Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
17318

UPR và những con số biết nói

Tính từ khi cơ chế UPR được triển khai 2008 đến năm 2018, trong tổng số 64.164 khuyến nghị được nêu với tất cả các nước[i], các khuyến nghị trực tiếp liên quan đến công tác pháp luật về quyền con người chiếm tỷ lệ cao nhất, với 19.102 khuyến nghị (chiếm gần 1/3 tổng số khuyến nghị).[ii] Trong số đó, các nước đã chấp thuận 11.444 khuyến nghị (khoảng 60%) và ghi nhận 7658 khuyến nghị (40%). 

UPR đã góp phần củng cố hệ thống quốc tế về quyền con người

Cơ chế UPR không trực tiếp đặt ra nghĩa vụ pháp lý với các quốc gia song đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các quốc gia đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện và phổ biến pháp luật, chính sách về quyền con người, đồng thời quan tâm và tham gia, thực hiện nghiêm túc các điều ước quốc tế về quyền con người.

Tính từ khi cơ chế UPR được triển khai 2008 đến năm 2018, trong tổng số 64.164 khuyến nghị được nêu với tất cả các nước[i], các khuyến nghị trực tiếp liên quan đến công tác pháp luật về quyền con người chiếm tỷ lệ cao nhất, với 19.102 khuyến nghị (chiếm gần 1/3 tổng số khuyến nghị).[ii] Trong số đó, các nước đã chấp thuận 11.444 khuyến nghị (khoảng 60%) và ghi nhận 7658 khuyến nghị (40%). Thống kê một cách chi tiết hơn, có thể thấy, 3523/4469 khuyến nghị được chấp thuận liên quan đến các đề xuất nỗ lực chung về pháp luật về quyền con người; ví dụ: “tăng cường tham gia của người dân vào xây dựng pháp luật”; “triển khai các biện pháp để triển khai hiệu quả các văn bản pháp luật liên quan đến bình đẳng giới”; “thúc đẩy cải tổ tư pháp hình sự, trong đó có tư pháp với người vị thành niên”… Bên cạnh đó, 6502/13048 khuyến nghị được chấp thuận liên quan đến các hành động cụ thể mới liên quan đến pháp luật về quyền con người như gia nhập thêm các Công ước về quyền con người; thực hiện các kết luận, bình luận cụ thể của các Uỷ ban Công ước hoặc các cơ chế về quyền con người; sửa đổi, ban hành mới các văn bản pháp luật cụ thể.

Song song với các biện pháp mới, các nước cũng chấp thuận 1308/1466 khuyến nghị về tiếp tục thực hiện các công tác pháp luật về quyền con người; chấp thuận 111/119 khuyến nghị về triển khai hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật trong công tác pháp lý như chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, tham gia đối thoại và hợp tác với các cơ chế quốc tế liên quan đến luật nhân đạo và luật nhân quyền quốc tế trong và ngoài hệ thống Liên hợp quốc… Do đây là các công việc các quốc gia đã và đang tiến hành nên nhìn chung được các quốc gia chấp thuận với tỷ lệ cao.

Xét về mức độ thực hiện các khuyến nghị đã được chấp thuận, tuy không có một cách đánh giá chính xác, song theo khảo sát của giới học giả, ước tính tối thiểu trong 10 năm qua kể từ khi có cơ chế UPR, các nước đã triển khai khoảng gần 6.000 biện pháp trong công tác pháp luật về quyền con người, dựa trên những khuyến nghị UPR đã chấp thuận; trung bình mỗi nước đã thực hiện khoảng 30 biện pháp. Thống kê sơ bộ, từ khi có cơ chế UPR, đã có 337 lượt nước ký và/hoặc phê chuẩn, tham gia 9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người; trong đó cao nhất là Công ước về quyền của người khuyết tật với 173 lượt[iii]. Tính trung bình, từ khi có UPR, mỗi nước tham gia thêm 1,5 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Việc tham gia thêm các điều ước quốc tế cũng có nghĩa là các nước phải ban hành mới hoặc sửa đổi chính sách, pháp luật trong nước liên quan và tiến hành công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo về pháp luật để việc thực hiện được nghiêm túc, hiệu quả, bảo vệ và thúc đẩy tốt hơn các quyền cho người dân.

Ngoài 19.102 khuyến nghị trực tiếp về công tác pháp luật liên quan đến quyền con người, rất nhiều khuyến nghị UPR trong các lĩnh vực quyền con người khác trên thực tế chỉ có thể được thực hiện đồng bộ với việc xây dựng, sửa đổi và triển khai pháp luật trong nước.Ví dụ, trong chu kỳ II, năm 2012, Phần Lan chấp thuận khuyến nghị của Indonesia là “tiếp tục nỗ lực xoá bỏ phân biệt đối xử và ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”. Khuyến nghị này không nằm trong số 19.102 khuyến nghị về công tác pháp luật nêu trên. Tuy nhiên, trong báo cáo giữa kỳ tự nguyện năm 2014, Phần Lan cho biết để thực hiện khuyến nghị nêu trên, Luật Bình đẳng sẽ được cải cách, và “sau khi cải cách, Luật Bình đẳng giới cũng cấm việc phân biệt đối xử với những người chuyển giới và liên giới tính”. Sau đó, các văn bản pháp luật về bình đẳng và chống phân biệt đối xử của Phần Lan đã có hiệu lực từ năm 2015.

Những con số nói trên giúp hình dung phần nào mối liên hệ rõ ràng giữa UPR và công tác pháp luật về quyền con người. UPR có thể không phải là nguyên nhân dẫn đến những nỗ lực của các quốc gia trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, song rõ ràng UPR có ý nghĩa bổ trợ quan trọng, nhất là khi những nỗ lực quốc gia được cộng đồng quốc tế thúc đẩy, đánh giá và theo dõi thông qua UPR. Đánh giá chung về tác động của UPR đối với bảo vệ và thúc đẩy quyền con người nói chung, công tác pháp luật về quyền con người nói riêng, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Khoá 72, Ngài Miroslav Lajčák, cho rằng “thành công quan trọng nhất của UPR là mang lại tác động thực sự cho đời sống nhân dân trên toàn thế giới” và nhấn mạnh “UPR đã góp phần củng cố hệ thống quốc tế về quyền con người cũng như tăng cường thể chế, pháp luật và chính sách về quyền con người ở các quốc gia”.[iv]

 [i] Cơ sở dữ liệu của Ban thư ký UPR và của Tổ chức phi chính phủ UPR-Info

[ii] Các khuyến nghị được tính là liên quan đến công tác pháp luật là các khuyến nghị có liên quan đến 4 mảng nội dung: tư pháp, luật nhân đạo quốc tế, luật nhân quyền và các Uỷ ban Công ước.

[iii]Theo Chương IV, Cơ sở dữ liệu về Điều ước của Ban Thư ký Liên hợp quốc, cập nhật ngày 17/4/2019 https://treaties.un.org/Pages/Treaties.aspx?id=4&subid=A&clang=_en. Nếu tính cả các Nghị định thư tuỳ chọn cho 9 Công ước này, số lượt ký và/hoặc phê chuẩn trong giai đoạn này là 732 lượt.

[iv] Phát biểu tại Phiên họp Cấp cao về “Lồng ghép quyền con người trong hoạt động của Liên hợp quốc” ngày 26/2/2018, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Khoá họp Thường kỳ lần thứ 37 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tháng 2-3/2018 tại Geneva, Thuỵ Sĩ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *