Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
35677

Bảo hộ công dân trong đại dịch Covid – 19 Kỳ 3: Quyền của công dân và nghĩa vụ của quốc gia

 

Nhằm bảo đảm bảo hộ công dân của mình một cách tốt nhất, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành đàm phán, trao đổi và ngày càng mở được nhiều cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao thì chúng ta có 96 cơ quan đại diện bao gồm các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, Cơ quan Lãnh sự ở tất cả các châu lục trên thế giới. Mặc dù đây là một điểm tích cực trong nỗ lực của Việt Nam trong việc mở rộng cơ quan đại diện ở nước ngoài nhưng với số lượng 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hiện, đặc biệt với các quốc gia có diện tích lớn, quản lý phức tạp như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Úc,… thì số lượng các cơ quan đại diện ngoại giao chưa đáp ứng được một cách đầy đủ nhu cầu bảo hộ của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Đưa công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước an toàn

Thực trạng công dân Việt Nam ở nước ngoài vi phạm pháp luật cũng có xu hướng ngày càng gia tăng, đó là các hành vi nhập cư bất hợp pháp, lao động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật nước sở tại, nổi cộm ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp,… gây khó khăn cho hoạt động bảo hộ công dân khi mà chính các quốc gia này gây áp lực cho Việt Nam phải giải quyết nhanh chóng, tác động không nhỏ đến hình ảnh của Việt Nam và trong quan hệ quốc tế. Đặc biệt trong trường hợp có sự xung đột về pháp luật, khi mà chúng ta và quốc gia sở tại không có thoả thuận về tương trợ tư pháp hay thể chế hoá các văn bản pháp luật có liên quan thì vấn đề bảo hộ công dân càng khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước cần có phương án xem xét và ký kết, tham các điều ước quốc tế có liên quan đến bảo đảm quyền bảo hộ công dân.

Thời gian tới, với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhu cầu bảo hộ của công dân sẽ ngày càng gia tăng. Cần làm tốt công tác này hơn nữa, đặc biệt giải quyết nhu cầu về nước của đại bộ phận người Việt cư trú, làm việc và học tập ở nước ngoài, tránh tình trạng lợi dụng các chuyến bay về Việt Nam để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như trốn ở lại các quốc gia có sân bay trung chuyển. Chẳng hạn, khi chúng ta đưa người từ châu Mỹ – Latinh hay Châu Phi vì không có chuyến bay thẳng về Việt Nam mà phải qua các sân bay trung chuyển ở một số quốc gia như Pháp, một số công dân đã trốn ở lại các khiến cho vấn đề bảo hộ rất khó khăn, đòi hỏi nhà nước ta phải đàm phán, trao đổi với các quốc gia sở tại để có phương án xử lý phù hợp.

Bên cạnh đó, tình hình thế giới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như căng thẳng các điểm nóng, các yếu tố phi truyền thống (khủng bố, khủng hoảng năng lượng, bắt cóc con tin, mua bán người,…) tiếp tục đe doạ đến tính mạng, tài sản công dân ta ở nước ngoài. Do đó, cần có phương án xây dựng, kiện toàn các phương án bảo hộ trong tình huống khủng hoảng phù hợp với tình hình mới như xây dựng các Trung tâm xử lý khủng hoảng, phối hợp với các Bộ, ban ngành có liên quan trong giải quyết hiệu quả, chuyên nghiệp nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Bảo hộ công dân là một quyền cơ bản của công dân, đồng thời là nghĩa vụ của quốc gia. Do vậy, mỗi người dân cần hiểu những quyền lợi chính đáng của mình khi các quyền và lợi ích đó bị xâm hại ở nước ngoài cũng như các nhu cầu cần bảo đảm khác. Đồng thời, cần huy động vai trò lãnh đạo của Đảng và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ công dân, trong đó thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của Bộ Ngoại giao để bảo hộ công dân Việt Nam một cách hiệu quả. Quyền bảo hộ và nghĩa vụ bảo hộ cũng cần sự phối hợp của cả người dân và Nhà nước bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.■

Nông Đức Tài[1]

[1] Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *