Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13374

Phát huy dân chủ trực tiếp từ thiết chế Thanh tra nhân dân

Thực hiện pháp luật về Thanh tra nhân dân (TTND), các tổ chức TTND đã được thành lập và phát huy được vị trí, vai trò của mình trong giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị,  góp phần ngăn chặn tiêu cực, hành vi vi phạm chính sách, pháp luật, phát huy được quyền làm chủ trực tiếp của người lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Ban TTND vẫn còn những hạn chế, bất cập thậm chí vai trò của Thanh tra Nhân dân còn mờ nhạt, chưa phát huy được hiệu quả.

Một là, cần thống nhất nhận thức TTND chỉ là hình thức giám sát của nhân dân, không có liên hệ trực tiếp với thanh tra nhà nước. Đây là hai loại hình kiểm soát khác nhau. Thanh tra nhà nước là việc xem xét, đánh giá, xử lý việc chấp hành pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, mang tính quyền lực. TTND chỉ có nhiệm vụ phát hiện và thông tin, kiến nghị từ phía xã hội. Vì vậy, nên có luật khác điều chỉnh giám sát của Ban TTND (tách chế định TTND ra khỏi Luật Thanh tra) với nội dung kế thừa các quy định về TTND trong Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay và một số quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở và giám sát đầu tư của cộng động.

TTND giám sát viêc thi công đường rỗng Củ Chi kênh đình, xã Cẩm Giang.

Hai là, quy định cụ thể việc tổ chức các Ban TTND ở cơ sở và các cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với thực tiễn, không nên quy định chung việc thành lập Ban TTND ở xã, phường, thị trấn và cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

Cần quy định rõ việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân là bắt buộc ở cấp xã, phường, thị trấn. Trong bối cảnh hiện nay, khi thực hiện chủ trương hợp nhất một số xã, phường và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, cần điều chỉnh số lượng theo hướng tăng thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở một số địa phương cho phù hợp với thực tiễn.

Với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước chỉ nên thành lập Ban TTND ở những cơ quan, tổ chức, đơn vị có quy mô thực sự lớn (dựa vào mô hình tổ chức, phân cấp quản lý và số lượng người làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị). Bởi lẽ, hiện có nhiều cơ chế tham gia vào việc thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức đơn vị đó. Vấn đề là cần phát huy vai trò của các cơ chế đó như thế nào. Việc thành lập Ban TTND trong doanh nghiệp nhà nước cũng cần phải được quy định cho phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp nhà nước chi phối…).

Giới hạn nội dung giám sát của Ban TTND cho phù hợp với thực tế, bảo đảm hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung và gắn trực tiếp với mục đích phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đơn vị.

Ba là, sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết bảo đảm phát huy vai trò của xã hội, trong đó có vai trò của Ban TTND trong phòng, chống tham nhũng; hướng dẫn về trình tự, thủ tục trong hoạt động của Ban TTND trong việc  thu thập thông tin, kiến nghị, phản ánh, tham gia xác minh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Bốn là, bảo đảm cơ chế lựa chọn người tham gia Ban TTND có trách nhiệm cao, có kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn bảo đảm sự linh hoạt. Cần nghiên cứu tăng thời gian nhiệm kỳ của Ban TTND lên 5 năm nhưng có cơ chế lựa chọn để hàng năm có sự sàng lọc để miễn nhiệm thành viên Ban TTND không đủ năng lực và lựa chọn thành viên tích cực, có trách nhiệm, chuyên môn phù hợp để bầu bổ sung.

Năm là, quy định cụ thể chế độ đãi ngộ đối với người tham gia Ban TTND trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nguồn kinh phí cho các Ban TTND hoạt động cần được tách thành nguồn riêng thông qua Mặt Trận Tổ quốc hoặc Tổng Liên Đoàn lao động, không phụ thuộc vào kinh phí của chính quyền địa phương và kinh phí hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Sáu là, đổi mới phương thức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng tham gia Ban TTND, nhất là tập huấn các kỹ năng phát hiện, xử lý thông tin, kiến nghị, phản ánh, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.■

  1. Nguyễn Tuấn Khanh*

* Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *