Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
62304

Đại tá An ninh phản bác cáo buộc của Bộ Ngoại giao Mỹ: nhóm “Báo Sạch” bị xử lý là đúng người, đúng tội

 

Tại phiên tòa sơ thẩm với nhóm Báo Sạch cuối tháng 10 vừa qua, TAND huyện Thới Lai (Cần Thơ) đã tuyên phạt các bị cáo là thành viên nhóm “Báo Sạch” tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2, Điều 331 Bộ Luật Hình sự và hình phạt bổ sung cấm các bị cáo hoạt động trong lĩnh vực báo chí thời hạn 3 năm. Ngay lập tức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo, nêu ra những ý kiến thiếu khách quan, sai lệch về tự do báo chí ở Việt Nam, kêu gọi trả tự do cho “5 nhà báo này và tất cả những người bị giam giữ vô cớ”. Một số tổ chức NGO nước ngoài như “Phóng viên không biên giới” cũng ra thông báo phản đối các bản án đối với nhóm “Báo Sạch”, vu cáo Việt Nam “gia tăng đàn áp truyền thông độc lập”.

VOV mới đây đã phỏng vấn Đại tá Nguyễn Tuấn Việt- Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an về vấn đề này, nội dung ông Việt khẳng định:

Thứ nhất,  Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Tại Việt Nam, không ai bị bắt giữ và xét xử chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền. Diễn biến quá trình khởi tố bắt giam và phiên tòa xét xử vụ án Trương Châu Hữu Danh cùng đồng phạm cho thấy, những đối tượng này đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… và cần phải bị trừng trị thích đáng theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, với ý kiến cho đây là các “nhà báo độc lập”, hoạt động khách quan là cố tình bóp méo sự thật, cố tình lấp liếm, bao che cho hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng. Chính các đối tượng tại phiên tòa xét xử vừa qua đều cúi đầu nhận tội, đều ăn năn hối cải, mong được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

Việc sử dụng các danh nghĩa “nhà báo độc lập”, “truyền thông độc lập” là cố tình bỏ qua tính chất khách quan, chính nghĩa của báo chí nói chung và báo chí cách mạng Việt Nam, đánh đồng hành vi vi phạm của các đối tượng với sự đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của lực lượng báo chí chân chính, đại diện cho tiếng nói của Nhân dân, của Nhà nước. Bất kỳ hoạt động nào cũng phải theo khuôn khổ của pháp luật. Trong đó hoạt động báo chí, truyền thông không loại trừ, phải theo quy định của pháp luật, phải phục vụ lợi ích của dân tộc, của Nhà nước, của Nhân dân.

Thực tiễn tại Việt Nam, đã có một số đối tượng được ca ngợi hoặc tự nhận, tự phong là “nhà báo độc lập”, hoạt động “truyền thông độc lập” như Tạ Phong Tần, Trần Khải Thanh Thủy… hoạt động của các đối tượng là nhằm phục vụ cho lợi ích của các thế lực bên ngoài. Số này nhận tiền và hoạt động theo ý muốn của từ bên ngoài, lợi dụng không gian mạng, truyền thông trên mạng xã hội để đăng tải thứ sản phẩm vu khống, bịa đặt mà mục đích nhằm phá hoại chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.

“Nhà báo độc lập”, “truyền thông độc lập” là những mỹ từ mà các thế lực thù địch, phản động thường rêu rao nhằm che lấp mưu đồ xấu xa với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, hoạt động báo chí, truyền thông ở Việt Nam nói riêng. Đó là lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để hoạt động phá hoại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân, vi phạm pháp luật. Mưu đồ đó phải được bóc trần và vô hiệu hóa vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Thứ ba, hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí theo đúng quy định tại Luật Báo chí năm 2016. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo được quy định tại Điều 25 Luật Báo chí 2016, trong đó tại Khoản 1, Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định rõ: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo”. Các đối tượng thuộc nhóm “Báo Sạch” đã bị tước thẻ nhà báo thì không thể hoạt động như một nhà báo thông thường, mọi hoạt động lấy danh nghĩa nhà báo đều là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật.

Việc các đối tượng nhóm “Báo Sạch” bị khởi tố, đưa ra xét xử tại phiên tòa sơ thẩm vừa qua đã chứng minh rõ hoạt động của các đối tượng là vi phạm pháp luật, hoạt động của các đối tượng là tư lợi, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phá hoại lợi ích của nhân dân.

Cuối cùng, hành vi kêu gọi thả tự do cho nhóm “Báo Sạch” thể hiện sự tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam. Hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng được thể hiện rõ với đầy đủ tài liệu chứng cứ. Căn cứ vào hồ sơ, kết quả thẩm tra, xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Châu Hữu Danh cùng các đồng phạm, Hội đồng xét xử phiên tòa đánh giá việc truy cứu trách nhiệm hình sự, quá trình điều tra đối với các bị cáo là đúng quy định của pháp luật.

Ngay tại phiên tòa này, các đối tượng đều cúi đầu nhận tội, khai báo hành vi vi phạm pháp luật của mình, thể hiện thái độ ăn năn hối cải, đều có nguyện vọng mong muốn được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Hội đồng xét xử đã có bản án đối với hành vi vi phạm của các đối tượng, một mặt thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, là bản án thích đáng đối với các hoạt động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của nhân dân, mặt khác khung hình phạt dành cho các đối tượng cũng thể hiện sự đánh giá toàn diện, khách quan của Hội đồng xét xử, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *