Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
15808

Ông Diệp Dũng bị xét xử kín về cáo buộc Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước

Sáng 28/4, ông Diệp Dũng, cựu chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, bị xét xử kín về cáo buộc Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

Ông Diệp Dũng, 54 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM – Saigon Co.op, bị TAND TP HCM xét xử theo Điều 337 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 2-7 năm tù.

Bị cáo buộc vai trò chính trong vụ án, Lê Thị Phương Hồng (43 tuổi, kinh doanh tự do sau khi không còn là công an) và Nguyễn Hoài Bắc (38 tuổi, cựu cán bộ Phòng An ninh Kinh tế Công an TP HCM) bị truy tố về tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, khung hình phạt 5-10 năm tù.

Vụ án liên quan đến bí mật Nhà nước, theo quy định phải xét xử kín. Hôm 6/4, phiên xử đã không diễn ra như dự kiến do các luật sư và bị cáo xin hoãn.

Năm ngày trước, bà Diệp Tú Anh (91 tuổi, mẹ ông Diệp Dũng, cựu biệt động Sài Gòn) đã gửi đơn đến Chánh án TAND TP HCM và chủ toạ Trần Minh Châu xin được gặp con trong những ngày xét xử. “Tôi được biết đây là vụ án xét xử kín nên không ai được vào tham gia phiên tòa nếu không được sự triệu tập của tòa. Vì vậy, chỉ mong quý cấp trong chức trách của mình cho phép tôi được gặp con trai sau khi được dẫn giải đến tòa, trong giờ giải lao hoặc ngay sau khi kết thúc phiên tòa”, bà nêu trong đơn.

Theo bà Diệp Tú Anh, sức khỏe bà đã suy giảm nhiều, thậm chí thời gian tồn tại trên cõi đời này là không dài. Gần một năm rưỡi ông Dũng bị bắt, gia đình bà chưa được gặp mặt. Bà Anh lo nếu bản thân có mệnh hệ nào thì không được gặp con lần cuối. “Vì vậy, bằng đơn này xin khẩn cầu đến quý cấp cho phép tôi được gặp mặt con. Tôi cam kết tuân thủ mọi quy định của pháp luật trong việc gặp gỡ này và tôi cũng hiểu rằng đây là một ngoại lệ đặc biệt cho bản thân tôi”, đơn của bà Anh viết.

Bào chữa cho ông Diệp Dũng có luật sư Phan Trung Hoài; luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP HCM) và luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn luật sư Bắc Giang).

Ông Diệp Dũng. Ảnh: Pháp luật TP HCM

Ông Diệp Dũng. Ảnh: Pháp luật TP HCM

Vụ án được phát hiện cuối tháng 9/2020, khi ông Dũng làm việc với Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM về các dấu hiệu sai phạm tại Saigon Co.op. Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết có người đã cung cấp thông tin liên quan đến quá trình xác minh nguồn tin về tội phạm cho mình. Cơ quan điều tra sau đó làm việc với cán bộ tham gia tổ xác minh, phát hiện Nguyễn Hoài Bắc (thành viên) đã làm lộ thông tin. Còn người tiết lộ các tài liệu điều tra cho ông Dũng là Hồng – sống như vợ chồng với Bắc.

Theo cáo trạng, quá trình chung sống với Hồng, Bắc đã mang nhiều tài liệu làm việc với ông Diệp Dũng (bản tự khai, biên bản ghi lời khai)… về nhà người tình. Điều tra viên này cũng thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về quá trình điều tra, xác minh nguồn tin về tội phạm cho Hồng biết. Người đàn bà này đã lén đọc, ghi lại số điện thoại của ông Dũng.

Tháng 8/2020, Hồng chủ động nhắn tin làm quen ông Dũng, nói biết sự việc ông này đang bị điều tra, nếu muốn có thể giúp đỡ. Do không biết người nhắn tin cho mình là ai, ông Dũng trả lời “cảm kích về tình cảm của anh nhiều lắm, sẽ đền đáp tấm chân tình này”.

Sau thời gian liên lạc qua điện thoại, Chủ tịch Saigon Co.op hẹn gặp Hồng tại quán cà phê ở quận 5 trao đổi. Bà này gửi một số thông tin về quá trình điều tra tại Saigon Co.op, các sai phạm của ông Dũng khiến Saigon Co.op bị truy thu thuế, đồng thời hứa “giúp vượt qua vụ việc”.

Cơ quan điều tra xác định, nhiều ngày sau, ông Dũng nhờ tài xế đưa cho Hồng phong bì có 100 triệu đồng và mẩu giấy ghi nội dung nhờ theo dõi phản hồi của cơ quan thuế. Trong các tài liệu Hồng gửi cho ông Dũng, có 5 tài liệu thuộc danh mục tài liệu “Mật”.

Khai với cơ quan điều tra, Hồng thừa nhận hành vi, cho rằng sai phạm xuất phát từ động cơ ghen tuông. Do Bắc thường xuyên gặp gỡ người phụ nữ khác, Hồng đã cài phần mềm xem lén điện thoại của người tình để theo dõi “có người phụ nữ khác hay không”. Từ đó, Hồng xem được các thông tin Bắc thường xuyên trao đổi với bà Hồ Mỹ Hòa (Giám đốc Phòng Tài chính Saigon Co.op) về các sai phạm của ông Diệp Dũng.

Vì muốn lấy lòng Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op để được giới thiệu mối bán hàng giá rẻ (Hồng kinh doanh hai cửa hàng), bà này đã chủ động trao đổi và cung cấp thông tin cho ông Dũng. Tuy nhiên, Hồng không nói động cơ này cho ông Dũng biết.

Còn Bắc khai, có phát hiện Hồng cài phần mềm theo dõi vào điện thoại và đồng bộ hộp thư điện tử, tài khoản Zalo nên đã yêu cầu người tình tháo gỡ. Bị can không biết Hồng đã sao chép thông tin tài liệu khi mình ngủ.

Quá trình điều tra, ông Dũng kêu oan, cho rằng không có động cơ chiếm đoạt tài liệu mật hay thu thập thông tin từ Hồng. Ông cũng không biết Hồng là ai và toàn bộ thông tin do người phụ nữ này chủ động trao đổi. Việc nhắn tin “cảm kích về tình cảm của anh nhiều lắm, sẽ đền đáp tấm chân tình này” là vì thời điểm đó bản thân đang bị điều tra, được nhiều người nhắn tin quan tâm, động viên chia sẻ, nên trả lời tin nhắn nhằm cảm ơn, lịch sự chứ không có mục đích gì. Với các tin nhắn Hồng gửi sau này, ông Dũng không bàn bạc, trao đổi thông tin…

Trước phiên xử, luật sư của ông Dũng nhiều lần gửi kiến nghị các cơ quan tố tụng về việc cần thiết phải đưa 5 tài liệu được cho là bí mật Nhà nước mà ông Dũng chiếm đoạt vào hồ sơ vụ án. Đây là các vật chứng, căn cứ để xác định ông Dũng có phạm tội hay không, song luật sư không được tiếp cận.

Đồng thời, luật sư cũng đề nghị HĐXX triệu tập thêm nhân chứng, người liên quan là bà Hồ Mỹ Hòa và các điều tra viên liên quan đến vụ án ông Dũng đang bị điều tra, để làm rõ một số nội dung. Theo luật sư, hồ sơ thể hiện, bị cáo Bắc và Hoà nhiều lần trao đổi tin nhắn qua Zalo, email… và để Hồng làm lộ. Do đó, việc triệu tập bà này là cần thiết để xác định các nội dung trao đổi có phải là tài liệu mật hay không.

Ngoài vụ án này, cuối năm 2020, ông Diệp Dũng bị Công an TP HCM khởi tố về tội Lạm quyền trong thi hành công vụ. Hai ngày trước, ông Dũng bị Ban Bí thư quyết định khai trừ khỏi Đảng.

Tháng 7/2020, Thanh tra TP HCM kết luận, các hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op đạt lợi nhuận 5-6 tỷ đồng nhưng không góp vốn, trong khi nhiều hợp tác xã chỉ đạt lợi nhuận sau thuế từ 24 đến 500 triệu đồng một năm lại góp hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí có đơn vị kinh doanh thua lỗ vẫn góp 247 tỷ đồng. Việc này bị cho là có dấu hiệu thực hiện hành vi huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm ở lần bổ sung vốn điều lệ lên gần 6.800 tỷ đồng.

Theo cơ quan thanh tra, nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *