Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23089

Tính phổ biến của quyền con người trong điều kiện đa dạng văn hóa

Một dân tộc sẽ không tồn tại nếu cái bản sắc – nền văn hóa – của nó bị mai một, bị xâm lăng và đồng hóa. Cũng giống như sự đa dạng của sinh học quyết định đến sự sống còn của thiên nhiên, sự đa dạng văn hóa quyết định đến sự sống còn của loài người nói chung. Tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng văn hóa là tôn trọng quyền con người và bảo vệ xã hội loài người.

Tính phổ biến của quyền con người trong điều kiện đa dạng văn hóa

Quyền văn hoá bao gồm quyền được hưởng thụ văn hoá hay nói một cách ngắn gọn, người dân và cộng đồng có quyền đòi hỏi được hưởng thụ các sinh hoạt văn hoá.Văn hoá là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong suốt quá trình lịch sử của xã hội loài người, là một hệ thống các giá trị phản ánh bước tiến, mức độ và trình độ nhân tính hóa và ý thức về tự do, sự sáng tạo và hoàn thiện nhân cách của con người. Nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thường xuyên được thẩm định, đánh giá và tái khẳng định để tạo thành lịch sử mang tính xã hội. Văn hóa là nền tảng thiêng liêng của cuộc sống, là điểm tựa của các dân tộc, bảo đảm lợi ích của chính họ và nhiều thế hệ tiếp theo. Mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân đều có quyền được hưởng thụ văn hoá, và Nhà nước, với tư cách là một chính thể, cần đáp ứng những nhu cầu ấy của cộng đồng và người dân. Văn hóa luôn là nhân tố hình thành và định hướng cuộc sống. Thông qua hoạt động của ý thức, cách thức tư duy, niềm tin, các quan niệm về giá trị, về thiện ác, tự do, lẽ phải, pháp quyền… văn hóa giúp cho xã hội tiếp cận và trách được tác hại. Nó nói lên quyền con người của xã hội đó. Bản sắc văn hóa gắn liền với quyền con người. Trong nhiều nền văn hóa, việc xây dựng quyền con người là do xã hội nhiều hơn là do cá nhân và nhân quyền không dựa trên quyền lợi mà dựa trên nghĩa vụ.Nhận thức được hoạt động bảo vệ quyền con người xuất hiện sơm trong lịch sử, chúng thuộc nhiêu nền văn hóa khác nhau được thể hiện dưới các hình thức như: Ủng hộ tự do, bình đẳng dân chủ, khoan dung; Chống lại áp bức bất công, bảo vệ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương; Quyền lực chính trị được coi là để làm tốt và thực hiện khát vọng của nhân dân; Xem cộng đồng là nơi để hiện thực hóa các quyền và nghĩa vụ, bổn phận cá nhân; Xem luật pháp là nhằm ngăn ngừa kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu.

Phát huy bản sắc văn hóa

Quyền con người mang tính phổ biến, nó là các quyền được áp dụng cho tất cả mọi người bất kể vị thế xã hội của họ như thế nào. Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (1948) ghi nhận: Mọi người được hưởng tất cả các quyền và tự do nêu trong bản Tuyên ngôn này mà không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ…

Quyền con người phổ biến khi áp dụng vào thực tiễn sẽ phụ thuộc vào khả năng của các chủ thể. Đó là quyền được thể hiện và thực hành văn hoá hay nói cách khác các cá nhân và cộng đồng có quyền được bày tỏ, thể hiện những sáng tạo mang tính riêng, cá nhân của mình. Đây là một quyền đang được rất nhiều quốc gia, tổ chức và các nhà nghiên cứu quan tâm đến, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đề cao tính đa dạng của văn hoá lẫn sự lên ngôi của học thuyết hậu hiện đại. Họ thuộc những nền văn hóa khác nhau nên có các lý giải riêng về nhân quyền hoặc cách thức bảo đảm nhân quyền căn cứ vào hoàn cảnh thức tế đa dạng. Bỏ qua những yếu tố này thì quyền con người phổ biến chỉ tồn tại như những điều trừu tượng, hình thức mà hiệu lực của nó chỉ phát huy do sức ép từ bên ngoài như một sự áp đặt. Nhà nước cần phải tạo điều kiện tối đa cho các cá nhân, cộng đồng, tổ chức được thể hiện văn hoá hay tính sáng tạo của mình. Kích thích tính sáng tạo của mỗi cá nhân, cộng đồng và cả xã hội cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hoá.

Thành công của việc bảo đảm quyền con người ở các quốc gia, dân tộc phải là sự kết hợp những nguyên tắc, tiêu chuẩn nhân quyền phổ biến như đã được ghi nhận trong các văn kiện nhân quyền quốc tế với bối cảnh của sự đa dạng văn hóa. Chính vì vậy, Liên hợp quốc đã thừa nhận: Mỗi nền văn hóa đều có phẩm chất và giá trị cần được tôn trọng và bảo tồn. Mỗi dân tộc có quyền và nghĩa vụ phát triển nền văn hóa của riêng mình; Mọi dân tộc trên thế giới đều có khả năng bình đẳng để đạt được mức phát triển cao nhất về chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, kỹ thuật và tri thức; Tuy nhiên sự đa dạng về văn hóa, lịch sử không được sử dụng làm căn cứ cho những hoạt động mang tính phân biệt đối xử giữa các quốc gia, dân tộc, các nhóm người trong xã hội. Các quốc gia trong khi ghi nhơ tầm quan trọng của đặc thù về lịch sử, văn hóa, tôn giáo đều có nghĩa vụ tuân thủ các quyền và tự do cơ bản phù với Hiến chương Liên hợp quốc, Bộ luật nhân quyền quốc tế và các văn kiện quốc tế khác về quyền con người.

Bảo đảm quyền con người trong điều kiện đa dạng văn hóa thời kỳ đổi mới ở Việt Nam.

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là tổng hợp các giá trị tinh thần của dân tộc. Mỗi dân tộc có truyền thống và bản sắc của mình cả cộng đồng dân tộc Việt Nam có nền văn hóa chung thống nhất. Hơn 50 dân tộc Việt Nam đều có giá trị và sắc thái văn hóa riêng. Các giá trị và sắc thái đó bổ sung cho nhau làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và củng cố sự thống nhất dân tộc là cơ sở để giữ vững sự bình đẳng và phát huy tính đa dạng văn hóa của các dân tộc.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa” (Điều 41). Nhà nước Việt Nam cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa như Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật Điện ảnh năm 2006, Luật Di sản văn hóa năm 2009, Luật xuất bản năm 2012, Luật Quảng cáo năm 2013…, tạo lập một hành lang pháp luật rộng mở, thuận lợi cho các hoạt động về bảo tồn di sản văn hóa, tôn trọng quyền tự do sáng tạo và tự do hoạt động văn hóa của các tổ chức, cá nhân, bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan… Đặc biệt, Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan ở Trung ương và Ủy ban Nhân dân các cấp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia rộng rãi vào hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, mở rộng giao lưu, tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Ngoài ra, nhiều Luật và Pháp lệnh khác liên quan đến lĩnh vực văn hóa như Bộ luật Hình sự sửa đổi; Luật Báo chí sửa đổi; Luật Xuất bản; Luật Bình đẳng giới; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; đầu tư cho việc sưu tầm, nghiên cứu, giữ gìn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới.

Pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền văn hóa về cơ bản được xây dựng, hoàn thiện trên cơ sở thực tiễn tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đồng thời bảo đảm phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam không ngừng xây dựng và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của người dân; khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển cho lĩnh vực văn hoá; bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc, nhất là của các dân tộc thiểu số, trong đó có bảo tồn tiếng nói và chữ viết.

Nhà nước Việt Nam khuyến khích tự do trong sáng tạo nghệ thuật. Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn học, nghệ thuật của các dân tộc đạt được những kết quả thiết thực, đồng thời xuất hiện lực lượng sáng tác trẻ với những khả năng sáng tạo và sự đa dạng về phong cách. Phong trào văn nghệ quần chúng cũng có bước phát triển tích cực với nhiều câu lạc bộ văn học, nghệ thuật ra đời, góp phần cổ vũ, động viên sự sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị nghệ thuật cổ truyền và thưởng thức văn học, nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở cơ sở.

Việc đầu tư tu bổ di tích được thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo trì và tôn tạo di tích luôn ổn định và tăng dần theo từng năm (trong giai đoạn 2012-2015, đã tu bổ, tôn tạo tổng thể được 229 di tích, khu di tích; hỗ trợ chống xuống cấp cho 635 di tích). Nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo đang trở thành những sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh, có sức hấp dẫn khách tham quan ở trong và ngoài nước, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo thêm việc làm cho nhân dân địa phương. Việt Nam có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu được UNESCO công nhận là di sản thế giới, trong đó có Quần thể di tích Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Thành Nhà Hồ, Quần thể Danh thắng Tràng An, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Nhã nhạc, Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng, Hát Xoan, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc, Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản kinh Phật Trúc Lâm, Châu bản Triều Nguyễn.

