Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14979

Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc Kỳ 2:“Bàn đạp” để đối phó với tàu nước ngoài

Sau hơn 2 tháng chính thức có hiệu lực, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận và gây nhiều tranh cãi, bất bình do có những điểm vi phạm Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Một thành phần quan trọng hơn của Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc là Điều 83, quy định rằng “CCG thực hiện các hoạt động quốc phòng và các nhiệm vụ khác theo Luật Quốc phòng, Luật Cảnh sát vũ trang và các luật khác có liên quan, các quy định của quân đội, và lệnh của Quân ủy Trung ương. Nói cách khác, Luật Hải cảnh mới chỉ rõ CCG là một tổ chức có chức năng kép của hải quân, tiến hành các hoạt động phòng thủ trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và là cơ quan thực thi pháp luật trên biển”. Sự hợp tác giữa CCG và Hải quân Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7-2020, trong một cuộc tập trận chung. Trong cuộc tập trận này, tàu đổ bộ Type 071 của Hải quân Trung Quốc và các tàu khác đã tham gia. Các binh sĩ của CCG, được sự hỗ trợ của hải quân, đã đổ bộ lên một đảo và tiến hành một cuộc tập trận để khuất phục những công dân kháng cự.

Tàu Trung Quốc đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku

Bryan Clark, một thành viên cấp cao và chuyên gia hải quân tại Viện Hudson có trụ sở tại Washington, nói rằng cuộc tập trận không nhằm mô phỏng một cuộc tấn công nhằm vào một lực lượng quân sự khác mà là sử dụng quân đội trong một hoạt động của cảnh sát để trấn áp tình trạng bất ổn tiềm tàng của dân thường. “Đây là bước chuẩn bị để ngăn các quốc gia tăng cường kiểm soát hiệu quả đối với các quần đảo trên Biển Đông”, ông Bryan Clark nhận định và cho biết thêm, Điều 12 của Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc đã quy định trách nhiệm của CCG như sau: (i) Trên các vùng biển thuộc thẩm quyền của mình, tuần tra, cảnh giác, túc trực trên các đảo trọng yếu, quản lý, bảo vệ biên giới biển, ngăn chặn, kiềm chế, xóa bỏ các hành vi đe dọa chủ quyền, an ninh, lợi ích biển của quốc gia; (ii) Bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng yếu trên biển và các hoạt động quan trọng, thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn các đảo trọng yếu, cũng như các đảo nhân tạo, các công trình và cơ chế trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Điều 20 thì cho phép CCG ra lệnh đình chỉ các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm cả việc lắp đặt các cơ sở và tòa nhà của các tổ chức hay cá nhân nước ngoài, hoặc ra lệnh cải thiện tình hình trong một thời hạn quy định. Trong trường hợp bị từ chối, luật cho phép CCG, khi cần thiết, theo đuổi các biện pháp trừng phạt khác nhau như dỡ bỏ các cơ sở và tòa nhà này…

Đồng thời, ông Bryan Clark cũng lưu ý rằng, Luật Hải cảnh mới cho phép có các biện pháp bắt buộc chống lại tàu chiến nước ngoài. Chẳng hạn Điều 21 quy định rằng trong trường hợp tàu quân sự nước ngoài hoặc tàu chính phủ hoạt động vì mục đích phi thương mại vi phạm luật nội địa của Trung Quốc trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, CCG sẽ có quyền thực hiện các biện pháp kiểm soát an ninh cần thiết để hạn chế hoạt động tàu quân sự nước ngoài và các tàu nước ngoài. Đối với những tàu từ chối rời đi và gây tổn hại hoặc đe dọa nghiêm trọng, CCG có quyền áp dụng các biện pháp như trục xuất và buộc phải lai dắt.

Bổ sung thêm quan điểm về những điều luật vô lý này, PGS-TS Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho hay, Điều 22 của Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc còn quy định rằng, CCG có thể sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả sử dụng vũ khí để ngăn chặn và loại bỏ các mối nguy hiểm khi các tổ chức và cá nhân nước ngoài xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia”. PGS-TS Vũ Thanh Ca nhấn mạnh, ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc xác lập theo UNCLOS, các quy định nêu trên trong Luật Hải đã trái với UNCLOS và nguy hiểm với cộng đồng quốc tế. “Đối với vùng biển tuyên bố quyền chủ quyền và quyền tài phán sai trái của Trung Quốc trong phạm vi đường chín đoạn hoặc theo Tứ Sa, các quy định này lại càng nguy hiểm. Luật này sẽ biến tàu thuyền của các quốc gia ven biển hoạt động hợp pháp trong vùng biển của mình xác lập theo UNCLOS thành các hoạt động bất hợp pháp và là đối tượng để lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tấn công, trục xuất, thậm chí nổ súng”, PGS-TS Vũ Thanh Ca phân tích.

Còn ông Bryan Clark thì cảnh báo: “Điều này không tương thích với UNCLOS bởi Điều 32 của Công ước quy định, đối với lãnh hải, với những ngoại lệ được nêu trong tiểu mục A và trong các điều 30 và 31, không điều gì trong Công ước này ảnh hưởng đến quyền miễn trừ của tàu chiến và các tàu khác của chính phủ hoạt động vì mục đích phi thương mại. Và liên quan đến việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, Điều 236 của UNCLOS quy định rằng các điều khoản của Công ước này liên quan đến bảo vệ và gìn giữ môi trường biển không áp dụng cho bất kỳ tàu chiến nào, tàu phụ trợ hải quân, các tàu khác hoặc máy bay do một quốc gia sở hữu hoặc khai thác và hiện chỉ được sử dụng cho dịch vụ phi thương mại của chính phủ. Rõ ràng, Công ước trao quyền miễn trừ cho các tàu quân sự, tàu hỗ trợ quân sự và tàu chính phủ khỏi quyền tài phán thực thi của các quốc gia ven biển. Nếu CCG thực hiện các biện pháp như cưỡng bức kéo tàu chiến hoặc tàu của chính phủ, thì đó sẽ là hành vi vi phạm UNCLOS”.

Huyền Chi (còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *