Giành quyền sống là chính đáng đối với mọi người dân trên thế giới. Tuy nhiên chủ nghĩa dân tộc và chính sách “vị kỷ” trong cuộc đua giành quyền sống này có thể khiến hàng triệu người khác có thể không qua khỏi đại dịch lịch sử.
Tuy nhiên, một thực tế là thế giới chỉ có thể an toàn là phải đảm bảo tiêm chủng vaccine rộng rãi, bởi nếu dịch bệnh không bị đẩy lùi, sẽ lại có những biến thể virus mới và những loại vaccine hiện nay có thể sẽ không còn phát huy tác dụng.
Những điều trái ngược
Nhìn hình ảnh vui mừng của những người dân Anh hay Mỹ đầu tiên được tiêm vaccine trong chương trình mở rộng được truyền thông thế giới cập nhật những ngày qua cũng không giúp cô Lois Chingandu – một phụ nữ Zimbabwe cảm thấy lạc quan hơn. Giống như hầu hết những người dân châu Phi khác, cô mong được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và mong cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, không giống như người dân Anh đang nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, cô đã tự đặt câu hỏi “Không rõ khi nào người dân Zimbabwe sẽ được chủng ngừa? Giờ cô chỉ biết chờ đợi và hi vọng trong nỗi lo sợ rằng một ngày nào đó có thể mắc COVID và chết đi”. Là một nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phòng chống HIV, cô Chingandu hiểu rõ những khó khăn mà quốc gia còn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế này phải đối mặt để sở hữu vaccine ngừa COVID-19. Cô đã từng chứng kiến hàng nghìn người chết vì AIDS mỗi ngày vào cuối những năm 1990 ở Harare, thủ đô của Zimbabwe. Thời điểm đó đã có thuốc để ngăn chặn sớm những cái chết vì AIDS, nhưng chỉ dành cho những người có đủ khả năng chi trả. Và giờ đến COVID-19, cô chua xót nói “chỉ đến khi có người ban đặc ân với tuyên bố đã đến lúc cứu người nghèo, chúng tôi mới được tiêm vaccine”.
Điều này đang trái ngược hẳn với những quốc gia phát triển như Mỹ hay châu Âu. Tính đến ngày 24/12, hơn một triệu người dân Mỹ đã được tiêm liều đầu tiên vaccine COVID-19 và nước Mỹ thông báo sẽ tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD Mỹ để tiếp tục có các hợp đồng vaccine hiệu quả nhất. Dữ liệu của Bloomberg cũng cho biết, hiện có khoảng hơn 2 triệu người ở 6 quốc gia trên thế giới được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Con số này dự kiến tăng rất nhanh trong những ngày sắp tới, nhưng sẽ chỉ tập trung tại một số nước, một số khu vực, khác hoàn toàn so với con số thống kê số người mắc COVID đã bao phủ rộng toàn cầu.
Thế giới chỉ có thể an toàn khi tất cả mọi người đều an toàn
Nhiều người lý giải rằng, ở một khía cạnh nào đó, vaccine cũng là một loại hàng hóa, do vậy lẽ thường, ai có tiền sẽ mua được trước. Và để bảo vệ quyền sống của mình trong đại dịch, các nước phát triển thời gian qua đã chạy đua để sở hữu vaccine. Họ chi ra hàng tỷ USD để sở hữu những vaccine tốt nhất và hiệu quả nhất. Theo báo cáo của Oxfam và các tổ chức nhân quyền khác, các quốc gia giàu có chỉ chiếm 14% dân số thế giới đã sử dụng nguồn lực và ảnh hưởng của mình để thu được 96% vaccine của Pfizer và 100% của Moderna. Các quốc gia này thậm chí còn đang lên kế hoạch dự trữ. Điều đó cho thấy một thực tế đáng buồn là khi những nước giàu đang sở hữu những loại vaccine hiệu quả nhất, thậm chí còn dự trữ trong khi đó tại các nước nghèo, vaccine còn chưa đủ cho cả những đối tượng cần ưu tiên như bác sĩ tuyến đầu hay người già yếu. Ví dụ, nếu tất cả vaccine đang nghiên cứu cho kết quả khả quan, nhiều nước giàu sẽ có đủ lượng dự trữ cho ít nhất mỗi người một liều vaccine. Các quốc gia như Canada đã đặt mua tương đương 4 liều/người, trong khi các nước như Indonesia thì đặt mua không đủ, cứ 2 người mới có một liều tiêm. Theo các nhà nghiên cứu, ngay cả khi tất cả các nhà sản xuất có thể tạo ra các loại vaccine hiệu quả, an toàn và đáp ứng các mục tiêu sản xuất tối đa, “ít nhất 1/5 dân số thế giới cũng không được tiếp cận với vaccine cho đến năm 2022”. Điều này đặt ra lo ngại rằng những nước nghèo hơn sẽ bị bỏ lại đằng sau trong cuộc đua sở hữu vaccine này. Vấn đề nghiêm trọng tới mức Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres thừa nhận rằng, chủ nghĩa dân tộc về vaccine phòng COVID-19 đang “lan truyền với tốc độ tối đa”, khiến người dân ở các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới phải dõi theo một số nước giàu chuẩn bị triển khai hoạt động tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 như thế nào, rồi tự hỏi liệu mình có được tiêm vaccine này hay không.
Giành quyền sống là chính đáng đối với mọi người dân trên thế giới. Tuy nhiên chủ nghĩa dân tộc và chính sách “vị kỷ” trong cuộc đua giành quyền sống này có thể khiến hàng triệu người khác có thể không qua khỏi đại dịch lịch sử. Không chỉ là trong cuộc đua vaccine, dịch COVID-19 thời gian qua đã phơi bày những thực tế, chia rẽ giữa các quốc gia, khi các nước đồng minh quay mặt với nhau vì COVID-19, thậm chí dùng tiền để “nẫng tay trên” hàng hóa trang thiết bị bảo hộ y tế của các quốc gia khác trong thời kỳ đỉnh dịch. Tuy nhiên một thực tế mà các nước đều hiểu rõ rằng ngay cả khi các chương trình tiêm chủng hiệu quả và có chấm dứt đại dịch ở một số quốc gia phát triển, bản thân virus SARS-CoV-2 vẫn có thể tồn tại và lan rộng ở các nước nghèo. Điều này không chỉ gây nguy cơ đối với hàng triệu người sống ở các quốc gia đó, mà còn có thể tiếp tục lây lan sang những nơi khác. Thế giới chỉ có thể an toàn là phải đảm bảo tiêm chủng vaccine rộng rãi, bởi nếu dịch bệnh không bị đẩy lùi, sẽ lại có những biến thể virus mới và những loại vaccine hiện nay có thể sẽ không còn phát huy tác dụng.
Để giúp bảo đảm cơ chế phân phối vaccine công bằng và bình đẳng trên toàn cầu, nhiều sáng kiến đã được đưa ra, trong đó nổi bật là Sáng kiến COVAX nhằm đảm bảo tất cả người dân trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và có thu nhập thấp. Cho tới cuối năm 2021, COVAX cam kết sẽ cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho người dân. Số vaccine này đủ tiêm phòng cho nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao và các nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19. Toàn bộ 190 nền kinh tế đã đồng ý tham gia, chương trình này sẽ tiếp cận được vaccine trong 6 tháng đầu năm 2021, với lô hàng đầu tiên bắt đầu được phân phối trong quý I/2021.