Hệ thống bảo tàng ở Việt Nam tiếp tục được kiện toàn theo Quy hoạch tổng thể đến năm 2020. Đến nay, cả nước có 147 bảo tàng (24 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có gần 2.000 sưu tập hiện vật quý hiếm. Căn cứ Quy hoạch và định hướng phát triển bảo tàng đến năm 2020, một số dự án bảo tàng đã và đang được triển khai: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Văn học Việt Nam, Bảo tàng Sinh thái Hạ Long, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam… Một số bảo tàng ở các địa phương mới được xây dựng trong vài năm gần đây đã làm thay đổi diện mạo thiết chế văn hóa ở địa phương và đang dần trở thành điểm sinh hoạt văn hóa có sức hấp dẫn. Các bảo tàng Trung ương và địa phương chủ động phối hợp với các nhà sưu tập tư nhân, các Câu lạc bộ và hội sưu tầm cổ vật để tổ chức triển lãm, trưng bày chuyên đề, triển khai nhiều hoạt động quy mô quốc gia, quốc tế trên lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh… qua đó tạo điều kiện để các nhà sưu tầm tư nhân có cơ hội chia sẻ, trao đổi thông tin nhằm nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc như các điệu múa, làn điệu dân ca, lễ hội, bí quyết nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền… đã được nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa dưới nhiều hình thức và lưu truyền. Tính đến nay, trên cả nước đã kiểm kê được 39.366 di sản văn hoá phi vật thể, trong đó 121 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ đã thông qua 618 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” đủ điều kiện lấy ý kiến của nhân dân trước khi trình Hội đồng cấp Nhà nước. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác đang tiếp tục được sưu tầm nghiên cứu, phục hồi, tổ chức trình diễn, trực tiếp góp phần xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng.

Chính phủ Việt Nam luôn có những chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, trong đó có các chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam. Nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tập trung thực hiện điều tra, nghiên cứu, bảo tồn một số làng, bản tiêu biểu và lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc thiểu số, qua đó giúp đồng bào nhận thức giá trị văn hóa truyền thống, lựa chọn những yếu tố tiến bộ, phù hợp để bảo tồn, phát huy, góp phần xây dựng đời sống kinh tế – xã hội trên địa bàn. Từ năm 2006 đến nay, đã có 25 làng truyền thống tiêu biểu được bảo tồn, 50 lễ hội truyền thống được phục dựng; sản xuất và cung cấp sản phẩm văn hóa – thông tin cho 2.822 xã đặc biệt khó khăn, 345 đội thông tin lưu động tại các huyện miền núi khó khăn, 185 trường dân tộc nội trú; mua trang thiết bị hoạt động văn hóa – thông tin cho các đồn biên phòng trị giá 43,5 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành Văn hóa từ trung ương đến địa phương đã nghiên cứu và tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hoá mang tính sinh hoạt cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc (11 lần); Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc (07 lần); Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch dân tộc Khơ-me Nam Bộ (05 lần); Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính (03 lần).

Việt Nam đã tăng nhanh chi ngân sách nhà nước cho ngành thư viện. Hệ thống thư viện công cộng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, đáp ứng nhu cầu đọc sách báo cho nhân dân. Các thư viện tỉnh, thành phố được xây dựng trụ sở mới hiện đại với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng; một số thư viện cấp huyện được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng trở lên. Dự án củng cố và phát triển hệ thống thư viện công cộng với kinh phí là 137,75 tỷ đồng đã cấp 1.479.000 bản sách cho 63 thư viện tỉnh, 1.493.000 bản sách cho 400 thư viện huyện; hỗ trợ xây dựng 30 thư viện huyện, tại các huyện vùng sâu, vùng xa; cấp trang thiết bị cho 38 kho sách thư viện tỉnh. Đến năm 2014, cả nước có 17.709 thư viện công cộng/phòng đọc sách, tủ sách, trong đó có 01 Thư viện quốc gia, 63 thư viện tỉnh, thành phố, 659 thư viện quận, huyện, thị xã, 2.456 thư viện xã, phường, thị trấn, 14.470 phòng đọc sách xã và cơ sở (làng, thôn, bản), 61 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Bình quân số bản sách trong thư viện công cộng là 0,45 bản/người/năm.

Việt Nam đã và đang nỗ lực cao trong hoạt động xây dựng thể chế và bảo đảm thực thi những nội dung về lĩnh vực quyền con người nói chung và quyền trong lĩnh vực văn hóa nói riêng. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc về quyền văn hóa trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2013 rất ấn tượng trước sự đa dạng văn hóa giữa các vùng miền, các nhóm cộng đồng tại Việt Nam; đánh giá cao thành tựu Việt Nam đã đạt được trong bảo đảm và phát huy quyền văn hóa cho tất cả người dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *