Không phải vô cớ, càng không phải ngẫu nhiên mà người dân Việt Nam cũng như cộng đồng mạng xã hội trong và ngoài nước đặt cho RFA – Đài Á châu tự do biệt danh khả ố: “cái loa bốc mùi”. Bằng chứng là từ nhiều năm nay, RFA câu kết với các cá nhân, tổ chức phản động, thù địch và cơ hội chính trị rồi không từ bất cứ thủ đoạn đê hèn nào để điên cuồng chống phá thành quả cách mạng Việt Nam. Chúng ra sức bôi nhọ, bằng cách bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật để hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam, kể cả việc dùng tính mạng, sức khỏe người dân làm bàn đạp cho những mưu đồ chính trị đen tối.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đến nay, RFA cũng như VOA, BBC, RFI tiếng Việt và các trang mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài chỉ chăm chú châm chọc, bới móc để chống phá Việt Nam. Cụ thể là mới đây, RFA đã cho đăng bài viết với tựa đề: “Nhà nước cộng sản Việt Nam chống dịch Covid-19 bằng cách đàn áp người dân”. Nội dung bài viết này có đoạn: “Chính quyền Việt Nam đã khởi tố hàng trăm vụ án hình sự liên quan đến quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong 2 năm qua. Các chuyên gia luật đánh giá rằng hành động như vậy là vi phạm các quyền cơ bản của người dân, cũng như vi phạm luôn Hiến pháp của chính Việt Nam… Trong suốt gần 5 tháng của đợt dịch lần thứ 4 tại các tỉnh, thành phía Nam, bên cạnh việc áp dụng các chỉ thị nghiêm ngặt để phòng ngừa lây lan dịch bệnh, chính quyền địa phương ở nhiều nơi còn thực hiện khởi tố cả trăm vụ án hình sự liên quan đến dịch Covid-19”.
Có một thực tế không ai phủ nhận đó là mỗi dân tộc có nền văn hóa mang bản sắc riêng. Vì thế, pháp luật của mỗi quốc gia trên thế giới này cũng không hề giống nhau. Cùng một hành vi vi phạm, nhưng ở quốc gia này có thể được xử phạt nhẹ hơn đối với quốc gia khác. Tạp chí điện tử Pháp lý ngày 7-7-2021 cho biết, trước làn sóng lây nhiễm của các biến thể mới với tốc độ đáng báo động, từ tháng 2-2021, Vương quốc Anh đã siết chặt các yêu cầu phòng, chống dịch. Đối với những người không tuân thủ các quy tắc cách ly, đồng thời khai báo không trung thực…, có thể phải đối mặt với án phạt nặng nhất lên tới 10 năm tù giam và mức phạt hành chính từ 5.000-10.000 bảng. Những người bị bắt gặp tham gia tiệc với hơn 15 người tham dự sẽ bị phạt cảnh cáo lần đầu ở mức 800 bảng Anh, sau đó là 6.400 bảng Anh nếu tái phạm. Đối tượng chống đối, không làm xét nghiệm bắt buộc khi nhập cảnh sẽ bị phạt 1.000 bảng Anh. Mức phạt sẽ tăng lên gấp đôi đối với ai không tiến hành xét nghiệm lần thứ 2.
Còn tại Nhật Bản, người vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 không những bị xử lý hành chính hoặc hình sự mà còn bị công bố công khai tên tuổi, nghề nghiệp và nơi ở trên trang web chính thức của Chính phủ. Tại Hàn Quốc, từ cuối tháng 3-2020, quốc gia này đã thông qua đạo luật nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó có điều khoản phạt tối đa 1 năm tù hoặc 10 triệu won (tương đương 8.200 đô la Mỹ) với những người cố tình vi phạm quy định về cách ly.
Cũng trong tháng 3-2021, Cộng hòa Liên bang Đức đã đưa ra mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm những quy định về ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Theo đó, bang Nordrhein-Westfalen là bang đầu tiên ở nước này đưa ra các mức phạt tiền dành cho người vi phạm, tiền phạt sẽ được chia thành nhiều mức khác nhau tùy từng trường hợp. Cụ thể, đối với trường hợp tự ý đến viện dưỡng lão, bệnh viện hoặc nơi ở của người già, người vi phạm sẽ phải chịu mức tiền phạt lên tới 800 euro. Đối với việc tụ tập tại nơi công cộng từ 2 người trở lên sẽ chịu mức phạt 200 euro và 250 euro đối với trường hợp cố tình tổ chức các buổi dã ngoại và tiệc nướng ngoài trời. Đối với bất cứ người nào tiếp tục mở cửa quán rượu, câu lạc bộ hay phòng tập thể thao mà trước đó đã được yêu cầu dừng hoạt động sẽ bị phạt 5.000 euro, trong khi mức phạt đối với các nhà hàng là 4.000 euro.
Trong khi đó, do thu nhập của người dân chưa cao nên mức phạt đối với những hành vi vi phạm tương tự ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia nói trên. Theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị phạt tới 3 triệu đồng; hành vi che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch, không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng thì bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng;… Đặc biệt, cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh còn có thể bị xử lý hình sự.
Trong đợt dịch lần thứ 4, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cũng đã phát hiện và xử lý nhiều đối tượng vi phạm. Cụ thể, trong 6 tháng qua, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có số người vi phạm cao nhất, nhưng đến nay mới xử phạt hành chính 26 vụ, ra quyết định khởi tố 33 bị can liên quan tới các vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Như vậy, thông tin của RFA về việc xử lý đối tượng vi phạm các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam trong thời gian qua hoàn toàn là sai sự thật. Mang tiếng là “Á châu tự do” nhưng tất cả bài viết mà RFA thông tin về Việt Nam từ xưa đến nay chưa bao giờ đúng sự thật. Thử hỏi, với “cái loa bốc mùi” như thế thì chẳng ai mà nghe và cũng không ai tin.
Nhật Minh