Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
9471

Vấn đề lưu giữ, thu thập và bảo mật dữ liệu của công cụ tìm kiếm

Việc lưu giữ, thu thập và bảo mật dữ liệu người dùng bằng công cụ tìm kiếm gây rất nhiều tranh cãi và đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của công chúng với các công ty cung cấp công cụ tìm kiếm. Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ do Pew Internet & American Life thực hiện vào tháng 2 năm 2012 cho thấy người Mỹ không chỉ “lo lắng về dữ liệu thông tin cá nhân bị tiết lộ thông qua các công cụ tìm kiếm”, mà có đến 62% trong số người được hỏi “không biết cách giới hạn thông tin cá nhân mà có thể bị thu thập qua mạng”.

Một khảo sát khác thì cho thấy sau khi Edward Snowden tiết lộ thông tin về sự giám sát của chính phủ Hoa Kỳ với những người dùng Internet thì lưu lượng truy cập tìm kiếm 282 cụm từ ở 11 quốc gia giảm cho các cụm từ được xếp hạng là “Có khả năng khiến bạn gặp rắc rối với Hoa Kỳ” nhưng lại tăng đối với các thuật ngữ “không có khả năng khiến bạn gặp rắc rối tại Hoa Kỳ”.

Các cuộc khảo sát tương tự chưa được tiến hành ở Nga và Trung Quốc, song theo quan sát có thể thấy việc người sử dụng Internet ở những nước này cũng lo lắng về việc lưu giữ, thu thập và bảo mật dữ liệu cá nhân người dùng của các công cụ tìm kiếm, cũng như về bản chất và phạm vi giám sát người dùng mạng Internet của chính phủ. Nhưng lo lắng như vậy có tác động gián tiếp nhưng khá mạnh tới tự do ngôn luận của người sử dụng Internet.

Tuy nhiên, chính từ mối quan ngại về việc lưu giữ, thu thập và bảo mật dữ liệu cá nhân người dùng của các công cụ tìm kiếm đã thúc đẩy sự phát triển của các lựa chọn thay thế mà không yêu cầu theo dõi hoặc lưu trữ dữ liệu của người dùng, cụ thể như sau:

Về lưu trữ dữ liệu

Google không tiết lộ khoảng thời gian công ty này lưu giữ dữ liệu người dùng hoặc dữ liệu nào được “ẩn danh” (không được liên kết từ dữ liệu cho phép nhận dạng lại người dùng). Mặc dù Google ghi nhật ký tìm kiếm theo mặc định, người dùng có thể xóa lịch sử duyệt web của họ theo cách truy cập thủ công vào Trang tổng quan của Google. Người dùng cũng có thể tắt nhật ký duyệt web khi đăng nhập. Giống như Google, Yandex cũng cung cấp cho người dùng chức năng tùy chọn xóa lịch sử Web của họ hoặc chọn không lưu trữ lịch sử Web của họ. Giám đốc điều hành công ty tại Yandex đã tuyên bố công khai rằng dữ liệu người dùng sẽ được lưu trữ ít nhất trong ba tháng, mặc dù thông tin đó không được tìm thấy trên trang web riêng của công ty. Riêng Baidu vẫn chưa cung cấp tính năng tương tự để xóa lịch sử tìm kiếm và không cam kết về giới hạn thời gian lưu trữ thông tin đó.

Bảo mật và mã hóa

Vào tháng 3 năm 2014, Google thông báo rằng họ đã triển khai mặc định mã hóa cho tất cả các tìm kiếm trên web trên toàn thế giới. Mã hóa này hạn chế khả năng các bên thứ ba che giấu các cụm từ tìm kiếm do người dùng nhập một cách kín đáo. Tuy nhiên, Google lưu ý rằng “khi bạn truy cập một trang web khác từ trang kết quả tìm kiếm của Google, trang web đó có thể xác định trang web bạn đến từ hoặc cụm từ tìm kiếm bạn đã sử dụng.” Yandex cung cấp tìm kiếm được mã hóa trên Yandex.com nhưng không được mã hóa trên Yandex.ru. Baidu thì vẫn chưa cung cấp mã hóa tìm kiếm.

Tiết lộ dữ liệu người dùng cho các cơ quan chính quyền

Đại diện công ty Yandex đã tuyên bố rằng công ty không chia sẻ thông tin của người dùng với bên thứ ba, ngoại trừ theo yêu cầu của cơ quan an ninh của chính phủ và tòa án. Đồng thời, các công ty Internet hoạt động ở Nga được yêu cầu tham gia Hệ thống hỗ trợ thực thi pháp luật, được biết đến với từ viết tắt tiếng Nga là SORM. Khi tham gia chương trình này, thiết bị chặn dữ liệu sẽ được cài đặt trong hệ điều hành của công ty. Theo Privacy International, phiên bản SORM được nâng cấp gần đây nhất “thu thập thông tin từ tất cả các phương tiện truyền thông và lưu trữ dài hạn (ba năm) cũng như cung cấp quyền truy cập vào tất cả dữ liệu của người dùng”. Vì vậy, cơ quan chính quyền không cần thiết phải yêu cầu các dịch vụ bảo mật để có thông tin bởi vì họ có thể truy cập trực tiếp thông qua Yandex hoặc các ISP của Nga. Còn trong danh sách các trường hợp mà thông tin người dùng có thể được tiết lộ bởi Baidu bao gồm khi “có yêu cầu bởi luật pháp, quy định, thủ tục pháp lý và cơ quan chính phủ.”.

Google đã công bố báo cáo về sự minh bạch hoạt động bao gồm dữ liệu toàn cầu về “Yêu cầu dữ liệu của người dùng” từ các chính phủ trên khắp thế giới. Từ ngày 31 tháng 12 năm 2010 đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, số lượng yêu cầu cung cấp dữ liệu của người dùng mà Google nhận được từ các chính phủ đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, tỷ lệ yêu cầu mà công ty tuân thủ trong cùng thời kỳ ba năm đó đã giảm dần từ 76% xuống còn 64%.

Google, Microsoft và Yahoo đã thành lập Sáng kiến mạng toàn cầu (GNI) trong đó cam kết “tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dùng” khi xem xét yêu cầu của các chính phủ về việc xóa nội dung hoặc chuyển giao dữ liệu. Họ cũng cam kết thực hiện trách nhiệm giải trình để bảo đảm sự “minh bạch với công chúng.” Hai năm sau khi GNI chính thức ra mắt, các thành viên đã xây dựng và công bố “báo cáo minh bạch” về hoạt động của công ty mình.

Năm 2010, Google là công ty đầu tiên xuất bản Báo cáo minh bạch nửa thường niên trong đó bao gồm dữ liệu về số lượng yêu cầu của chính phủ mà công ty nhận được về hạn chế nội dung cũng như về bàn giao dữ liệu người dùng. Kể từ năm 2010 công ty còn công bố tỷ lệ % yêu cầu mà mình đã tuân thủ ở mỗi quốc gia. Trong phần “Yêu cầu xóa nội dung” dữ liệu bao gồm các lệnh của toà án liên quan đến các trường hợp phỉ báng do cá nhân đưa ra, và yêu cầu xóa hoặc lọc chặn thông tin phỉ báng nhận được từ chính tác giả.

Baidu cũng thông báo cho người dùng về quy trình yêu cầu xóa nội dung vi phạm của bản quyền. Trong trường hợp tìm kiếm chứa kết quả cụ thể đã bị xóa, Baidu hiển thị thông báo ở đầu trang nói rằng: “Phù hợp với luật và quy định, một số kết quả tìm kiếm không xuất hiện”. Tuy nhiên, công ty này không công bố thông tin về quy trình đánh giá và tỷ lệ đáp ứng các yêu cầu của các cơ quan chính quyền về xóa hoặc hạn chế nội dung trên mạng. Vấn đề là khi Baidu mở rộng sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Á, thì công ty này lại công bố dữ liệu về các yêu cầu của các chính phủ những nước sở tại với mình.

Khi Google vận hành mạng Google.cn ở Trung Quốc (đến đầu năm 2010), báo cáo minh bạch của công ty này cũng bỏ qua dữ liệu về những yêu cầu của chính phủ Trung Quốc với Google. Công ty giải thích rằng các yêu cầu kiểm duyệt về dữ liệu được coi là bí mật nhà nước ở Trung Quốc, và do đó việc công khai thông tin sẽ bị xem là bất hợp pháp.

Yandex cũng không công bố bất kỳ thông tin nào về quy trình đánh giá và phản hồi các yêu cầu xóa nội dung của các cơ quan chính quyền và các chủ thể tư nhân, mặc dù không có quy định pháp luật nào của Nga ngăn cản Yandex hoặc các công ty Internet khác của nước này công bố số liệu thống kê về những nội dung đó.

Xét chung, cả ba công ty cung cấp công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới đều chưa có các cơ chế phản hồi, khiếu nại hoặc biện pháp khắc phục hiệu quả cho người dùng Internet bị vi phạm các quyền tự do ngôn luận hay quyền đời tư do cách thức vận hành của các công ty đó. Hiện mới chỉ có Google có cơ chế cho phép chủ sở hữu trang web xóa những liên kết DMCA đến trang web của họ. Google cũng bắt đầu thực hiện “quyền được lãng quên” của người dùng dịch vụ theo một phán quyết của toà án châu Âu, tuy nhiên, quy trình xử lý khiếu nại vẫn chưa rõ ràng.

Trong khi người châu Âu đã phần nào thành công trong việc vận động tòa án ra phán quyết yêu cầu các công ty cung cấp công cụ tìm kiếm khắc phục vi phạm quyền riêng tư của họ, người dân ở các châu lục khác vẫn chưa có cơ hội như vậy. Gần đây nhất, vào năm 2013, một số người dùng Internet ở Hoa Kỳ đã gửi đơn kiện chống lại Baidu, trong đó tuyên bố rằng những hạn chế nội dung của Baidu không phải là bất hợp pháp bên ngoài Trung Quốc, vì thế sự hạn chế đó đã cấu thành vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dùng dịch vụ. Tuy nhiên, một thẩm phán cấp quận ở Hoa Kỳ đã bác bỏ vụ kiện này với lý do thuật toán của công cụ tìm kiếm được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp nước này.

Các công ty vận hành các công cụ tìm kiếm đang sử dụng những cách thức khác nhau, vì những lý do chủ quan, khách quan khác nhau, để hạn chế nội dung và việc tìm kiếm thông tin trên Internet. Sự khác biệt trong chế độ lọc chặn ISP có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách thức và mức độ, công cụ tìm kiếm hạn chế kết quả tìm kiếm của riêng họ. Ví dụ: do sự khác biệt đáng kể về đặc điểm kỹ thuật và pháp lý của việc lọc chặn ở Nga và Trung Quốc, Yandex và Baidu có các phương pháp hạn chế rất khác nhau và Google đã thực hiện các cách tiếp cận khác nhau cho hai thị trường (còn lại tại Nga vào tháng 8 năm 2014 nhưng đã xóa hoạt động từ Trung Quốc từ năm 2010).

PGS.TS Vũ Công Giao

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *