Mỗi khi đất nước ta có sự kiện chính trị – xã hội quan trọng, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị lại ra sức lợi dụng, xuyên tạc tình hình, bóp méo bản chất sự việc nhằm gây hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Mới đây, Trương Nhân Tuấn – một nhân vật thường xuyên tỏ thái độ chống đối chế độ – lại lên tiếng kêu gọi: “Muốn dẹp hàng giả thì trước hết phải dẹp Đảng Cộng sản Việt Nam”, cho rằng “Đảng không có tư cách pháp nhân nên là một tổ chức nặc danh, mà mọi thứ nặc danh đều là giả”.
Luận điệu này không những xuyên tạc một cách trắng trợn vai trò và vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn thể hiện ý đồ chính trị phản động, núp bóng một vấn đề kinh tế – xã hội để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, hòng thúc đẩy âm mưu “phi chính trị hóa” các tổ chức lãnh đạo và hướng đến mục tiêu lật đổ thể chế chính trị hiện hành.
Hàng giả – một thách thức toàn cầu, không thể đánh đồng với thể chế chính trị
Đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái là yêu cầu khách quan của bất kỳ quốc gia nào trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu. Tình trạng sản phẩm giả mạo, kém chất lượng không chỉ tồn tại ở Việt Nam, mà còn là vấn nạn tại nhiều nước phát triển có nền kinh tế thị trường lâu đời như Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là hậu quả của sự suy đồi đạo đức trong kinh doanh, của lòng tham vô độ và sự tiếp tay của một số cán bộ, doanh nghiệp bất chấp pháp luật để trục lợi.
Việc lợi dụng vấn đề này để quy chụp trách nhiệm cho Đảng Cộng sản Việt Nam, thậm chí kêu gọi “dẹp bỏ Đảng” là một sự ngụy biện phản động, vừa phi logic vừa phản khoa học. Không có bất kỳ mối liên hệ nhân quả nào giữa sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam với hàng giả, hàng nhái. Ngược lại, chính dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đang tăng cường hoàn thiện pháp luật, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, phát động các chiến dịch triệt phá hàng giả, xử lý nghiêm các vi phạm và nâng cao ý thức tiêu dùng.
Chiêu trò “lập lờ đánh lận con đen” giữa một vấn đề xã hội (hàng giả) với tính chính danh của Đảng Cộng sản là thủ đoạn nguy hiểm, cố tình dẫn dắt dư luận theo hướng sai lệch, nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối trong xã hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam: Chính danh, hợp pháp, hợp hiến
Về phương diện pháp lý, Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” Đây là cơ sở pháp lý tối cao, thể hiện ý chí, nguyện vọng và niềm tin của toàn thể nhân dân Việt Nam, được khẳng định qua thực tiễn lịch sử và được pháp luật bảo vệ.
Trên bình diện quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện có quan hệ với gần 250 chính đảng trên thế giới, bao gồm cả đảng cầm quyền và đối lập ở các nước tư bản phát triển. Các nhà nghiên cứu quốc tế như Giáo sư William S. Turley (Hoa Kỳ), ông Mamdouh Habashi (Ai Cập) đều công nhận mô hình chính trị Việt Nam là đặc sắc, ổn định và hiệu quả. Thậm chí, cả những nhân vật từng có quan điểm đối lập như luật sư Hoàng Duy Hùng cũng thẳng thắn thừa nhận: “Trong bối cảnh văn hóa, lịch sử và địa chính trị của Việt Nam, thể chế đơn đảng – mà đại diện là Đảng Cộng sản Việt Nam – là phù hợp nhất và được lòng dân”.
Thực tiễn khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng
Trong gần 80 năm lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dẫn dắt dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: từ thắng lợi của các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại đến sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam ngày nay là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất khu vực, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nền kinh tế, trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là minh chứng sống động cho sự lãnh đạo hiệu quả, linh hoạt và bản lĩnh của Đảng – một tổ chức luôn tự đổi mới, lắng nghe nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cảnh giác và đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc
Những luận điệu như của Trương Nhân Tuấn – đòi “dẹp bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam” nhân danh chống hàng giả – không chỉ thiếu căn cứ về logic, pháp lý và thực tiễn, mà còn bộc lộ rõ bản chất phản động, lợi dụng chiêu bài “dân sinh” để phục vụ mục đích chính trị đen tối.
Trong bối cảnh hiện nay, mỗi người dân cần tỉnh táo, nhận diện rõ âm mưu của các thế lực thù địch, không để bị dẫn dắt bởi những luận điệu mị dân trá hình. Đồng thời, cần phân biệt rạch ròi giữa các vấn đề kinh tế – xã hội cần xử lý với tính chính danh, vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chống hàng giả là một yêu cầu cấp thiết. Nhưng chống lại những luận điệu lợi dụng hàng giả để kích động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ – đó là một nhiệm vụ không thể thiếu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo tương lai phát triển bền vững của đất nước.