Cho đến thời điểm hiện tại, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 800 ngàn người trên khắp thế giới, đẩy nền kinh tế lâm vào suy thoái và ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận dân cư tại các nước. “Cơn sóng thần COVID-19” càn quét khắp các châu lục cũng làm lộ rõ bản chất mâu thuẫn của nền chính trị thế giới. Chính phủ các nước phản ứng theo những cách khác nhau đối với cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm nảy sinh những mâu thuẫn và tranh cãi giữa các quốc gia về nguồn gốc cũng như cách phản ứng đối với đại dịch.Trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, hàng loạt quốc gia đang nỗ lực ngày đêm, chạy đua với thời gian để tìm ra phương thức ngăn ngừa và điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
Quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine của các nước cũng đang được thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, cố gắng vượt lên trước. Điều này trên thực tế đã tạo ra sự ngăn cách, tranh giành và không thừa nhận lẫn nhau. Vì thế mà ngay sau khi Nga công bố vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, dư luận từ Mỹ và một số nước châu Âu đã tỏ ra hoài nghi về sự ra đời và hiệu quả của loại vaccine này. Cuộc đua phát triển vaccine COVID-19 cũng làm dấy lên nỗi lo về “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, nơi các nước đối đầu nhau, đặt lợi ích riêng lên hàng đầu, thay vì hợp tác chống đại dịch chung.
Đại dịch COVID-19 đang thử thách sự đoàn kết trong nội bộ xã hội, khả năng ứng phó với khủng hoảng của các chính phủ cũng như sự hợp tác quốc tế nhằm cùng nhau vượt qua khó khăn. Tuy vậy, bên cạnh những bức tranh tối màu vẫn có những điểm sáng hợp tác toàn cầu như chiến dịch ngoại giao khẩu trang giúp đỡ các nước gặp khó khăn do dịch bệnh, các cam kết hỗ trợ các quốc gia kém phát triển bị thiệt hại về kinh tế do COVID-19 hay một kế hoạch thống nhất nhằm khôi phục nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch. Bất chấp nguy cơ chủ nghĩa vaccine dân tộc, nhiều sáng kiến mới ra đời nhằm giúp các nước nghèo có khả năng tiếp cận vaccine công bằng hay hỗ trợ hệ thống y tế của các quốc gia kém phát triển trước tác động của đại dịch. Nổi bật là Sáng kiến Chia sẻ Vaccine Covax do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh cải tiến sẵn sàng phó đại dịch (CEPI) và Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI) đồng bảo trợ. Covax đề ra mục tiêu cho ra lò 2 tỉ liều vaccine vào cuối năm 2021, chủ yếu cung cấp cho khoảng 20% dân số nằm trong diện dễ bị tổn thương bởi COVID-19. Cho đến nay, Sáng kiến đã thu hút sự quan tâm của 80 quốc gia phát triển, trong đó có nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, tài trợ cho chương trình và hơn 90 quốc gia đang phát triển tham gia với hi vọng có thể nhận được sự hỗ trợ, cho thấy sự chung tay của toàn cầu đối phó với đại dịch.
Với diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, khi mà nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã kiểm soát thành công đại dịch, nay lại phải đối phó với làn sóng lây nhiễm mới, đang chứng minh một thực tế “không ai an toàn cho tới khi tất cả đều an toàn”. Việc xóa bỏ đại dịch nghĩa là phải xóa bỏ nó trên phạm vi toàn cầu. Điều này buộc tất cả các nước và khu vực đang gồng mình đối phó suốt 8 tháng qua phải đồng lòng, đoàn kết, kể cả trong tiếp cận vaccine, mới có thể giúp thế giới chiến thắng kẻ thù chung. Đây là một cuộc chiến của trách nhiệm hợp tác và sẻ chia.■
Mỹ Hạnh