Kể từ khi có Luật số 72, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng đáng kể với hơn 80.000 người trung bình mỗi năm. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, thực tiễn đặt ra các yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật số 72.
Thứ nhất, quá trình hội nhập quốc tế và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép tự do di chuyển trong khối ASEAN dẫn đến xuất hiện nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới chưa được quy định trong Luật số 72 như: công dân xuất cảnh hợp pháp theo các mục đích không phải lao động, sau đó tìm được việc làm để cư trú và làm việc hợp pháp theo quy định của nước sở tại (Macao, Úc, New Zealand)… do vậy đã gặp một số khó khăn trong việc hướng dẫn thi hành Luật và công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Thứ hai, thực tiễn áp dụng Luật số 72 đã phát sinh một số vướng mắc, không còn phù hợp với thực tế hiện nay như: điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Thứ ba, một số quy định của Luật số 72 chưa đảm bảo sự đồng bộ với các Luật mới được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây như: Bộ luật Lao động 2012 và đã được sửa đổi, bổ sung 2019, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Việc làm 2013, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Dân sự 2015, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, …
Thứ tư, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đáp ứng tốt yêu cầu của người sử dụng lao động nước ngoài là do Luật số 72 quy định doanh nghiệp chỉ được phép tuyển chọn lao động sau khi hợp đồng cung ứng lao động được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận.
Thứ năm, Luật số 72 chưa quy định rõ về loại hình đối với Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, dẫn đến cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động và tổ chức bộ máy của Quỹ chưa được định hình rõ ràng. Những nội dung chi hỗ trợ của Quỹ được quy định trong Luật số 72 mới chỉ mang tính chất giải quyết rủi ro, chưa mang tính hỗ trợ thúc đẩy hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thứ sáu, tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và vấn đề số hóa đối với lao động di cư đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới một cách căn bản phương thức quản lý hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nói riêng và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế vì mục đích việc làm nói chung để phù hợp với những tiến bộ mới về khoa học công nghệ, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.
Bùi Sỹ Tuấn
Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội