Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
26474

Câu chuyện”nghề tay ngang” của người chiến sỹ công an vì nhân dân phục vụ

“Đối với những gia đình có người bị tổn thương về não, khi được người dân thông tin qua mạng xã hội của Công an huyện, chúng tôi cũng phối hợp với các cán bộ phụ trách về thương binh xã hội của các xã và công an xã đến tận nhà động viên, hỗ trợ rồi sắp xếp, bố trí cho những người này lên điểm cấp CCCD. Khi lên đến nơi, ngoài việc phải có người bảo trợ để lấy thông tin, khâu khó nhất chính là chụp ảnh, lấy dấu vân tay. Lúc này chúng tôi như những bác sĩ tâm lý, phải nhẹ nhàng động viên họ rồi hướng dẫn người thân trong gia đình đưa vào vị trí ngồi cho chuẩn… Những trường hợp bất thường gây khó dễ hoặc nổi khùng, chúng tôi còn phải tổ chức như diễn kịch, đóng phim, mỗi cán bộ Công an phải tham gia hoạt động hài hoà cùng nhau, tạo trò để khuôn mặt họ tươi hơn, nhìn thẳng vào ống kính máy ảnh để nhận diện được khuôn mặt…”, Đội trưởng đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, huyện Đăk Đoa kể.

Sân khấu hoá thời gian chờ đợi

Câu chuyện của ông Rcom Tin (SN1962) cũng là niềm vui của rất nhiều bà con đồng bào thiểu số khác đang sinh sống ở Gia Lai. Chạy ra đón chúng tôi từ cổng, ông Rcom Tin vừa cười vừa nói, hai vợ chồng may mắn quá khi làm thủ tục cấp CCCD có một loáng là xong. Cũng theo ông Rcom Tin, việc đơn giản hoá thủ tục cấp CCCD và chia ca, người trực cũng như cách thức thông báo thời gian, địa điểm làm CCCD của Công an huyện Ia Grai đã giảm bớt được nỗi lo cho người dân. Bởi lẽ, tỉnh Gia Lai nói chung và chuyện Ia Grai nói riêng là nơi sinh sống của phần đông đồng bào thiểu số, việc mất hoặc thiếu giấy tờ cá nhân là chuyện thường ngày. Vì vậy, khi nghe nói về chiến dịch cấp CCCD của Bộ Công an, nhiều người dân nơi đây hoang mang, không biết làm cách nào để chứng minh được những thông tin mình kê khai là sự thật. “Như vợ tôi đây, rõ là sinh năm 1968 nhưng là chỉ tự biết thôi chứ làm gì có giấy khai sinh. May mà công an kết hợp với tư pháp xã giải quyết một lúc là xong. Mà đâu chỉ có riêng mình vợ tôi. Trong làng này cũng nhiều người như thế lắm. Nếu không có sự nhiệt tình, hỗ trợ, hết lòng vì công việc của các cán bộ Công an và các đồng chí tư pháp xã thì biết bao giờ vợ tôi mới được làm CCCD gắn chip điện tử”, ông Rcom Tin nói thêm. Tiếp lời bạn, ông Ksor Hyao, một người có uy tín ở làng Breng 3 cho biết, các cán bộ Công an đã đến từng nhà để gửi giấy mời thông báo về khung giờ cụ thể làm CCCD. Việc này giúp cho người dân không phải chờ đợi và cũng đảm bảo được lịch sinh hoạt không bị xáo trộn. Riêng về việc rà soát, kiểm tra và hướng dẫn thông tin, Công an huyện Ia Grai đã triển khai về công an xã nên những người nhận được giấy mời đều đã có đầy đủ thông tin để được cấp CCCD, tránh được trường hợp đến địa điểm cấp mà không được, lại phải quay về.

Ông Rcom Tin (thứ 4 từ trái sang) cùng vợ (áo đen ngồi bên cạnh), ông Ksor Hyao (ngoài cùng bên trái) và người thân trong gia đình trao đổi với cán bộ Công an huyện Ia Grai

Trong khi đó, tại huyện Đak Đoa, nơi đi đầu trong toàn tỉnh Gia Lai về hoàn thành mục tiêu làm thủ tục cấp CCCD với trung bình mỗi ngày cấp cho hơn 1.000 người (ngày cao điểm là 1.400 người), lực lượng Công an đã sáng tạo nhiều cách làm hay phục vụ bà con. Cụ thể, tại điểm cấp CCCD ở xã Hà Bầu, ngoài việc trang bị đầy đủ tivi màn hình phẳng, các quạt cây công suất lớn cùng ghế ngồi và lắp đặt wifi đường truyền tốc độ cao…, Công an huyện Đak Đoa còn thiết lập một khu vực sân khấu có phông bạt đầy đủ ở bên cạnh để phục vụ bà con các chương trình như: chiếu phim tuyên truyền pháp luật; phổ biến, hướng dẫn sử dụng chức năng quét mã QR trên điện thoại di động thông minh để cài đặt ứng dụng Bluezone, NCOVI (khai báo y tế) đồng thời hướng dẫn người dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn huyện bằng cách tương tác với hệ thống kênh thông tin trên mạng xã hội và tham gia tài khoản Zalo chính danh Công an huyện Đak Đoa để được trực tiếp giải đáp thắc mắc…

Đặc biệt, Công an huyện Đak Đoa còn tổ chức “Hội thi quần chúng nhân dân tìm hiểu kiến thức pháp luật” với những câu hỏi trắc nghiệm và câu tự luận (nội dung gồm các lĩnh vực khác nhau như “Vấn đề cấp CCCD; Bầu cử quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kiến thức và kỹ năng nhận biết, phòng tránh các loại ma túy…”) đi kèm những phần quà gửi tặng người dân… Thượng tá Hoàng Văn Huân, Phó Trưởng Công an huyện nói: “Do tình hình thực tế của địa phương không phải lúc nào cũng tập trung được đầy đủ người dân nên trong chiến dịch cấp CCCD nên chúng tôi thấy đây là dịp hay để tuyên truyền và hướng dẫn bà con, đồng thời giúp người dân không cảm thấy mệt mỏi mà ngược lại còn có không gian giải trí riêng trong quá trình chờ đợi làm thủ tục cấp CCCD. Chúng tôi còn mời những ca sĩ nổi tiếng trong huyện đến để giao lưu, hát hò cùng bà con, coi đây như là buổi sinh hoạt chung của cộng đồng”. Anh Chôn (21 tuổi), trú tại xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, người vừa giành giải thưởng của hội thi cười kể: “Hoạt động này của Công an huyện rất vui, bổ ích. Em thấy thời gian trôi nhanh lắm, vừa được nghe nhạc, lại vừa được nói chuyện với bạn bè. Cán bộ Công an ra đọc những số đến lượt thì chúng em vào làm thủ tục. Em đã giành được giải thưởng là tập vở viết chữ mới cho con khi trả lời đúng câu hỏi về việc uống rượu bia thì không được lái xe máy đấy”.

Thùng nước đá và bánh xà bông

Thực tế, những ngày cuối tháng 4 này, Công an tỉnh Gia Lai đang vào giai đoạn nước rút của chiến dịch cấp CCCD, phấn đấu đến cuối tháng 6 hoàn thành 100% các hồ sơ cấp CCCD. Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, Công an tỉnh đã phân công cán bộ chiến sĩ làm việc 24h/24h, không kể ngày đêm để làm sao huy động được người dân, nhất là đồng bào thiểu số cùng hợp tác, hiểu được ý nghĩa và tham gia chiến dịch cấp CCCD. Được biết, ngoài việc duy trì bộ máy móc thực hiện nhiệm vụ cấp CCCD tại trụ sở, lực lượng Công an các huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai đã tiến hành cấp lưu động đến từng thôn, làng… Đồng thời, các đơn vị còn tổ chức đưa đón, hỗ trợ, ưu tiên người già yếu, tàn tật đến điểm CCCD lưu động. Tại một số trường THPT, Công an tỉnh cũng đã triển khai lấy thông tin, vân tay, chụp hình ngay tại trường. Chẳng hạn như trường THPT Pleiku, hồi đầu tháng 4 vừa qua, khi Công an tỉnh về trường cấp CCCD cho hơn 1.800 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của toàn trường, gần 200 công dân là phụ huynh học sinh, người dân sinh sống xung quanh trường cũng tham gia xin cấp CCCD.

Đại uý Đoàn Tuấn Anh – Đội trưởng đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, huyện Đak Đoa đang hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp CCCD

Riêng ở các huyện, vì đang vào mùa thu hoạch nông sản nên Công an huyện đã mở điểm cấp CCCD vào buổi tối và làm xuyên đêm. “Chúng tôi phải vận dụng mọi điều kiện tốt nhất có thể làm sạch dữ liệu, hồ sơ cho bà con yên tâm tham gia xin cấp CCCD. Đối với những bà con ở xa, đi làm về tiện qua điểm cấp CCCD, chúng tôi cũng có những biện pháp giúp họ tự tin vào xin cấp CCCD bằng cách sắp xếp một khu ăn ngủ nghỉ buổi đêm. Chẳng hạn có những nam thanh niên làm về máy móc, tay dính đầy dầu mở hoặc có người ra nhiều mồ hôi tay cán bộ chiến sĩ phải bố trí một khu vực riêng có xà bông và nước sạch để bà con rửa tay hoặc có thêm thùng đá đặt cạnh máy lấy vân tay… Rồi khi mở các điểm cấp CCCD vào buổi tối, chúng tôi cũng phải bố trí các cán bộ chiến sĩ đến từng nhà vận động bà con ra là thủ tục xin cấp CCCD và vận động các doanh nghiệp địa phương cung cấp bánh kẹo, mỳ tôm nấu cho bà con ăn đỡ đói trong lúc chờ làm thủ tục”, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Câu chuyện “nghề tay ngang”

Chia sẻ thêm về những khó khăn và cả niềm vui của các cán bộ Công an khi được phục vụ bà con, Đại uý Đoàn Tuấn Anh – Đội trưởng đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, huyện Đak Đoa cho hay: “Chúng tôi bố trí cấp CCCD 24h/24h nên ngoài cán bộ quản lý hành chính thì có điều động thêm một số cán bộ thuộc các đội nghiệp vụ khác và một số đồng chí công an xã chính quy đã học qua chuyên ngành quản lý hành chính, có chuyên môn hoặc từng được đào tạo, tập huấn về lĩnh vực hành chính. Hàng ngày, chúng tôi duy trì ít nhất 27 đồng chí làm việc và chia làm 2 tổ trên cơ sở 2 máy được trang bị. Mỗi tổ làm việc 3 ca/ngày nên trung bình mỗi ngày, CBCS trong đơn vị phải làm việc ít nhất 16 tiếng. Thời gian như này là tương đối vất vả vì trong đó có nhiều CBCS nữ và nhiều người có gia đình. Nhưng chúng tôi xác định đã là nhiệm vụ phục vụ dân thì khó mấy cũng phải vượt qua”.

Sân khấu” nhỏ được dựng bên cạnh các điểm cấp CCCD để giúp người dân có khoảng thời gian chờ đợi thoải mái, vui, bổ ích

Cũng theo lời của Đại uý Đoàn Tuấn Anh, khó khăn nhất trong việc làm thủ tục cấp CCCD cho đồng bảo thiều số là việc giấy tờ không có, thiếu hoặc không thống nhất, đồng nhất. Vì thế, từ tháng 7-2020, Công an huyện đã phối hợp với Phòng Tư pháp để rà soát, bổ sung hộ tịch cho người dân; đồng thời phối hợp với các ngành, đoàn thể huyện tuyên truyền. Các nội dung tuyên truyền cũng được thực hiện bằng nhiều hình thức, nhiều ngôn ngữ dân tộc và hình ảnh khác nhau. Bên cạnh đó, Công an huyện cũng đã kết hợp với một số nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, kêu gọi xã hội hóa bằng hiện vật gồm mì tôm, cặp sách; các nhu yếu phẩm khác như quần áo, gạo để hỗ trợ các tổ cấp tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. “Với vùng đặc biệt khó khăn, mỗi người dân hoặc hộ gia đình đến địa điểm làm CCCD, chúng tôi thường có một phần quà khi thì mì tôm, lúc thùng sữa hoặc sách vở…”, Đại uý Đoàn Tuấn Anh nói.

Và trong suốt hơn 2 tháng thực hiện cao điểm về cấp CCCD, bản thân Đại uý Đoàn Tuấn Anh cũng đã chứng kiến nhiều tình huống dở khóc dở cười và cả những câu chuyện nhân văn, thấm đẫm tình người.  “Có gia đình trao đổi là nhà họ có người bị tật nguyền nhưng lại có nguyện vọng làm CCCD để sắp tới tham gia khám, chữa bệnh và các chế độ xã hội khác. Chúng tôi đã họp, bàn bạc và thống nhất với nhau là phân công người đến tận gia đình để hỗ trợ. Các tổ thay ca nhau đến tận nhà lắp máy và thực hiện việc làm thủ tục cấp CCCD ngay tại nhà. Đối với những gia đình có người bị tổn thương về não, khi được người dân thông tin qua mạng xã hội của Công an huyện, chúng tôi cũng phối hợp với các cán bộ phụ trách về thương binh xã hội của các xã và công an xã đến tận nhà động viên, hỗ trợ rồi sắp xếp, bố trí cho những người này lên điểm cấp CCCD. Khi lên đến nơi, ngoài việc phải có người bảo trợ để lấy thông tin, khâu khó nhất chính là chụp ảnh, lấy dấu vân tay. Lúc này chúng tôi như những bác sĩ tâm lý, phải nhẹ nhàng động viên họ rồi hướng dẫn người thân trong gia đình đưa vào vị trí ngồi cho chuẩn… Những trường hợp bất thường gây khó dễ hoặc nổi khùng, chúng tôi còn phải tổ chức như diễn kịch, đóng phim, mỗi cán bộ Công an phải tham gia hoạt động hài hoà cùng nhau, tạo trò để khuôn mặt họ tươi hơn, nhìn thẳng vào ống kính máy ảnh để nhận diện được khuôn mặt…”, Đội trưởng đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, huyện Đăk Đoa kể.

Huyền Chi

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *