Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14511

Gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong phòng, chống ma túy

 

Thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật, chiều 29/9 Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Sự cần thiết sửa đổi luật

Việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên; công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đã huy động được sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, đông đảo quần chúng; công tác cai nghiện có nhiều đổi mới; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đạt được nhiều kết quả; phát hiện, điều tra khám phá nhiều tổ chức, đường dây tội phạm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy trong nước và xuyên quốc gia, thu giữ khối lượng lớn chất ma túy…

Thứ trưởng Lê Quý Vương trình bày Tờ trình tại phiên họp.

Việc ban hành và thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy đã thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực thi các Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy cũng như các Nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống ma túy được ban hành từ lâu nên đã bộc lộ những hạn chế, bất cập; một số nội dung không thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự… nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.

“Căn cứ vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Chỉ thị số 36 ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị về “tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”, Chỉ thị số 25 ngày 5-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới” và xuất phát từ thực tiễn công tác phòng, chống ma túy trong tình hình hiện này, việc sửa đổi luật là hết sức cần thiết”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nêu rõ.

Theo đồng chí Thứ trưởng, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng CAND là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh, từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước…

Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và cụ thể hóa 3 nhóm chính sách được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng dự án Luật. Gồm 8 chương, 69 điều, dự thảo Luật tăng 13 điều so với Luật hiện hành, trong đó có 15 điều mới; sửa đổi, bổ sung 47 điều, giữ nguyên 7 điều.

Gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong phòng, chống ma túy

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, Luật Phòng, chống ma túy thời gian qua rất có hiệu lực trong quá trình thực hiện; lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng đóng góp hết sức tích cực… song tình trạng tội phạm ma túy ngày càng gia tăng, phức tạp. “Không có đợt tiếp xúc nào mà cử tri không kiến nghị vấn đề ma túy, xử lý tội phạm ma túy. Cho nên việc sửa luật là hết sức cần thiết để luật có hiệu lực triệt để, khắc phục những khó khăn hiện nay và đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống ma túy trong thời gian tới”, đại biểu nhận định.

Góp ý vào dự án Luật, ông đề nghị Luật phải quan tâm đến trách nhiệm và giáo dục các thành viên trong gia đình trong phòng, chống ma túy. “Cần cụ thể hóa thêm trong luật những trường hợp cán bộ có con cái nghiện ma túy thì thôi giữ chức vụ và không bổ nhiệm, như vậy mới hạn chế được. Sau đó nếu con hết nghiện thì bố mẹ mới được bổ nhiệm, phục hồi lại chức vụ. Theo tôi, nếu gia đình thiếu trách nhiệm thì Công an có vào cuộc tích cực đến mấy cũng khó ngăn chặn”, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nêu quan điểm.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị dự án Luật cần có các chế tài để cụ thể hóa việc xử lý những người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra tội phạm ma túy. “Đồng thời nên bổ sung trách nhiệm của cộng đồng, không chỉ cộng đồng sinh sống trong khu dân cư mà còn liên quan đến cả dòng họ. Nhất là hiện nay chúng ta có nhiều mô hình tốt, như mô hình dòng họ, khu dân cư không có ma túy; những người trong cùng gia đình, dòng họ có cách ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau cai nghiện ma túy rất tốt”, đại biểu góp ý thêm.

ĐBQH tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Ban soạn thảo thiết kế một chương riêng về lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy vì lực lượng này “đứng mũi chịu sào” ở những nhiệm vụ hết sức cam go, do đó cần có cơ sở pháp lý và cơ chế để anh em đủ sức mạnh và đúng tầm vóc trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. “Nên bổ sung và cần có chế độ đặc biệt cho lực lượng đấu tranh phòng, chống ma túy vì lực lượng này rất gian khổ, nguy hiểm”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đồng tình.Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu khác khi góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). “Trong lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng có nhiều cán bộ, chiến sỹ đấu tranh phòng, chống ma túy hy sinh, bị thương. Do đó dự án Luật cần có chế độ cụ thể đối với lực lượng này, lương bổng phải có chế độ khác, cũng như cần động viên, khuyến khích để các gia đình có con em tham gia lực lượng này thấy mình được quan tâm, chia sẻ, ủng hộ…”, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương bổ sung thêm.

Thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Lê Quý Vương trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu và khẳng định Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *