Vận đen vẫn đeo bám Facebook khi mà ngay trong tuần thứ 2 của năm mới, tập đoàn công nghệ khổng lồ này đã bị toà án tại thành phố Milan (Italia) phạt tới 4,7 triệu USD vì có hành vi sao chép ứng dụng. Trong khi đó, tại Mỹ, Facebook cũng đang phải “gồng mình” với các chiến thuật khôn khéo nhằm đối phó với vụ kiện từ Bộ Tư pháp và hơn 40 bang.
Phản hồi đầu tiên sau phán quyết của tòa án phúc thẩm Milan, đại diện của Facebook chỉ đưa ra thông tin đã tiếp nhận phán quyết và cần phải xem xét một cách cẩn thận. Theo giới phân tích, khoản bồi thường nói trên là khá lớn và là cú đánh mạnh vào tập đoàn công nghệ này nhất là khi Facebook đang phải hứng chịu thêm một loạt các vụ kiện chống độc quyền khác của Mỹ. Facebook hiện bị cáo buộc lạm dụng sự thống trị của mình trong thị trường kỹ thuật số và có hành vi phản cạnh tranh. Các khiếu nại tập trung vào việc Facebook mua lại và kiểm soát Instagram và WhatsApp với giá lần lượt là 1 tỷ USD và 19 tỷ USD trong 2 năm 2012 và 2014. FTC và liên minh các tổng chưởng lý từ 48 bang và vùng lãnh thổ tại Mỹ đã đâm hai đơn kiện riêng biệt chống lại Facebook vào ngày 9-12-2020. FTC muốn xin lệnh cấm vĩnh viễn, có thể đẫn đến việc Facebook thoái vốn khỏi Instagram và WhatsApp; cấm Facebook áp đặt những điều kiện phi cạnh tranh đối với các nhà phát triển phần mềm bên thứ ba. Còn Faceboook phản bác lại vụ kiện, cho rằng FTC đã không nhắc tới việc chính họ là người thông qua các vụ mua bán này vài năm trước.
Nguồn tin từ hãng CNBC cho hay, đối mặt với những vấn đề pháp lý đó, “gã khổng lồ công nghệ” Mỹ đã tăng cường vận động hành lang, thuê các luật sư có năng lực cao và đưa ra một loạt các sáng kiến nội bộ để cố gắng ngăn chặn vụ việc. “Các nhà điều tra liên bang và tiểu bang đang hoàn tất hai vụ kiện chống độc quyền mang tính bước ngoặt đối với Facebook. Trong nhiều tháng, các cơ quan giám sát ở Washington và khắp cả nước đã điều tra Facebook và CEO Mark Zuckerberg về những cáo buộc rằng tập đoàn độc quyền kinh doanh bất hợp pháp. Các nhà quản lý ngày càng tin rằng mạng xã hội khổng lồ trong gần 17 năm qua đã tìm cách thâu tóm hoặc loại bỏ tất cả các đối thủ của mình, tham gia vào các chiến thuật bất hợp pháp để trở thành một trong những dịch vụ kỹ thuật số có lợi nhất trên thế giới”, hãng CNBC viết. Trong khi đó, Facebook bác bỏ mọi cáo buộc và trong một nỗ lực để minh họa cam kết của mình trong việc cạnh tranh lành mạnh. Các luật sư hàng đầu của tập đoàn cho biết họ sẵn sàng thay đổi một số phương thức kinh doanh của công ty. Một trong những ý tưởng mà Facebook đưa ra là sẽ cho phép một công ty hoặc nhà phát triển khác cấp phép truy cập vào mã mạnh nhất trong mạng lưới của mình để công ty hoặc nhà phát triển này có thể dễ dàng tạo phiên bản mạng xã hội riêng. Nhưng các nhà điều tra Mỹ đã bác bỏ ý tưởng này, tin rằng đề xuất của Facebook là một phần của danh sách các biện pháp khắc phục mơ hồ mà “gã khổng lồ công nghệ” đã trình bày trong năm 2020 và không giải quyết được đầy đủ các mối lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh.