Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
32717

Bảo đảm các quyền kinh tế văn hóa xã hội theo UPR chu kỳ 3

Việt Nam đã thực hiện 199/241 khuyến nghị, đang thực hiện hoặc thực hiện một phần 32/241 khuyến nghị, đang xem xét thực hiện vào thời điểm thích hợp 10/241 khuyến nghị

Bảo đảm quyền tiếp cận, các điều kiện sống cơ bản trong đại dịch Covid -19

Việt Nam đã tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã có những kết quả tích cực như tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 2,75%, bình quân trong 5 năm giai đoạn giảm khoảng 1,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%, bình quân trong 5 năm giảm 5,65%; tuy nhiên do ảnh hưởng trực tiếp nặng nề của đại dịch, dự kiến số hộ nghèo tại Việt Nam sẽ tăng. Quốc hội Việt Nam đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Việt Nam đã tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các giải pháp đồng bộ với nội dung thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn đã được ban hành để không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, mà còn cả người lao động, cũng như đời sống và sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương và cả quốc gia như:  Cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 1/1/2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm); giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.

An sinh xã hội: Việt Nam đã tiếp tục chú trọng thực hiện tốt chính sách đối với người có công; bảo đảm an sinh xã hội; quan tâm chăm lo, trợ giúp các đối tượng yếu thế, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng lên, đời sống của hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội từng bước được cải thiện. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 90,85% năm 2020. Các đối tượng chính sách như người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi (năm 2020, 99% người cao tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế)… được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng từ 90% năm 2016 lên 92,6% năm 2019 và ước đạt 92,8% năm 2020.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động và tự do như việc ban hành các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (cho đến tháng 7/2021) dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19[3]. Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận, các điều kiện sống cơ bản, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Bảo đảm quyền chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục

Quyền sức khỏe, y tế: Chất lượng  dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình đến năm 2020 đạt 73,7 tuổi, tăng so với năm 2015 (73,3 tuổi). Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được duy trì rộng khắp trong cả nước, trong đó có vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, y tế cơ sở đã có vai trò quan trọng trong cả phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính tại cộng đồng.

Chính phủ Việt Nam rất coi trọng, chủ trương bảo đảm tiêm vắc-xin phòng COVID-19 miễn phí cho người dân theo các đối tượng ưu tiên theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đến ngày 10/10/2021, Việt Nam đã tiêm 81,7 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho người dân mặc dù gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn cung của thế giới, điều kiện kinh tế còn hạn chế. Chính phủ cũng thành lập Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 (đến ngày 14/10/2021 đã huy động được 8.784,4 tỷ đồng), với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước để tiêm chủng cho người dân, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19, bảo đảm quyền y tế. Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác về ngoại giao vắc-xin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao củ trì để xúc tiến, vận động viện trợ vắc-xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống COVID-19; chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị từ đối tác song phương, đa phương. Đến nay, hầu hết các đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống đã hỗ trợ Việt Nam với hàng triệu liều vắc-xin (tính đến ngày 27/8, Việt Nam đã tiếp nhận trên 26 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19).

Quyền giáo dục: Luật Giáo dục quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Không chỉ giáo dục chính quy, Nhà nước còn tạo điều kiện để người dân được học liên tục mọi nơi, học suốt đời theo nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, Việt Nam đã phê duyệt Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020”, Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”. Trong giai đoạn 2012-2020 đã xóa mù chữ cho 295.308 người trong độ tuổi 15-60, nâng tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15-60 là 97,85% và tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15-35 là 99,3%. Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các nhóm yếu thế, trong đó tập trung hỗ trợ học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Quyền nước sạch: Nước sạch và vệ sinh môi trường tại vùng nông thôn luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm và dành ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư có sự chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường hiệu quả. Các chính sách, dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường tại vùng nông thôn đã đóng góp tích cực cho kết quả xóa đói giảm nghèo tại các địa phương. Công tác quản lý môi trường khu công nghiệp (KCN) đã có những bước tiến vượt bậc. Tính đến tháng 3/2021, trên cả nước có 263/290 KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung (tăng 13 KCN so với năm 2019) đạt tỷ lệ 90,69%.

[1] Các khuyến nghị số 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59, 60, 61, 69, 70.

[2] Các khuyến nghị số 63, 64, 65, 66, 66, 67.

[3] https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/goi-ho-tro-26-000-ty-dong-cho-nguoi-kho-khan-vi-dich-da-duoc-trien-khai-nhanh-hon-1491881255

[4] Các khuyến nghị 139, 245, 239, 244, 247.

[5] Các khuyến nghị số 71, 72, 73, 74, 75

[6] Các khuyến nghị số 59, 78

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *