Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
93756

Quan điểm về giáo dục quyền con người của Liên Hợp quốc

 

Giáo dục nhân quyền được coi là một cách để xây dựng và đẩy mạnh kiến thức về quyền con người cũng như những thái độkỹ năng cần thiết để thực hiện quyền con người. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, để mọi người có thể thực hiện quyền con người như một thói quen, các chủ thể của quyền cần nắm rõ quyền của họ và có thái độ, kỹ năng để đấu tranh cho các quyền đó, còn các chủ thể có nghĩa vụ cần hiểu rõ nghĩa vụ thực hiện quyền con người của họ và có thái độ và kỹ năng tôn trọng, bảo vệ đầy đủ các quyền con người. Thông qua đó góp phần tạo ra một nền văn hóa phổ quát về quyền con người, nâng cao nhận thức xã hội, phòng ngừa các hành vi vi phạm và giúp người thụ hưởng nói chung biết cách tự bảo vệ các quyền và tự do của bản thân, đồng thời tôn trọng quyền và tự do của người khác[1].

Giáo dục quyền con người tiếp tục được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc như là một trong các biện pháp nhằm thực thi các quyền con người

Với chức năng là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia cần có phương thức nhằm nâng cao hiểu biết về quyền con người cho mọi thành viên trong xã hội, từ người hưởng quyền đến những con người thực thi quyền, trong phạm vi rộng, có sự liên kết giữa các quốc gia, khu vực trong công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền con người. Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định: “Tuyên ngôn này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục,…”[2]. Tiếp đó, giáo dục quyền con người tiếp tục được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc như là một trong các biện pháp nhằm thực thi các quyền con người trên thực tế như Điều 13 Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966[3], hay Điều 2 Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị tuy năm 1966.[4]

Tiếp đó, trong Tuyên bố Viên và Chương trình hành động năm 1993, Hội nghị thế giới về quyền con người tái khẳng định rằng: Các quốc gia có nghĩa vụ bảo đảm rằng giáo dục phải nhằm mục đích tăng cường sự tôn trọng các quyền con người và tự do cơ bản”. Đồng thời nhấn mạnh: “Giáo dục cần nhằm thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung, hoà bình và quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, giữa các nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo”[5].  Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã thông qua Nghị quyết số 49/84 tuyên bố thực hiện Thập kỷ giáo dục quyền con người giai đoạn 1995-2004 trên toàn thế giới, trong đó Đại hội đồng đã coi giáo dục quyền con người là “một quá trình lâu dài mà con người ở tất cả các trình độ phát triển và tất cả các tầng lớp xã hội đều được học cách tôn trọng đối với phẩm giá của người khác và học về các phương tiện, cách thức để đảm bảo sự tôn trọng đó trong tất cả các xã hội”[6]. Đồng thời trong Tuyên bố về Thập kỷ giáo dục quyền con người của Liên hợp quốc cũng đã định nghĩa giáo dục quyền con người là các hoạt động “đào tạo, phổ biến và thông tin nhằm xây dựng một nền văn hóa phổ biến về quyền con người thông qua việc truyền đạt các kiến thức, các kỹ năng và tạo nên thái độ nhằm vào tăng cường sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản; Thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng giới và sự đoàn kết giữa các quốc gia, người bản địa và các nhóm chủng tộc, quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ…”[7]. Năm 2011, Liên hợp quốc cũng đã thông qua Tuyên ngôn về Giáo dục và Đào tạo quyền con người, trong đó nhấn mạnh giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng “một nền văn hóa quyền con người” toàn cầu

Như vậy, với tư cách là tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu thực hiện chức năng chính là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Liên hợp quốc đã không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng khung pháp lý và đề xuất các giải pháp cho các quốc gia thành viên nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu, trong các văn kiện đó, Liên hợp quốc đã bày tỏ rõ ràng về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, coi đó như một biện pháp nhằm thúc đẩy và tôn trọng các quyền con người của tất cả các cá nhân, không có sự phân biệt nào về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo[8].

[1] Viện nhân quyền Đan Mạch, “Tài liệu hướng dẫn giáo dục nhân quyền, hướng dẫn của chuyên gia trong việc lập kế hoạch và quản lý giáo dục nhân quyền”, 2019; ‘Giáo dục nhân quyền: biện pháp “dài hơi” thúc đẩy bảo đảm quyền con người, truy cập tại: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/giao-duc-nhan-quyen-bien-phap-dai-hoi-thuc-day-dam-bao-quyen-con-nguoi-301156.html, ngày 26/8/2020.

[2] Xem nội dung Tuyên ngôn tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948/65774/noi-dung.aspx , truy cập ngày 12/7/2020

[3] Nguồn http://www.ohchr.org/Documents/ProfessionalInterest/cescr.pdf, truy cập ngày 12/7/2020

[4] Nguồn http://www.ohchr.org/EN/ProfessionalInterest/Pages/CCPR.aspx, truy cập ngày 12/7/2020

[5] Nguồn http://hcrc.hcmulaw.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=14:tuyen-b-vien-va-chng-trinh-hanh-ng-nm-1993&catid=7:cac-vn-kin-nhan-quyn-quc-t-c-bn-&Itemid=19 , truy cập ngày 12/7/2020

[6] Xem Nghị quyết số 49/84 tuyên bố thực hiện Thập kỷ giáo dục quyền con người giai đoạn 1995-2004 ngày 23/12/1994 tại http://www.un.org/documents/ga/res/49/a49r184.htm , truy cập ngày 12/7/2020

[7] Xem Nghị quyết số 49/84 tuyên bố thực hiện Thập kỷ giáo dục quyền con người giai đoạn 1995-2004 ngày 23/12/1994 tại http://www.un.org/documents/ga/res/49/a49r184.htm

[8] Nguồn http://hcrc.hcmulaw.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=14:tuyen-b-vien-va-chng-trinh-hanh-ng-nm-1993&catid=7:cac-vn-kin-nhan-quyn-quc-t-c-bn-&Itemid=19 , truy cập ngày 20/8/2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *