Công nhân ngồi sát nhau ở phòng thấp, sử dụng điều hòa, đi chung xe buýt… là nguyên nhân khiến Bắc Giang có gần 100 ca Covid-19 trong một ngày.
Sáng 16/5, tỉnh Bắc Giang ghi nhận thêm 98 ca Covid-19 liên quan đến ổ dịch Công ty Hosiden, thuộc khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên. Đây là một trong ba ổ dịch ở Bắc Giang, sau hai ổ dịch ở khu công nghiệp Vân Trung và xã Phương Sơn, huyện Lục Nam.
Từ ngày 27/4 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 314 ca Covid-19 cộng đồng, nhiều nhất cả nước. Dự báo thời gian tới, ổ dịch này tiếp tục có thêm ca nhiễm, sau khi có kết quả xét nghiệm 6.000 lao động.
Có nhiều nguyên nhân khiến số ca Covid-19 ở Bắc Giang tăng nhanh. Đầu tiên là ổ dịch bùng phát ở khu công nghiệp, tập trung số lượng lớn công nhân. Hai khu công nghiệp Quang Châu và Vân Trung thu hút hơn 160.000 lao động thuộc 14 tỉnh, thành phố, trong đó Vân Trung hơn 90.000.
Đề cập tới ổ dịch ở Công ty Hosiden, ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), chỉ ra dây chuyền làm việc ở công nhân ngồi rất sát nhau, phòng làm việc trần rất thấp, sử dụng điều hòa trung tâm, làm khả năng lây lan dịch bệnh.
Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương cũng nhận định “ổ dịch trong Công ty Hosiden là điểm nóng mới, rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh do công nhân làm việc trong phòng lạnh, khép kín”. Đây chính là lý do ngày 14/5 cơ quan chức năng ghi nhận 12 ca nhiễm ở Công ty Hosiden, đến sáng nay con số tăng lên đến 159. Số ca bệnh chiếm gần 38% trên tổng số mẫu xét nghiệm.
Hai khu công nghiệp Quang Châu và Vân Trung nằm gần nhau, cạnh trục đường huyết mạch là cao tốc Hà Nội – Bắc Giang và hai tuyến đường gom chạy song song với cao tốc. Hàng ngày, tuyến đường này có hàng trăm xe khách đi Lạng Sơn và các tỉnh phía nam dừng đỗ, đón trả khách.
Xung quanh khu công nghiệp có hàng trăm khu nhà trọ, nhà nghỉ, khu chợ, dịch vụ vui chơi, ăn uống. Hàng chục nghìn công nhân các khu trọ như My Điền 1, My Điền 2, My Điền 3 thuộc thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, đã bị phong tỏa do có công nhân ở trọ mắc Covid-19. Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã lấy mẫu xét nghiệm 15.000 người ở khu vực này.
Việc tập trung quá dày công nhân ở một nơi, nơi làm việc, ở trọ nằm sát tuyến giao thông huyết mạch làm tăng khả năng lây nhiễm dịch trên diện rộng. Trước nguy cơ này, Bắc Giang quyết định cách ly xã hội huyện Việt Yên, nơi có hai khu công nghiệp tập trung hai ổ dịch lớn nhất tỉnh từ 18h ngày 15/5.
Nguyên nhân thứ hai được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang chỉ ra là lây nhiễm trên các chuyến xe buýt chở công nhân và xe khách. Ngày 8/5, khi phát hiện ca Covid-19 ở khu công nghiệp Vân Trung, một số nhà xe phải dừng hoạt động vì một công nhân từng đi xe dương tính với nCoV.
Đến ngày 14/5, khi bùng phát ổ dịch ở khu công nghiệp Quang Châu, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các nhà xe chở hàng nghìn công nhân làm việc ở các khu công nghiệp liền kề nhau như Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám tạm dừng hoạt động để truy vết, đợi kết quả xét nghiệm diện rộng, nếu an toàn sẽ cho hoạt động trở lại.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu công an tỉnh chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của một nhà xe chở công nhân ở các khu công nghiệp này để xử lý.
Nguyên nhân thứ ba khiến dịch bệnh ở khu công nghiệp lây lan nhanh, theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang là Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Sở Y tế, UBND huyện Việt Yên phản ứng chậm trễ, lúng túng khi truy vết, phong tỏa, phát hiện, cách ly công nhân nhiễm nCoV ở thời điểm đầu, đặc biệt tại ổ dịch thứ hai Công ty TNHH Shinyoung Việt Nam, khu công nghiệp Vân Trung.
Ngày 14/5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 nhận định tốc độ kiểm soát dịch bệnh Bắc Giang chậm hơn dự kiến, một trong những nguyên nhân là tốc độ xét nghiệm chậm, chưa đáp ứng tốc độ lấy mẫu, truy vết. Hiện, công suất xét nghiệm của Bắc Giang đạt 1.500 mẫu mỗi ngày. Tỉnh đã lấy 30.000 mẫu, nhưng đến nay còn hơn 6.000 mẫu chưa có kết quả.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, đã phê bình lãnh đạo các ban, ngành; yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không để lặp lại sự việc tương tự, khắc phục lỗ hổng về phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp. Tỉnh đã đề nghị Quảng Ninh hỗ trợ xét nghiệm. Bộ Y tế cũng tăng cường lực lượng cho địa phương để giải quyết cơ bản vấn đề xét nghiệm, đáp ứng tốc độ truy vết, lấy mẫu.