Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
2549

Vai trò của thanh niên trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu 

Biến đổi khí hậu đang trở thành mối quan tâm toàn cầu khi ảnh hưởng của nó ngày càng rõ rệt và lan rộng. Việt Nam, một quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới, đang phải đối mặt với những biến động mạnh mẽ của khí hậu.
Các yếu tố gây ra biến đổi khí hậu chủ yếu bao gồm hoạt động của con người và các yếu tố tự nhiên. Hoạt động công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và xây dựng đều góp phần làm tăng lượng khí nhà kính trong khí quyển, chủ yếu là CO2, CH4 và N2O. Phá rừng và thay đổi sử dụng đất cũng làm giảm khả năng hấp thụ CO2 của các hệ sinh thái.
Thanh niên Sóc Trăng trồng 20.000 cây đước rừng phòng hộ ven biển.

 

 

Các biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam gồm: nhiệt độ trung bình hàng năm tăng khoảng 0,5 – 0,7 độ C trong vòng 50 năm qua; mực nước biển dâng khoảng 20 cm trong thế kỷ qua; hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, bão và nắng nóng kỷ lục đang trở nên phổ biến hơn; sự biến đổi của hệ sinh thái…
Ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ chính phủ, các cấp, ngành, địa phương mà giới trẻ cũng có vai trò rất lớn trong việc ứng phó với chống biến đổi khí hậu.
Báo cáo: “Thanh niên trong chuyển đổi năng lượng công bằng” và “Thanh niên trong giáo dục về biến đổi khí hậu” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố hồi đầu năm 2024 cho thấy, giới trẻ ở Việt Nam đang nỗ lực giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu và đề xuất các giải pháp.
Các báo cáo nhấn mạnh thanh niên đang tận dụng lợi thế của chuyển đổi số và mạng xã hội để nâng cao kiến thức và kỹ năng về biến đổi khí hậu. Điều này cũng giúp thanh niên nâng cao khả năng tạo ra những cải tiến mới và thực hành các kỹ năng xanh.
Báo cáo “Thanh niên trong chuyển đổi năng lượng công bằng” đã chỉ ra vai trò quan trọng của thanh niên với tư cách là những người ủng hộ, nhà giáo dục, nhà đổi mới và nhà lãnh đạo trong các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững. Báo cáo ghi nhận sự nhiệt tình tham gia của thanh niên đồng thời cũng kêu gọi sự chú ý đến khoảng cách đáng kể về kiến thức kỹ thuật và kỹ năng xanh cần thiết cho công việc tương lai trong lĩnh vực năng lượng bền vững.
Báo cáo “Thanh niên trong giáo dục về biến đổi khí hậu” nhấn mạnh nhu cầu lớn của thanh niên về học tập, trải nghiệm và tiềm năng của thanh niên nông thôn trong việc thực hiện hành động tại địa phương để giải quyết các vấn đề môi trường. Báo cáo hoan nghênh việc tích hợp nội dung biến đổi khí hậu gần đây vào chương trình giảng dạy, công nhận vai trò của số hóa trong việc tăng cường học tập về biến đổi khí hậu, ủng hộ việc mở rộng và chính thức hóa các tài nguyên trực tuyến vào hệ thống giáo dục.
Sáng kiến Thanh niên hành động vì biến đổi khí hậu Youth4Climate và cổng thông tin học tập về biến đổi khí hậu của thanh niên, được hỗ trợ bởi Chương trình lời hứa khí hậu của UNDP, đã trở thành nền tảng quan trọng cho tiếng nói của giới trẻ, khuyến khích họ chia sẻ ý tưởng và tham gia vào nỗ lực của đất nước nhằm đạt được các mục tiêu biến đổi khí hậu.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: “Khi Việt Nam hướng tới một tương lai phát thải ít carbon, thông điệp từ thanh niên rất rõ ràng: chúng ta không chỉ nên ghi nhận mà còn tích cực đầu tư vào khả năng của thế hệ trẻ trong việc đóng vai trò có ý nghĩa trong quá trình chuyển đổi năng lượng. UNDP sẵn sàng làm cầu nối để thanh niên Việt Nam tiếp cận và truyền tải kiến thức cũng như sự năng động của mình vào việc thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng JETP của Việt Nam”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *