Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
31308

Chuẩn mực quốc tế về vấn đề hạn chế quyền và tự do cơ bản của cá nhân

Theo pháp luật quốc tế về quyền con người (QCN), thực hiện QCN là nghĩa vụ quan trọng của mỗi quốc gia, nghĩa vụ này phải được thực hiện liên tục và lâu dài. Khi các quốc gia tham gia các điều ước quốc tế, thì phải thực hiện các nghĩa vụ theo pháp luật quốc tế để tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các QCN. Công ước Viên và Chương trình hành động 1993 đã nêu rõ: “Tất cả các QCN đều mang tính phổ biến, không thể chia cắt, phụ thuộc và liên quan đến nhau. Cộng đồng quốc tế phải đối xử với các QCN trên phạm vi toàn cầu một cách công bằng, với cùng một nền tảng và coi trọng như nhau.”

Hạn chế quyền được áp dụng tại nhiêu nước trong đại dịch Covid – 19

1. Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người năm 1948 và hai Công ước quốc tế về quyền con người năm 1966 (Công ước về quyền dân sự và chính trị – ICCPR; Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa – ICESCR), cùng các Nghị định thư bổ sung tạo thành Bộ luật quốc tế về quyền con người – là nền tảng của hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người hiện nay. Ngay từ khi ra đời vấn đề quyền con người và trách nhiệm xã hội của cá nhân con người đã được bàn luận và quy định trong bản Tuyên ngôn. Theo đó, không phải tất cả các quyền, các nguyên tắc của quyền con người đều được quy định, áp dụng và thực hiện giống nhau.

Xét về nguồn gốc, quyền con người là cho tất cả mọi người vì đó là “tạo hóa ban cho”, và do đó Điều 2 của bản Tuyên ngôn năm 1948 đã quy định nguyên tắc bất di bất dịch là “không phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội…[1]” vì đơn giản họ là con người. Cùng với việc xác lập về các quyền, Tuyên ngôn cũng quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân con người, theo đó:

1) Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển tự do và đầy đủ.

2) Trong khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.[2]”.

Từ nguyên tắc quyền và nghĩa vụ trách nhiệm nêu trong bản Tuyên ngôn, hai Công ước năm 1966 đã phát triển và cụ thể hóa bằng các quy định cụ thể theo hướng xác định những quyền nào phải được thực hiện ngay, gọi đó là các quyền tuyệt đối – absolute rights[3]; quyền cần được thực hiện dần dần, từng bước (Progressive implementation – quyền tương đối)[4] và các quyền có thể bị hạn chế (human rights limitations- hạn chế quyền).

2. Vấn đề hạn chế quyền và tự do cơ bản của cá nhân con người là một vấn đề lớn, được cụ thể hóa chi tiết trong nhiều điều khoản của cả hai công ước năm 1966. Theo đó nguyên tắc hạn chế quyền được quy định trong cả hai Công ước như sau:

Điều 4, ICECSR quy định nguyên tắc các quốc gia thành viên có thể đặt ra những giới hạn trong việc thực hiện quyền con người, với các điều kiện: Những hạn chế đó phải được quy định trong luật; không được trái với bản chất của các quyền có liên quan và vì lý do duy nhất nhằm thúc đẩy lợi ích chung trong một xã hội dân chủ[5]. Bên cạnh đó, ICCPR quy định cụ thể các quyền con người có thể bị hạn chế và các lý do cho việc có thể áp đặt các hạn chế bao gồm: An ninh quốc gia; Trật tự công cộng; Đạo đức và sức khỏe cộng đồng; Quyền và tự do của người khác.

Trên cơ sở các nguyên tắc chung như trên, cả hai Công ước quy định các quyền cụ thể bị hạn chế bao gồm: Quyền thành lập và gia nhập công đoàn (Điểm a,c Khoản 1, Điều 8 ICESCR[6]; Quyền tự do đi lại và cư trú (Khoản 3, Điều 12 ICCPR)[7];  Quyền được xét xử công bằng và công khai (khoản 1, Điều 14 ICCPR)[8]; Quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng (Khoản 3, Điều 18 ICCPR)[9]; Quyền tự do ngôn luận (Khoản 2, Điều 19 ICCPR)[10]; Quyền hội họp hòa bình (Điều  21 ICCPR)[11]; Quyền tự do lập hội (Điều 22, ICCPR)[12].

Song song với việc quy định cụ thể các quyền có thể bị hạn chế, Điều 4 ICCPR cũng quy định vấn đề thoái lui nghĩa vụ của quốc gia trong việc thực hiện quyền/hay nói theo một cách khác đó là vấn đề tạm đình chỉ thực hiện quyền (derogating from their obligations[13]).

Nhằm làm rõ thêm các căn cứ của việc hạn chế quyền (limitation/restriction) và thoái lui nghĩa vụ (derogation) các quyền dân sự và chính trị, tránh việc lạm quyền ở các quốc gia thành viên, năm 1984 một Hội nghị quốc tế đã được tổ chức tại thành phố Siracusa, (Ý)[14] và đã thông qua các nguyên tắc về hạn chế và tạm đình chỉ thực hiện quyền con người – gọi là Các nguyên tắc Siracusa. Các nguyên tắc này đã được Hội đồng kinh tế, xã hội (ECOSOC) của Liên hợp quốc chấp thuận và đưa vào phụ lục của Nghị quyết – UN Doc E/ CN.4/1985/4 (1985).

Các nguyên tắc Siracusa đã giải thích là làm rõ thêm các quy định về hạn chế và tạm đình chỉ thực hiện các quyền con người trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị như sau:

   Thứ nhất, nguyên tắc các quyền con người có thể bị hạn chế phải “theo quy định của luật – prescribed by law”. Theo đó, không có bất kỳ hạn chế nào về việc thực hiện các quyền con người được đưa ra, trừ khi được luật của quốc gia quy định và áp dụng chung phù hợp với Công ước và có hiệu lực tại thời điểm hạn chế được áp dụng; đồng thời các luật áp đặt các hạn chế về việc thực hiện quyền con người không được tuỳ tiện hoặc bất hợp lý; phải được quy định rõ ràng, dễ tiếp cận với mọi người; phải có các biện pháp bảo vệ đầy đủ và bồi thường hiệu quả được luật pháp quốc gia quy định nhằm chống lại việc áp đặt hoặc hạn chế bất hợp pháp hoặc lạm dụng các hạn chế quyền con người.

   Thứ hai, nguyên tắc hạn chế quyền con người vì lý do duy nhất là thúc đẩy lợi ích chung “trong một xã hội dân chủ – in a democratic society

Cụm từ “trong một xã hội dân chủ” phải được hiểu là có thể áp đặt thêm hạn chế trong các điều khoản cụ thể khi đáp ứng được là vì lợi ích chung của cộng đồng. Do vậy, nghĩa vụ thuộc về nhà nước khi áp đặt những hạn chế vì lợi ích chung, nhưng phải chứng minh được rằng những hạn chế đó sẽ không được làm phương hại đến hoạt động dân chủ của xã hội. Trong khi chưa có mô hình duy nhất của một xã hội dân chủ, thì một xã hội công nhận và tôn trọng các quyền con người được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn toàn Thế giới về quyền con người có thể được xem như là đáp ứng định nghĩa trong một xã hội dân chủ.

  Thứ ba, nguyên tắc hạn chế quyền con người là cần thiết vì “trật tự công cộng – public order (ordre public)”

Cụm từ “trật tự công cộng” (hay “trật tự công”) được sử dụng trong Công ước có thể được định nghĩa là tổng thể các quy tắc đảm bảo chức năng hoạt động của xã hội hoặc bộ các nguyên tắc cơ bản mà xã hội được lập ra phải dựa vào các nguyên tắc đó. Tôn trọng quyền con người là một phần của trật tự công cộng. Trật tự công cộng phải được hiểu trong bối cảnh vì mục đích của các quyền con người cụ thể mà được giới hạn/hạn chế dựa trên căn cứ này. Cơ quan nhà nước hoặc các thiết chế có trách nhiệm duy trì trật tự công cộng phải chịu sự kiểm soát trong việc thực hiện quyền lực của mình thông qua quốc hội, tòa án, hoặc cơ quan có thẩm quyền độc lập khác.

   Thứ tư, nguyên tắc hạn chế quyền con người là cần thiết vì “sức khỏe của cộng đồng – public health”

Sức khỏe của cộng đồng có thể được viện dẫn làm căn cứ cho việc hạn chế một số quyền cụ thể của cá nhân để cho phép một nhà nước có biện pháp đối phó với một mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân hoặc các thành viên của cộng đồng dân cư. Những biện pháp này có thể được áp dụng vì mục đích cụ thể nhắm đến việc ngăn ngừa bệnh tật hoặc chấn thương hoặc nhằm cung cấp sự chăm sóc cho các bệnh nhân và người bị thương. Khi áp dụng các biện pháp này, phải tuân thủ các quy định về sức khỏe quốc tế của của Tổ chức Y tế Thế giới.

Thứ năm, nguyên tắc hạn chế quyền con người là cần thiết vì lý do “đạo đức xã hội/công cộng – public morals (ordre public)

Vì đạo đức xã hội/công cộng được hiểu khác nhau theo thời gian và khác nhau giữa các nền văn hóa, nên một quốc gia có thể viện dẫn lý do đạo đức xã hội làm cơ sở cho việc hạn chế quyền con người, trong khi cho phép sử dụng một biên độ nhất định, quốc gia sẽ phải chứng minh được chắc chắn rằng các hạn chế được áp đặt là cần thiết để duy trì sự tôn trọng các giá trị cơ bản của cộng đồng.

Biên độ hạn chế quyền sẽ tùy thuộc vào mỗi quốc gia, nhưng không được áp dụng để vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử như được định nghĩa trong Công ước.

Thứ sáu, nguyên tắc hạn chế quyền con người là cần thiết vì lý do “an ninh quốc gia – national security”

An ninh quốc gia có thể được viện dẫn như là các biện pháp để biện minh cho việc hạn chế các quyền cụ thể chỉ khi chúng được áp dụng nhằm bảo vệ sự tồn tại của quốc gia hay toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị chống lại việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực. Tuy nhiên, an ninh quốc gia không thể được viện dẫn như là những lý do để áp đặt những hạn chế nhằm ngăn chặn những mối đe dọa đến luật pháp và trật tự xã hội trong phạm vi địa phương hoặc khu vực tương đối hạn hẹp.

An ninh quốc gia cũng không thể được sử dụng như là một lý do để áp đặt những hạn chế có tính chất mơ hồ hay vô cớ và chỉ có thể được viện dẫn khi có đủ các biện pháp bảo vệ và có biện pháp khắc phục, bồi thường có hiệu quả chống sự lạm dụng quyền lực.

Các hành vi vi phạm có hệ thống các quyền con người chính là làm tổn hại thực sự tới an ninh quốc gia và có thể gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh quốc tế. Một quốc gia phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm đó sẽ không được viện dẫn lý do an ninh quốc gia như là một sự biện hộ cho các biện pháp nhằm trấn áp sự phản đối đối với các vi phạm như vậy hoặc duy trì các hành vi đàn áp chống lại dân chúng.

Thứ bảy, nguyên tắc hạn chế quyền con người vì lý do “an toàn công cộng – public safety”

An toàn công cộng có nghĩa là bảo vệ chống lại nguy hiểm đe dọa cho sự an toàn của con người, tính mạng hoặc tính toàn vẹn về thể chất hoặc thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của họ.

Vì sự cần thiết phải bảo vệ an toàn công cộng nên có thể biện minh cho những hạn chế do luật quy định; nhưng không thể được sử dụng nhằm để áp đặt các hạn chế có tính chất mơ hồ hoặc tùy tiện và chỉ có thể được viện dẫn khi có các biện pháp bảo vệ đầy đủ và các biện pháp hiệu quả chống lại lạm dụng.

Thứ tám, nguyên tắc hạn chế quyền con người vì lý do bảo vệ “quyền và tự do của người khác – rights and freedoms of others hoặc “quyền và danh tiếng của người khác – rights or reputations of others”

Phạm vi các quyền và tự do của những người khác có thể làm căn cứ để quy định một sự hạn chế các quyền trong Công ước, cũng có thể mở rộng thêm các quyền và tự do khác được Công ước thừa nhận. Nếu có sự xung đột tồn tại giữa một quyền được bảo vệ trong Công ước và một quyền chưa được Công ước quy định, cần có sự thừa nhận và cân nhắc dựa trên thực tế là Công ước luôn luôn bảo vệ các quyền và tự do cơ bản nhất. Trong bối cảnh này, sự quan tâm đặc biệt nên được dành cho các quyền không bị giới hạn trong Công ước.

Một sự hạn chế đối với quyền con người dựa trên danh tiếng của người khác sẽ không được sử dụng để bảo vệ nhà nước hay các quan chức của họ khỏi dư luận hoặc chỉ trích của công chúng.

Thứ chín, nguyên tắc hạn chế quyền con người trong “phiên tòa công khai – restrictions on public trial” 

Về nguyên tắc để đạt được mục đích công bằng trong xét xử, thì yêu cầu tất cả các phiên tòa phải được xét xử công khai. Tuy nhiên căn cứ theo quy định của luật pháp quốc gia, Tòa án có thể không cho phép báo chí hoặc công chúng được tham dự một phần hoặc toàn bộ phiên tòa dựa trên những phát hiện cụ thể được công bố công khai tại phiên tòa rằng vì lợi ích của cuộc sống riêng của các bên hoặc gia đình của họ hoặc của người chưa thành niên đòi hỏi hoặc việc loại trừ/không được tham dự là cần thiết nhằm tránh việc công khai sẽ làm phương hại đến sự công bằng của phiên tòa hoặc gây huy hiểm đến đạo đức xã hội, trật tự công cộng hoặc an ninh quốc gia trong một xã hội dân chủ.

Thứ mười, vấn đề tạm đình chỉ thực hiện quyền hay thoái lui nghĩa vụ quốc gia trong thực hiện quyền con người khi áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia – derogations in a public emergency

“Tình trạng khẩn cấp đe dọa đến đời sống quốc gia”, một quốc gia thành viên chỉ có thể thực hiện các biện pháp thoái lui thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị theo Điều 4 khi phải đối mặt với tình huống nguy hiểm đặc biệt và sắp xảy ra, đe dọa đến tính mạng của quốc gia. Một mối đe dọa cho cuộc sống của quốc gia được giải thích đó là (a) mối đe dọa đó có ảnh hưởng đến toàn bộ dân số và toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ của quốc gia, và (b) đe dọa sự toàn vẹn về thể chất của dân số, sự độc lập chính trị hoặc sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia hoặc sự tồn tại hoặc hoạt động cơ bản của các thiết chế không thể thiếu để đảm bảo và thực thi các quyền được công nhận trong Công ước.

Đối với các xung đột có tính chất nội bộ và tình trạng bất ổn không tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng và sắp xảy ra đối với cuộc sống của quốc gia thì không thể thoái lui nghĩa vụ theo Điều 4 của Công ước và cả những khó khăn kinh tế ở mỗi quốc gia cũng sẽ không thể biện minh cho các biện thoái lui nghĩa vụ quốc gia.

– Việc công bố, thông báo và chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia

Khi quốc gia thoái lui nghĩa vụ của mình theo Công ước thì phải đưa ra tuyên bố chính thức về sự tồn tại của tình trạng khẩn cấp công cộng đe dọa đến cuộc sống của quốc gia. Thủ tục công bố tình trạng khẩn cấp theo luật quốc gia phải được quy định trước khi tình trạng khẩn cấp xảy ra; phải thông báo ngay cho các quốc gia thành viên thông qua Tổng thư ký Liên hợp quốc về các điều khoản thoái lui nghĩa vụ thực hiện và lý do.

Nội dung của thông báo phải bao gồm: Các điều khoản của Công ước mà quốc gia tạm thời thoái lui nghĩa vụ thực hiện; một bản sao tuyên bố về trình trạng khẩn cấp kèm theo các quy định của hiến pháp, pháp luật hoặc các nghị định điều chỉnh tình trạng khẩn cấp để hỗ trợ các quốc gia thành viên đánh giá phạm vi mức độ thoái lui nghĩa vụ; ngày có hiệu lực của việc áp dụng tình trạng khẩn cấp và khoảng thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp; một lời giải thích về những lý do dẫn đến quyết định thoái lui của chính phủ, bao gồm một mô tả ngắn gọn về các tình huống thực tế dẫn đến việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp; và một sự miêu tả ngắn gọn về những tác động không mong đợi của các biện pháp thoái lui nghĩa vụ đối với các quyền trong Công ước, bao gồm cả bản sao về các quy định thoái lui thực hiện các quyền đã được ban hành trước khi ra thông báo; và các quốc gia thành viên cũng có thể yêu cầu thêm thông tin cần thiết để cho phép họ thực hiện vai trò của mình theo Công ước thông qua trung gian là Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Một quốc gia thành viên không thông báo ngay lập tức hình thức thoái lui của mình là vi phạm nghĩa vụ của mình đối với các quốc gia thành viên khác và có thể bị tước quyền bảo vệ nếu không có trong các thủ tục theo Công ước.

Một quốc gia thành viên sử dụng quyền thoái lui nghĩa vụ đúng theo Điều 4 phải chấm dứt thoái lui nghĩa vụ của mình trong thời gian cần thiết ngắn nhất sau khi không còn tình trạng khẩn cấp đe dọa đến sinh mệnh quốc gia. Khi chấm dứt quyền thoái lui nghĩa vụ phải thông báo kịp thời cho các quốc gia thành viên thông qua trung gian là Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Khi đã chấm dứt quyền thoái lui nghĩa vụ theo Điều 4, tất cả các quyền và tự do được bảo vệ bởi Công ước phải được khôi phục đầy đủ. Cần có một đánh giá về những hậu quả tiếp diễn bởi các biện pháp thoái lui nghĩa vụ cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Cần thực hiện các biện pháp để sửa chữa những bất công và bồi thường cho những người đã phải chịu đựng sự bất công trong quá trình hoặc là hệ quả của các biện pháp thoái lui nghĩa vụ.

– Các quyền không thể bị tạm đình chỉ/thoái lui nghĩa vụ thực hiện

Không quốc gia thành viên nào, ngay cả trong tình trạng khẩn cấp đe dọa sinh mệnh quốc gia, được phép tạm đình chỉ thực hiện đối với quyền sống, không bị tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, và không bị thực nghiệm y học mà không có sự đồng ý; không bị bắt làm nô lệ hay nô dịch không có sự tự nguyện; quyền không thể bị giam giữ vì không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng; quyền không bị hồi tố; quyền được công nhận là thể nhân trước pháp luật, và tự do lương tâm, tư tưởng và tôn giáo. Những quyền này không thể bị thoái lui nghĩa vụ thực hiện trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả vì mục đích bảo tồn sinh mệnh quốc gia.

[1] Viện nghiên cứu quyền con người (2009), Một số văn kiện của Liên hợp quốc về quyền con người trong quản lý tư pháp, Nhà xuất bản công an nhân dân, trang 14

[2] Viện nghiên cứu quyền con người (2009), Một số văn kiện của Liên hợp quốc về quyền con người trong quản lý tư pháp, Nhà xuất bản công an nhân dân, trang 14

[3] Các quyền cần thực hiện ngay: là các quyền đòi hỏi nhà nư­ớc phải bảo đảm thực hiện ngay lập tức, vì đó là ranh giới, là “ngư­ỡng” của sự có hay không có quyền con ng­ười. Ví dụ bảo đảm quyền không bị tra tấn, nhục hình, quyền được xét xử công bằng, không bi phân biệt đối xử; quyền tự do tư tưởng, quyền không bị bắt làm nô lệ; quyền không bị xét xử hai lần…Lý do chính là, thực hiện các quyền này không quá lệ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế, xã hội; nước nào cũng có thể thực hiện được.

[4] Các quyền đòi hỏi thực hiện dần dần. Là các quyền đòi hỏi Nhà nước từng bước một có chính sách cụ thể để nâng cao đời sống, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Ví dụ bảo đảm quyền về nhà ở, quyền bảo hiểm thất nghiệp, quyền chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, việc làm. Thực hiện dần dần vì nó phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia.

[5] Viện nghiên cứu quyền con người (2009), “Một số văn kiện của Liên hợp quốc về quyền con người trong quản lý tư pháp”, Nhà xuất bản công an nhân dân, trang 22. Để biết rõ hơn về nguyên tắc hạn chế các quyền kinh tế xã hội và văn hóa, xem thêm THE LIMBURG PRINCIPLES ON THE IMPLEMENTATION OF THE INTERNATIONALCOVENANT ON ECONOMIC, SOCIAL AND CULTURAL RIGHTS [UN doc. E/CN.4/1987/17

 

[6] Điều 8, ICESCR

  1. Các quốc gia thành viên Công ước cam kết bảo đảm:
  2. a) Quyền của mọi người được thành lập và gia nhập công đoàn do mình lựa chọn, theo quy chế của tổ chức đó, để thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích kinh tế và xã hội của mình. Việc thực hiện quyền này chỉ bị những hạn chế quy định trong luật và là cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích của an ninh quốc gia và trật tự công cộng, hoặc vì mục đích bảo vệ các quyền và tự do của những người khác;
  3. c) Quyền của các công đoàn được hoạt động tự do, không bị bất kỳ sự hạn chế nào ngoài những hạn chế do pháp luật luật quy định và là cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia và trật tự công cộng, hoặc nhằm mục đích bảo vệ các quyền và tự do của người khác;

[7] Điều 12. ICCPR

  1. Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó.
  2. Mọi người đều có quyền tự do rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình.

3.Những quyền trên đây sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận.

[8] Điều 14.

  1. Mọi người đều bình đẳng trước các toà án và cơ quan tài phán. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự, hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự. Báo chí và công chúng có thể không được phép tham dự toàn bộ hoặc một phần của phiên toà vì lý do đạo đức, trật tự công cộng hoặc an ninh quốc gia trong một xã hội dân chủ, hoặc vì lợi ích cuộc sống riêng tư của các bên tham gia tố tụng, hoặc trong chừng mực cần thiết, theo ý kiến của toà án, trong những hoàn cảnh đặc biệt mà việc xét xử công khai có thể làm phương hại đến lợi ích của công lý. Tuy nhiên mọi phán quyết trong vụ án hình sự hoặc vụ kiện dân sự phải được tuyên công khai, trừ trường hợp vì lợi ích của người chưa thành niên hay vụ việc liên quan đến những tranh chấp hôn nhân hoặc quyền giám hộ trẻ em.

[9] Điều 18.

  1. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.

[10]Điều 19.

  1. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
  2. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
  3. a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
  4. b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.

[11] Điều 21. Quyền hội họp hoà bình phải được công nhận. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội hoặc bảo vệ quyền và tự do của những người khác.

[12] Điều 22.

  1. Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình.
  2. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác. Điều này không ngăn cản việc đặt ra những hạn chế hợp pháp trong việc thực hiện quyền này đối với những người làm việc trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát.

[13]Điều 4:

  1. Trong thời gian có tình trạng khẩn cấp xảy ra đe doạ sự sống còn của quốc gia và đã được chính thức công bố, các quốc gia thành viên có thể áp dụng những biện pháp tạm đình chỉnh thực hiện các quyền nêu ra trong Công ước này, trong chừng mực do nhu cầu khẩn cấp của tình hình, với điều kiện những biện pháp này không trái với những nghĩa vụ khác của quốc gia đó xuất phát từ luật pháp quốc tế và không chứa đựng bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội.
  2. Điều này không được áp dụng để tạm đình chỉ thực hiện các quyền được quy định trong điều 6, 7, 8 (các khoản 1 và 2), 11, 15, 16 và 18.
  3. Bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước này khi sử dụng quyền được tạm đình chỉ thực hiện nghĩa vụ quốc gia nêu trong điều này đều phải thông báo ngay cho các quốc gia thành viên khác, thông qua trung gian là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, về những quy định mà quốc gia đó đã tạm đình chỉ và lý do của việc tạm đình chỉ đó. Việc thông báo tiếp theo sẽ được thực hiện, cũng thông qua trung gian trên, vào thời điểm quốc gia chấm dứt việc áp dụng sự hạn chế đó.

[14] Hội nghị quốc tế được tổ chức tại thành phố Siracusa (đảo Sicily, Ý) từ ngày 30/4 đến 4/5/1984. Hội nghị này được chủ trì bởi một số tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền con người, với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu và hoạt động bảo vệ quyền con người.

                                                                                                             PGS.TS Tường Duy Kiên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *