Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
6142

Việt Nam luôn biết cách đạt được mục tiêu

“Trong 40 năm đổi mới, Việt Nam luôn đặt ra cho mình những mục tiêu đầy tham vọng và luôn biết cách đạt được những mục tiêu này. Là một trong những đối tác phương Tây đầu tiên đồng hành cùng quá trình phát triển của Việt Nam từ giai đoạn mở cửa cho đến nay, chúng tôi mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam với những mục tiêu được đề ra trong thời gian tới. Và chúng tôi tin tưởng Việt Nam có đủ nguồn lực và phương thức để đạt được những mục tiêu này”, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nhấn mạnh.

 

Việt Nam-Pháp đã có quan hệ ngoại giao hơn 50 năm và quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai quốc gia cũng đã được thiết lập hơn 10 năm với những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Nhân dịp đầu Xuân Ất Tỵ 2025, Đại sứ Olivier Brochet đã có cuộc trò chuyện với báo chí về quan hệ hợp tác giữa hai nước nhất là khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình.

 

PV: Xin Đại sứ chia sẻ về nền tảng hợp tác quan hệ giữa hai quốc gia?

 

Đại sứ Olivier Brochet:

Quan hệ giữa Pháp và Việt Nam có bề dày lịch sử, độ tin cậy ngày càng cao và hai nước có quyết tâm rất lớn trong việc tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược. Năm 2023, hai nước chúng ta đã cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. 2024 là năm đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp, với 2 sự kiện lớn: kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí Thư Tô Lâm.

 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet.

 

Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện cũng thể hiện sự cam kết của Pháp trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển nhiều lĩnh vực.

 

Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN không chỉ bởi diện tích, dân số, sự năng động của nền kinh tế, mà còn là một trong những quốc gia hiểu rõ nhất về giá trị của hòa bình và sự cần thiết phải bảo đảm hòa bình, ổn định. Pháp và Việt Nam luôn nỗ lực để bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Đó chính là nền tảng để hai nước tăng cường hợp tác với nhau.

 

PV: Vậy trong năm 2025 và thời gian tới, những trọng tâm hợp tác nào trong quan hệ hai nước có thể giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh và hỗ trợ nhau cùng phát triển?

 

Đại sứ Olivier Brochet:

Theo tôi, có 4 lĩnh vực hợp tác rất có tiềm năng giữa hai nước là: năng lượng, giao thông đường sắt, nông nghiệp bền vững và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Pháp mong muốn đồng hành cùng quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu vừa bảo đảm sự tăng trưởng của Việt Nam, vừa giảm thiểu những tác động về môi trường.

 

Thứ hai là lĩnh vực giao thông đường sắt. Sự kiện khai trương tuyến Metro số 3 tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ Pháp, vì đây không chỉ là lĩnh vực thế mạnh của các doanh nghiệp nước này, mà còn là cột mốc mới trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực giao thông đô thị.

 

Dự án đường sắt đô thị Metro Nhổn – ga Hà Nội dài 12,5 km với tổng mức đầu tư 34.826 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA đã chính thức vận hành thương mại từ ngày 8/8/2024.

Bên cạnh đó còn có dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt. Pháp vốn rất nổi tiếng với hệ thống đường cao tốc TGV, thậm chí đã xuất khẩu công nghệ của mình đến nhiều nước trên thế giới.

 

Ngoài ra, Pháp cũng rất quan tâm đến việc hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp sinh thái để bảo đảm hướng đi phát triển bền vững; lĩnh vực đào tạo nhân lực… và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc tinh gọn bộ máy chính trị, cải cách hành chính, phát triển nền hành chính điện tử.

 

PV: Đại sứ đánh giá như nào về giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam-Pháp?

 

 

Đại sứ Olivier Brochet:

Đó cũng là hai lĩnh vực tôi đang muốn nhắc đến. Chúng tôi mong muốn tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước, đặc biệt là giao lưu giữa các thế hệ trẻ. Ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn sang Pháp du học, bởi vì chúng tôi biết những gì mà nền giáo dục Pháp có thể đem đến cho các bạn trẻ cũng như vai trò của các bạn du học sinh trong việc đóng góp vào sự phát triển quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực.

 

Mặt khác, chúng tôi cũng vui mừng khi thấy ngày càng nhiều sinh viên Pháp sang học trao đổi, 1 hoặc 2 học kỳ tại các trường đại học Việt Nam có liên kết với các đối tác Pháp. Những hoạt động giao lưu này sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước trong tương lai.

 

Văn hóa cũng là chủ đề trọng tâm trong quan hệ Đối tác Chiến lược Pháp-Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo là một trong những mục tiêu quan trọng để tạo đà tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng kinh tế. Với thế mạnh trong lĩnh vực này, phía Pháp hoàn toàn có thể giúp Việt Nam trong các dự án liên quan.

 

Quá trình hợp tác này có thể diễn ra thông qua giữa các cơ quan công quyền, doanh nghiệp thậm chí cả chính quyền địa phương. Đơn cử như Hà Nội với sự hợp tác từ Pháp đã xúc tiến nhiều dự án bảo tồn di sản, qua đó thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài tới Việt Nam.

 

Tôi rất vui mừng trước sự phát triển hợp tác giữa Nhà hát Hồ Gươm và Nhà hát Hoàng gia Versailles của Pháp để làm phong phú thêm các chương trình biểu diễn của nhà hát tại Hà Nội và tôi đặc biệt cảm ơn Tổng Bí thư  Tô Lâm đã luôn quan tâm, ủng hộ sự hợp tác này.

 

Hiện nay, hai nước đang chuẩn bị tổ chức Festival nhiếp ảnh vào năm 2025 tại Hà Nội. Đây là lần thứ hai sự kiện này được tổ chức bởi hai nước. Trong lần đầu tiên diễn ra, sự kiện đã thu hút hơn 200.000 người tới tham quan và 1 triệu người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này cho thấy các hoạt động văn hóa chung giữa hai nước có sự lan tỏa nhất định tới công chúng.

 

Tháng 4/2024, các nghệ sĩ trong dàn nhạc của Nhà hát Opera Hoàng gia Versaille đã biểu diễn chương trình “Hòa nhạc Bốn mùa” (Four Seasons Concert) tại Nhà hát Hồ Gươm.

PV: Làm việc tại Việt Nam được một thời gian, chứng kiến những sự kiện minh chứng cho sự hợp tác ngày càng bền chặt giữa hai quốc gia, xin Đại sứ cho biết ấn tượng của cá nhân ngài về đất nước này và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội?

 

 

Đại sứ Olivier Brochet:

 

Thú thực, khả năng tiếng Việt của tôi khá hạn chế. Nhưng, qua thời gian công tác và sinh sống tại Việt Nam, tôi cũng có thể phần nào cảm nhận người dân đất nước này có tính cách lạc quan và sự năng động. Điều khiến tôi rất ấn tượng, đó là cảnh tượng của Hà Nội sau khi cơn bão Yagi quét qua hồi năm 2024. Nếu nghe thông tin về những con đường tại Hà Nội với nhiều cây cối bị đổ gãy trong khi mực nước sông Hồng lên cao tạo ra nguy cơ gây lụt trong thành phố, nhiều người chắc sẽ e ngại.

 

Nhưng, chỉ ngay sáng hôm sau khi bão quét qua, nhiều người dân Việt Nam đã có mặt trên đường phố để dọn dẹp. Mọi người cùng đoàn kết, mỗi người một chân một tay giúp đỡ nhau chỉnh trang lại cảnh quan đường sá, đô thị; khắc phục hậu quả thiên tai với một tâm trạng rất lạc quan. Có lẽ, đây chính biểu trưng cho nét đẹp của người Việt Nam. Một điều nữa mà tôi cảm nhận được từ người dân Việt Nam, đó là sự tương thân tương ái giữa các thế hệ.

 

Với riêng Hà Nội, tôi có thể nói rằng mình, rất yêu thành phố này. Tôi không nói để lấy lòng các bạn đâu, mà đấy là tình cảm thực sự của bản thân. Đây là một thành phố đẹp và có những nét rất riêng. Tôi từng đi dạo qua nhiều phố phường Hà Nội để cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống của thành phố này. Tôi cũng chụp rất nhiều ảnh về Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng; đồng thời chia sẻ một số ảnh này trên tài khoản mạng xã hội cá nhân.

 

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện nhiều cải cách để vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói. Trên thực tế, trong 40 năm đổi mới, Việt Nam luôn đặt ra cho mình những mục tiêu đầy tham vọng và luôn biết cách đạt được những mục tiêu này.

 

Là một trong những đối tác phương Tây đầu tiên đồng hành cùng quá trình phát triển của Việt Nam từ giai đoạn mở cửa cho đến nay, nước Pháp và người dân Pháp chúng tôi luôn mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam với những mục tiêu được đề ra trong thời gian tới. Và chúng tôi tin tưởng Việt Nam có đủ nguồn lực và phương thức để đạt được những mục tiêu này.

 

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *