Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
33963

Các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được thể hiện xuyên suốt trong Hiến pháp, pháp luật và các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở chính sách nhất quán đó, Việt Nam đã nghiêm túc triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, trong đó có các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) mà Việt Nam đã chấp thuận tại Chu kỳ III năm 2019 và từ đó đến nay đã tiến hành rà soát, tổng kết tình hình triển khai thực hiện để xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện này.

Việt Nam nỗ lực điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19

Tại Phiên thông qua Báo cáo UPR Chu kỳ III tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (tháng 7/2019), Việt Nam đã thông báo chấp thuận 241/291 khuyến nghị (đạt 83%). Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg, trong đó chỉ đạo việc xây dựng và nộp Báo cáo giữa kì thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III. Báo cáo này được xây dựng một cách toàn diện với sự đóng góp ý kiến của các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và người dân. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chủ trì tổ chức một số tọa đàm quốc tế với sự tham gia của các đại diện các bộ, ngành, các học giả, các đối tác quốc tế để chia sẻ thông tin, tham khảo ý kiến về tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn 2019-2021. Báo cáo này cũng đã tham khảo, kế thừa các nội dung phản ánh trong các Báo cáo quốc gia gần đây của Việt Nam về thực hiện các Công ước quốc tế, trong đó có Báo cáo thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (ICCPR) (tháng 3/2021), Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) (tháng 1/2021), Công ước chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác (CAT) (tháng 10/2020).

Năm 2021 tại Việt Nam đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại mang tính định hướng chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, nổi bật là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu cử Quốc hội và kiện toàn bộ máy Chính phủ khóa XV. Việt Nam đã đề ra tầm nhìn đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tầm nhìn đó một lần nữa khẳng định những cam kết của toàn hệ thống chính trị đối với mục tiêu phát triển đất nước, quyết tâm mạnh mẽ trong tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền với chính sách lấy người dân là chủ thể, là trung tâm, vì tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, đi đôi với phát triển bền vững, bao trùm nhằm nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *