Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
50862

Xây dựng nền văn hóa thống nhất, đa dạng trong cộng đồng các DTTS Việt Nam

Với chủ trương xây dựng nền văn hóa thống nhất, đa dạng trong cộng đồng các DTTS Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người (DTTSRIN), Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định, cùng với chăm lo phát triển KTXH, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, việc bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược phải thực hiện kiên trì, lâu dài.  Chính phủ đã phê duyệt các chính sách, đề án nhằm thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hoá DTTS đặc biệt là văn hoá DTTSRIN 

Sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.

 

Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”. Thông qua các hoạt động này nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về văn hóa các dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó tuyên truyền vận động để các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, gần gũi quý trọng nhau hơn, tương hỗ giúp đỡ cùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia và phát huy vai trò làm chủ trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Người DTTS ở tất cả các vùng miền được tham gia hoạt động văn hóa mang bản sắc các dân tộc, nhiều chương trình phát thanh, truyền hình và các ấn phẩm văn hóa được xuất bản bằng tiếng DTTS như Mông, Ê đê, Chăm, Khmer,… Thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vùng DTTS&MN gắn với di tích lịch sử văn hóa ở từng vùng, từng địa phương; Tổ chức Ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch và Chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ vùng đồng bào DTTS&MN nhằm tăng cường củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các địa phương trong cả nước; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần tạo động lực phát triển KTXH, đảm bảo an ninh quốc phòng. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, những năm gần đây, nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhiều nghi lễ đặc sắc, nhiều trò chơi dân gian của các DTTS được khôi phục, phát huy trong ngày hội văn hóa diễn ra trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều ngày hội văn hóa vùng miền, như: Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, miền Đông Nam Bộ… được tổ chức 2-3 năm/lần. Những nét đẹp về dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội, trang phục truyền thống, ẩm thực của nhiều DTTS  được khôi phục, giới thiệu để đông đảo công chúng biết đến.

Luật Thể dục thể thao năm 2006 quy định ưu tiên đầu tư phát triển thể dục, thể thao ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn (ĐBKK), bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc (Điều 4). Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy các môn thể thao dân tộc; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác và phát triển các môn thể thao dân tộc, chú trọng các loại hình thể thao của các DTTS (Điều 17). Để bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc, hàng năm, từ trung ương đến địa phương đều tổ chức nhiều giải thể thao; tăng cường tổ chức các giải thể thao ở cơ sở, chú trọng các môn thể thao dân tộc. Đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, các môn thể thao truyền thống như: tung còn, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo… được duy trì tổ chức trong mỗi dịp Tết, lễ hội, đây là một hoạt động cụ thể, thiết thực để duy trì các đội thể thao truyền thống ở cơ sở.

Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc

Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định rõ các cơ quan văn hoá, thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ở trong nước và nước ngoài các giá trị di sản văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trong nhân dân (Điều 11). Di sản văn hoá Việt Nam được sử dụng nhằm mục đích phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam (Điều 12). Từ đó, Chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS từng bước hạn chế tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Hỗ trợ phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ đồng bào DTTS; phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ văn hóa là người DTTS. Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi, phát triển và hình thành mới, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đã có 62.283 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố được kiểm kê, 288 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó có 145/288 di sản của các DTTS – chiếm hơn 50% tổng số di sản); 05 di sản thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết; 07 di sản thuộc loại hình Tri thức dân gian được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 04 di sản thuộc loại hình Ngữ văn dân gian, 69 di sản thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, 66 di sản thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng, 30 di sản thuộc loại hình Nghề thủ công truyền thống được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong 03 năm 2016-2018, đã có 06 dân tộc tổ chức ngày hội văn hóa riêng của dân tộc mình gồm Dao, Mường, Mông, Thái, Chăm, Khmer. Trong giai đoạn từ 2016 – 2020, đã có 03 di tích quốc gia đặc biệt, 08 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào DTTS được xếp hạng di tích quốc gia; có 126 di sản văn hóa phi vật thể, 276 nghệ nhân ưu tú là người DTTS (Thực hiện chính sách đối với nghệ nhân vùng đồng bào DTTS, đến nay, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu ”Nghệ nhân nhân dân” cho 24 cá nhân và danh hiệu ”Nghệ nhân ưu tú” cho 535 cá nhân là người DTTS của 37 tỉnh/thành phố trong cả nước đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc).

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số

Các chương trình mục tiêu phát triển văn hoá được triển khai thực hiện có hiệu quả đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng đồng bào các DTTS. Công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật; phục dựng bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc có nguy cơ  mai một, tạo môi trường văn hoá lành mạnh, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện để phát triển mô hình văn hóa – du lịch góp phần xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc. Các lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS được hỗ trợ, đầu tư (đến nay đã có hơn 80 lễ hội) được tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc (Dân tộc Mường, Thái, Tày, Cơ Tu, Mông, Nùng, Dao, Ba Na, Chứt, Khmer, XTiêng,  Khơ Mú, Lào, Giáy, Lô Lô, Co, Mạ, Bố Y, Pà Thẻn, Ơ Đu, Tà Ôi, Hà Nhì, Cống, Si La, Rơ Măm, Ê Đê, Bru-Vân Kiều… Lễ hội cúng bản của dân tộc Si La; Lễ hội đón tiếng sấm đầu năm, Lễ rước hồn lúa và Ăn cơm mới của dân tộc Ơ Đu; Lễ cúng thần rừng, Lễ mừng năm mới của người Pu Péo; Lễ Mở cửa kho lúa, Lễ cúng giọt nước, Lễ ăn lúa mới, Lễ Bỏ mả của người Rơ Măm; Lễ Kiêng làng, Lễ Ăn trâu, Lễ hội mừng Nhà Rông, Lễ Thổi tai của người Brâu,…); Việc triển khai “Dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các DTTS” vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa tạo nên mô hình hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích trên nhiều mặt của đời sống KTXH, văn hóa tại vùng đồng bào DTTS trên cả nước. Mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của DTTS có số dân rất ít người như: Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, SiLa… tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Bình… Các lớp này do chính các nghệ nhân – chủ thể của văn hóa các dân tộc, người nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể trực tiếp tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đây chính là một trong các hình thức tuy chưa đồng bộ do địa bàn cả nước và đối tượng hưởng lợi đông, nhưng những kết quả, hiệu quả đem lại có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với các địa phương và nhất là đồng bào các dân tộc trong việc nâng cao ý thức tự giác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Tại các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã tập trung sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, gìn giữ các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa – thể thao dân tộc quy mô các cấp; đầu tư và phát triển các môn thể thao truyền thống các dân tộc, tập trung hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS với phát triển du lịch bền vững, giúp người dân giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH tại địa phương nơi sinh sống. Các làng, bản, buôn DTTS thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn gắn phát triển du lịch khai thác tiềm năng từ văn hoá truyền thống tiêu biểu của dân tộc, từ đó nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hoá – du lịch, điểm văn hoá du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xóa đói giảm nghèo cho đồng bào ở địa bàn vùng DTTS (Dân tộc Xtiêng, Chăm, Ba Na, K’ho, Mnông, Ê Đê, Vân Kiều, Khơ mú, Mường, Thái, Mông, Lô Lô, Tày, Dao, Khmer, Jrai,  Ơ Đu, Chứt, Mạ, Bố Y,  H’rê… ). Qua đó, các thiết chế văn hóa truyền thống (nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà ở, kiến trúc truyền thống,…); các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, trang phục truyền thống, nghề truyền thống, những nét đẹp trong phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc được bảo tồn đã tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, góp phần khơi dậy, hình thành mô hình phát triển kết hợp giữa văn hoá và du lịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế tại các vùng đồng bào DTTS. Tại các tỉnh/thành đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết các DTTS được tổ chức. Ngôn ngữ dân tộc được quan tâm bảo tồn, phát huy với nhiều hình thức như biên soạn, xuất bản sách theo tiếng dân tộc; Lập hồ sơ khoa học về ngôn ngữ: “Chữ Nôm của người Dao”, “Chữ Nôm của người Tày”, “Chữ viết cổ của người Thái”, “Nói lý, hát lý của người Cơ Tu” đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tranh thủ các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho Việt Nam nhiều chương trình, dự án về giữ gìn, bảo tồn ngôn ngữ của các DTTS[1] với nhiều hình thức biên soạn, truyền hình, bản tin tiếng dân tộc, tổ chức các lớp truyền dạy, lớp học tiếng nói, chữ viết của các dân tộc…

Hội Roóng Poọc của người Giáy

Trên diễn đàn quốc tế, Việt Nam là thành viên đầy đủ, tích cực và có trách nhiệm của Công ước UNESCO 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa. Đến nay, Việt Nam được UNESCO công nhận 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca quan họ Bắc Ninh (2009), Hát Ca trù (2009); Hát Xoan Phú Thọ (2011), Kéo co (2015), Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (2017), Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái (2019), 2 di sản tư liệu thế giới và 4 di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, 2 công viên địa chất toàn cầu, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có nhiều di sản gắn bó chặt chẽ với bản sắc văn hóa, khu vực lưu trú của các DTTS Việt Nam. Việt Nam đang trình UNESCO xem xét, công nhận giá trị các di sản văn hóa của các DTTS Việt Nam gồm hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái, hồ sơ Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.

Để đạt được các kết quả trên, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định: các kế hoạch, nội dung, chương trình hành động phải phù hợp với tình hình thực tế, mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các DTTS trên tinh thần phát huy vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng trong việc lập kế hoạch, xây dựng dự án cũng như triển khai, tổ chức quản lý, giám sát các dự án từ cơ sở đối với các dự án nói chung và các chương trình, dự án về văn hoá nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của các DTTS Việt Nam. Các kết quả trên đã tác động tích cực đến các chiều, cạnh của các mối quan hệ dân tộc, trong đó có vai trò của văn hóa, góp phần tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Đại bộ phận đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

[1] Điển hình như UNESCO hỗ trợ Dự án “Bảo tồn ngôn ngữ truyền khẩu và các cách diễn đạt truyền thống của dân tộc Dao” các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái… Bằng hình thức sưu tầm, truyền dạy tại cộng đồng, số hóa tư liệu và xuất bản cuốn “Sách cổ người Dao”…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *