi Salama và những người bạn Việt Nam đi dạo ở hồ Hoàn Kiếm.

Khi được hỏi về bí quyết nói thành thạo tiếng Việt, ông cười và nói rằng, không cần quá nhiều nỗ lực học mà phải đọc tiếng Việt mỗi ngày. Với ông, nói tiếng Việt giống như một bản năng tự nhiên và nguyên tắc cơ bản với người nước ngoài học tiếng Việt là cần nắm vững cách phát âm, cách viết chính tả. Đại sứ Palestine nói: “Tôi đã cố gắng sử dụng tiếng Việt thường xuyên, tìm hiểu ngôn ngữ này qua việc đọc nhiều sách tiếng Việt. Chính tình yêu Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến quyết định học thành công tiếng Việt của tôi”.

Tôi yêu lịch sử và nền văn hoá đa dạng của Việt Nam

Thêm vào đó, việc có một nửa kia của cuộc đời là người Việt Nam cũng giúp Đại sứ Saadi Salama có lợi thế hơn trong việc học tiếng Việt. Ông nói: “Tôi yêu các Tết xưa của Việt Nam, cách mọi người chào hỏi và quan tâm lẫn nhau. Tôi yêu cả lịch sử và nền văn hoá đa dạng của Việt Nam. Người Việt Nam thật kiên cường, dũng cảm, dám đấu tranh và hy sinh để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Phụ nữ Việt Nam thì thật là duyên dáng, tình cảm. Tôi thấy, phụ nữ luôn tạo cảm hứng mạnh để người Việt Nam tin tưởng vào tương lai. Họ không chỉ là người vợ, người mẹ, mà từng là những chiến sĩ cầm súng bảo vệ đất nước, đóng góp tích cực vào việc giải phóng dân tộc. Họ cũng là hậu phương trong cả thời chiến và thời bình. Nhìn về những giá trị văn hóa của người Việt Nam thì phụ nữ là nhân tố quan trọng để duy trì những giá trị tốt đẹp của người Việt. Phụ nữ Việt Nam là quà tặng tuyệt vời cho đất nước Việt Nam”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *